Đón sóng đầu tư 2010

Cập nhật 15/03/2010 14:40

Khó khăn của vàng và bất động sản chỉ là điều kiện cần để đẩy dòng tiền sang chứng khoán. Điều kiện đủ phải là sự sôi động của chính thị trường này. Thực tế những năm qua cho thấy, ngay trong những thời điểm vàng hay bất động sản đang là những kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao thì dòng tiền vẫn đổ mạnh vào chứng khoán vì sự sôi động của chính thị trường này.

Sàn vàng đóng cửa, thị trường bất động sản chậm chạp trở mình khiến chứng khoán được “tâng bốc” sẽ là kênh đầu tư số 1 của năm 2010. Tuy nhiên, có đúng là thị trường vàng và bất động sản sẽ lặng sóng? Và chứng khoán có hấp dẫn đến vậy?

Khó khăn của vàng và bất động sản chỉ là điều kiện cần để đẩy dòng tiền sang chứng khoán. Điều kiện đủ phải là sự sôi động của chính thị trường này. Thực tế những năm qua cho thấy, ngay trong những thời điểm vàng hay bất động sản đang là những kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao thì dòng tiền vẫn đổ mạnh vào chứng khoán vì sự sôi động của chính thị trường này.

Ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kim Eng, cho rằng, hiện tại, việc dòng tiền từ thị trường vàng đổ sang chứng khoán là có, nhưng không thể định lượng chính xác là bao nhiêu, nhiều hay ít. Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Đức, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán An Bình, dự đoán: “Sẽ không có việc đầu tư ồ ạt vào chứng khoán do nguồn tiền trên thị trường này đang được kiểm soát khá chặt, trong lúc nền kinh tế chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn”.

Chứng khoán: Chưa hẳn dễ ăn

Xung quanh việc đầu tư trên thị trường này, một số chuyên gia cho rằng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo họ, chứng khoán chưa hẳn là kênh đầu tư lý tưởng.

Bà Nguyễn Ngọc Bảo Châu, CFA, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Hợp Lực Việt Nam, cho rằng: “Thị trường chứng khoán biến động chủ yếu là do kỳ vọng của nhà đầu tư. Nhà đầu tư kỳ vọng những gì? Tin tức về tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát ở mức vừa phải, tỉ giá được điều tiết nhịp nhàng có tính dự báo, thâm hụt cán cân ngoại thương được thu hẹp, chính sách tiền tệ thông thoáng đáp ứng nhu cầu tiền đầu tư và tiêu dùng của nền kinh tế… đều ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nếu tốt dần lên là chỉ báo sớm cho thấy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang dần được cải thiện”.

Còn theo ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SBS, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam phải trên 6,5% thì mới có thể tạo đà đủ mạnh để thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững. Mức tăng trưởng này phải đi kèm với sự ổn định vĩ mô, trong đó quan trọng là ổn định lạm phát và tỉ giá. Trong thực tế, sẽ có nhiều yếu tố nảy sinh khiến cho chính sách điều hành của Chính phủ phải thay đổi và đây chính là những ẩn số của thị trường chứng khoán năm 2010.

Cụ thể hơn, ông Tâm, Công ty Chứng khoán Kim Eng, cho rằng, về trung hạn, thị trường chứng khoán có thể sẽ gặp khó khăn, do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, lãi suất có thể sẽ tăng, tăng trưởng tín dụng chậm lại. Điều này sẽ làm hạn chế nguồn vốn ngắn hạn vào thị trường chứng khoán. Ngoài ra, việc khó tiếp cận nguồn vốn rẻ do không còn được hỗ trợ lãi suất có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, theo ông, VN-Index sẽ khó tăng trưởng mạnh trong ngắn và trung hạn.

Các dự báo của nhiều chuyên gia về VN-Index cũng khiêm tốn hơn. Nếu năm 2009 VN-Index dao động rộng từ 235-633 điểm thì trong năm 2010 biên độ có thể hẹp hơn.

“Sau khi giảm sâu trong năm 2008 và bật lên mạnh mẽ năm 2009, thị trường chứng khoán có thể tạm thời cân bằng trong năm 2010”, ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán HSC, nhận định. Theo ông, VN-Index sẽ chỉ tăng 20% trong nửa đầu năm 2010 (dự báo dao động từ 400-650 điểm) và có khả năng giảm nhẹ trong 2 quý cuối năm (dự báo 380-420 điểm).Ông Giang cho rằng, đến nay, vẫn chưa thấy nhiều dòng vốn đổ vào chứng khoán. “Yếu tố duy nhất thu hút nhà đầu tư vào một kênh đầu tư nào đó vẫn là kỳ vọng đạt lợi nhuận cao. Nhưng tình hình hiện nay khiến nhà đầu tư còn lưỡng lự khi quyết định bỏ vốn vào chứng khoán”, ông nói thêm.

Một yếu tố khác khiến cuộc chơi chứng khoán cần được tính toán kỹ lưỡng hơn là việc bắt đầu áp dụng thuế thu nhập cá nhân từ kinh doanh chứng khoán từ ngày 1.1.2010. Điều này cộng với xu hướng tăng lãi suất cho vay sẽ làm tăng chi phí cho nhà đầu tư.

Như phân tích, thị trường chứng khoán trong ngắn và trung hạn khó có sự tăng trưởng mạnh. “Tuy vậy, mặt hồ vẫn luôn có sóng”, thạc sĩ Đào Trung Kiên, Trợ lý Trưởng khoa Ngân hàng Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định. Theo ông, trong bối cảnh bức tranh kinh tế vĩ mô chưa cho thấy xu hướng rõ ràng, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kiếm lời trong ngắn hạn từ việc đầu tư thuần túy dựa vào phân tích kỹ thuật mà không cần quan tâm đến các yếu tố phân tích cơ bản. Tuy nhiên, ông lưu ý nhà đầu tư không nên dựa vào những tiêu chí ngắn hạn để tính toán đầu tư cổ phiếu cho dài hạn và ngược lại. Chẳng hạn, không ít nhà đầu tư mua vào cổ phiếu của một công ty phát triển bất động sản chỉ vì nghe rằng công ty này vừa mua được một mảnh đất giá rẻ. Thực tế, từ mảnh đất giá rẻ đến việc thu lợi nhuận nhờ phát triển dự án trên mảnh đất này là một câu chuyện dài. Chưa kể những thông tin dạng này phần nhiều là tin đồn và đang rất phổ biến trên thị trường.

Vậy, để đầu tư đạt hiệu quả tối ưu, nhà đầu tư phải chuẩn bị danh mục đầu tư như thế nào?

Theo báo cáo phân tích từ các công ty chứng khoán An Bình, Kim Eng, HSC, SBS, SSI, TVS, 3 lĩnh vực có khả năng tăng trưởng doanh thu, mở rộng thị phần và kiểm soát tốt chi phí trong năm nay có thể đầu tư là lương thực - thực phẩm; công nghệ thông tin - viễn thông và sản xuất hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp chế biến cao su tự nhiên cũng rất triển vọng (giá cao su tự nhiên được Hiệp hội Cao su dự báo sẽ tăng 30% trong năm 2010).

Hiện nay, nhà đầu tư dường như vẫn giữ tâm lý chờ đợi và thận trọng. Ông Nguyễn Hồng Nam, Giám đốc Điều hành Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng, với tâm lý như vậy, những thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dường như được phản ánh vào giá rõ hơn các thông tin tích cực.

Ví dụ, khi Công ty Thủy sản Nam Việt (mã chứng khoán ANV) công bố lỗ 176 tỉ đồng trong năm 2009 thì cổ phiếu của họ đã giảm sàn liên tiếp 2 phiên với lượng dư bán giá sàn rất lớn. Ngược lại, dù Vietcombank (mã VCB) công bố kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong quý IV và cả năm đạt 4.455 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt xa kế hoạch, nhưng giá cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm nhẹ.

Dù vậy, theo ông Nam, thị trường cũng đang có những phản ứng tích cực đối với kết quả kinh doanh của một số cổ phiếu nhỏ. Chặng hạn, Công ty Cổ phần Chế tạo Kết cấu thép VNECO (mã chứng khoán SSM) có lợi nhuận tăng đột biến trong quý IV (đạt 70% lợi nhuận cả năm) khiến giá cổ phiếu SSM tăng trần nhiều phiên. Ông lý giải: “Trong bối cảnh xu hướng thị trường chưa rõ ràng, dòng tiền đang có xu hướng tìm đến những cổ phiếu nhỏ, ít bị tác động bởi xu hướng thị trường và thanh khoản không cao”.

Trong khi các nhà đầu tư trong nước vẫn hoài nghi thì nhà đầu tư nước ngoài lại tiếp tục mua ròng tháng thứ 4 liên tiếp. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ có 4 phiên bán ròng trong tháng 1.2010, so với 16 phiên mua ròng. Tuy vậy, tổng giá trị mua ròng trong tháng 1 đã giảm xuống còn 577 tỉ đồng, xấp xỉ bằng một nửa của tháng 11 và 12.2009. Dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cho thấy dù họ đã bắt đầu quan tâm trở lại thị trường nhưng cũng chưa tạo nên những làn gió mạnh.

Ông Đức, Công ty Chứng khoán An Bình, nhận định, năm 2009 đã chứng kiến sự tham gia rất dè dặt của nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2010, nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoạt động tích cực hơn với sự tham gia của các quỹ đầu tư mới, bên cạnh các quỹ hiện hữu.

Tuy nhiên, ông Giang, Công ty Chứng khoán HSC, có phần ít lạc quan hơn. Ông nói: “Việt Nam chưa phải là đích đến ưu tiên so với các thị trường khác trong khu vực trong vòng một năm tới. Vì thế, tôi không lạc quan lắm về dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài”.

Chứng khoán chưa hẳn là kênh đầu tư “dễ xơi”, những kênh đầu tư ít được kỳ vọng hơn trong năm nay như vàng, bất động sản sẽ ra sao?

Vàng và bất động sản: sóng nhỏ

Tâm lý sàn vàng đóng cửa có nghĩa cơ hội đầu tư vàng cũng không còn đã được giải tỏa khi nhà đầu tư nhìn nhận rõ rằng, với tỉ lệ ký quỹ 7%, dòng tiền chạy vào thị trường vàng tài khoản không cao như nhiều người lầm tưởng (nếu đầu tư 100 lượng nhà đầu tư chỉ cần đặt 7 lượng, còn lại được cho vay). Thực tế, một dòng tiền lớn hơn rất nhiều lần chảy vào vàng vật chất hầu như không bị suy suyễn.

Trở lại với năm 2009, trong khi hầu hết thị trường xuất khẩu, tài chính tiền tệ, bất động sản, chứng khoán thế giới suy giảm thì vàng lại “một mình một ngựa” leo dốc. Tại Việt Nam, giá vàng liên tiếp lập kỷ lục, có lúc cao hơn giá thế giới, khiến cho giới đầu tư nhiều phen đau tim.

Tháng 1.2009, giá vàng trong nước chào năm mới ở mức 17,76 triệu đồng/lượng, sau đó leo đến mức kỷ lục 29,3 triệu đồng/lượng (tháng 11.2009). Như vậy, nếu mua 100 lượng vàng vào đầu năm, nhà đầu tư đã lời 65 lượng (tỉ suất sinh lời 65%).

Mặt khác, với đòn bẩy nợ lớn và có thể chốt lời, cắt lỗ trong vài phút sau khi đặt lệnh, đầu tư vàng rõ ràng hấp dẫn hơn so với quy định T+3 trong đầu tư chứng khoán (tức sau khi thực hiện giao dịch 3 ngày làm việc thì tiền hay cổ phiếu mới về tài khoản) hoặc vòng quay vốn 3 tháng cho đến vài năm nếu đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên, năm 2010, theo ông Trần Huy Doãn, Trưởng nhóm Kinh doanh Vàng, Ngân hàng ACB, vàng sẽ không còn được ưu ái như năm 2009, nhưng giá vàng bình quân vẫn sẽ ở quanh mức 1.150 USD/ounce, tăng 7% so với năm 2009.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty PNJ, cũng có cùng nhận định. Theo bà, trong quý I và II, giá vàng thế giới có thể tăng trở lại trên 1.100 USD/ounce. Sang quý III và IV, khi kinh tế Mỹ phục hồi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thì đồng USD sẽ mạnh lên và giá vàng có thể giảm. Tuy nhiên, khả năng giá vàng giảm xuống dưới 800 USD là thấp.

Thậm chí, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs còn đưa ra những con số rất đỗi lạc quan về giá vàng thế giới. Lý do chính ngân hàng này đưa ra là lãi suất cơ bản của đồng USD tiếp tục được giữ thấp nên giá vàng sẽ tăng trong khoảng trung bình 1.350 USD/ounce (năm 2010) và 1.425 USD/ounce (năm 2011). Như vậy, nếu tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tỉ giá tiếp tục diễn biến như năm 2009 và Chính phủ không tiếp tục nhập vàng, liệu giá vàng trong nước có khả năng lặp lại kịch bản tăng giá như năm 2009? Nghĩa là, nếu giá vàng ở Việt Nam đạt 27 triệu đồng/lượng lúc giá vàng thế giới là 1.125 USD/ounce năm 2009 thì theo lô-gic, lúc giá vàng thế giới đạt 1.350 USD/ounce, giá vàng Việt Nam năm 2010 sẽ đạt 32,4 triệu đồng/lượng?

Như vậy, phải chăng nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào vàng? Một chuyên gia đầu tư vàng phân tích: Đối với các nhà đầu tư nhỏ và muốn an toàn, gửi tiền vào ngân hàng vẫn là lựa chọn nên cân nhắc, vì biến động lãi suất trong năm 2010 sẽ có lợi cho VND. Còn nếu chấp nhận rủi ro và để đảm bảo giá trị tài sản trong khả năng có lạm phát cao, nhà đầu tư có thể chọn vàng. “Hãy theo dõi mối tương quan giữa tỉ giá USD và giá vàng thế giới và chớp thời cơ giá giảm mạnh để mua vào”, chuyên gia này khuyên.

Bên cạnh đó, đối với đầu tư vàng, thử thách không nằm ở số vốn nhà đầu tư có, hoặc vàng có sóng lớn hay không. Anh Phạm Đình Thuận, chuyên gia phân tích đầu tư đồng thời là giám đốc một công ty bất động sản, cho rằng, thị trường vàng là thị trường toàn cầu, nên chẳng bao giờ hết sóng. Hơn nữa, đó là thị trường dùng đòn cân nợ để giao dịch nên khó mà dùng “chiêu” bình quân giá để chờ giá quay đầu giống như đầu tư chứng khoán. “Nếu khéo léo tìm một chiến lược đầu tư chậm mà chắc thì với 1.000 USD bạn hoàn toàn có thể đạt được 100.000 USD. Nhưng nếu bạn cố gắng bỏ thêm 100.000 USD (giống như mua bình quân giá) cho một xu hướng sai cũng không đủ, nếu giá vàng có những con sóng tăng/giảm đến 200 USD/ounce như năm 2009”, anh Thuận khuyên.

Trong khi đó, thị trường bất động sản sau một năm đóng băng đã được các chuyên gia dự báo sẽ có “sóng lăn tăn” trong năm 2010.

Đợt sóng thứ nhất, theo Lê Quang Hàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà đất Sài Gòn, có thể sẽ xuất hiện ở phân khúc đất nền và nhà xây sẵn. Thanh khoản mạnh sẽ xuất hiện ở mảng căn hộ giá thấp hoặc cao cấp thực sự, bởi nguồn cung ở phân khúc này vẫn chưa đáp ứng đủ cầu.

Đợt sóng nhỏ thứ hai được giới đầu tư bất động sản kỳ vọng sẽ nổi lên ở phân khúc bất động sản du lịch, khi nhiều khu nghỉ dưỡng sắp hoàn thành và sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Hàng loạt báo cáo về tình hình thị trường bất động sản năm 2010 của các công ty tư vấn như CBRE, Savills cũng cho rằng, bất động sản du lịch sẽ phát triển ổn định. Trong đó, phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng được xem là xu hướng mới nổi.

Một số ý kiến còn cho rằng, dòng tiền rút ra từ vàng sẽ được đưa vào bất động sản, chớp thời cơ những công trình hạ tầng sắp hoàn tất. Đại lộ Đông Tây, hầm Thủ Thiêm, cầu dây văng Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội khi hoàn thành sẽ tạo một vẻ đẹp mới cho nhiều khu dân cư của TP.HCM, đặc biệt tại những khu vực gần trung tâm mà giá còn thấp so với khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Ít lạc quan hơn, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận định: “Thị trường có thể sẽ không thực sự tạo được bước đột phá, do cung đang có dấu hiệu cao hơn cầu, trong khi dòng vốn ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản vẫn án binh bất động”.

Lúc này, các thị trường vẫn còn chưa định hình rõ xu hướng. Tuy nhiên, một điều đã có thể thấy rõ là nhà đầu tư trong nước sẽ thận trọng và trở nên chuyên nghiệp hơn.Ông Giang, Công ty HSC, nhận xét: “Nhà đầu tư trong nước vẫn sẽ dẫn dắt thị trường. Họ đang trở nên chuyên nghiệp và nhạy hơn trước đây rất nhiều. Các nhà đầu cơ dựa trên tin đồn sẽ thất bại” .

DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp Cầu Đầu Tư