Đón cổ phiếu ăn theo bất động sản

Cập nhật 18/04/2012 08:50

Cổ phiếu bất động sản dậy sóng khiến nhiều người tiếc vì không mua kịp. Mặc dù vậy, cơ hội vẫn còn khi nhiều ngành hỗ trợ bất động sản cũng sẽ hưởng lợi.


Cổ phiếu bất động sản đang hấp dẫn nhà đầu tư. Anh: Chí Cường
Cổ phiếu bất động sản dậy sóng khiến nhiều người tiếc vì không mua kịp. Mặc dù vậy, cơ hội vẫn còn khi nhiều ngành hỗ trợ bất động sản cũng sẽ hưởng lợi.

Hiện nay trên thị trường có 61 cổ phiếu bất động sản niêm yết trên cả 2 sàn. Trong khoảng hơn 1 tuần qua, giá nhiều cổ phiếu bất động sản đều bật tăng mạnh. Chẳng hạn, như cổ phiếu NTL của CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm tăng từ mốc 18.000 đồng lên 23.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu TDH của CTCP Phát triển nhà Thủ Đức tăng từ mốc 16.000 đồng lên 18.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BCI của CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh tăng từ 19.000 đồng lên 22.000 đồng/cổ phiếu…

Trong phiên ngày 16/4 vừa qua, nhiều cổ phiếu tiếp tục tăng trần như cổ phiếu CII tăng trần lên 34.600 đồng/cổ phiếu, HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô tăng trần lên 19.600 đồng/cổ phiếu…

Những động thái trên đã khiến, trong thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư không thể mua được cổ phiếu bất động sản. Hầu hết các nhà đầu tư đều thấy rõ nguyên nhân khiến cổ phiếu bất động sản trở thành món hàng “hot”, đó là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản quy định loại ra một số nhu cầu vốn không thuộc dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, cho dù cổ phiếu bất động sản đã tăng giá mạnh và khả năng kiếm lợi nhuận khi mua thời điểm này không còn nhiều, nhưng cơ hội cho nhà đầu tư vẫn còn. Lý do là, ngoài doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh bất động sản, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành khác cũng được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tín dụng này.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN, khó khăn về vốn trong lĩnh vực bất động sản được tháo gỡ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất...

Bình luận về chính sách tín dụng mới của NHNN đối với bất động sản, bà Đoàn Thị Ánh Nguyệt, chuyên viên Phòng Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, quy định này đã nới lỏng hơn nhiều so với Chỉ thị 01 ngày 13/2/2012.

Ông Bình cho biết, NHNN tháo gỡ dần khó khăn trong cho vay đối với lĩnh vực này, đặc biệt là khó khăn trong xây dựng nhà để ở nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Với sự cải thiện về giá, người dân đã có thể tiếp cận và sở hữu được nhà ở, nên có thể giải phóng được số nhà đang tồn đọng chưa bán được.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà quan sát có kinh nghiệm, các nhà đầu tư cũng không nên đặt kỳ vọng quá lớn từ đợt điều chỉnh chính sách tín dụng lần này. Theo những phân tích đó, thực tế quy định nới lỏng mới này vẫn bị giới hạn bởi tăng trưởng tín dụng 15-17% trong năm 2012, cũng như khống chế tăng trưởng tín dụng phi sản xuất mở ở mức 16% tổng dư nợ. Mặt khác, hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được triển khai mạnh, an toàn hoạt động vẫn sẽ là vấn đề quan trọng mà các ngân hàng quan tâm. Trong khi đó, lãi suất tuy đã hạ, nhưng vẫn còn cao cùng với thị trường tiêu thụ thu hẹp cũng là các yếu tố khiến doanh nghiệp chưa thể đẩy mạnh việc tiếp cận dòng vốn.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư