Đổ vỡ tín dụng và bất ổn thị trường tài chính

Cập nhật 28/10/2011 08:55

Hàng loạt vụ lừa đảo thông qua huy động vốn với lãi suất cao đỗ vỡ. Những đổ vỡ này đã cho thấy những cảnh báo liên quan đến ngân hàng cũng như bất ổn đối với các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản.

Hàng loạt vụ lừa đảo thông qua huy động vốn với lãi suất cao đỗ vỡ. Những đổ vỡ này đã cho thấy những cảnh báo liên quan đến ngân hàng cũng như bất ổn đối với các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản.

BĐS - Chứng khoán: bất ổn

Nhận định mới đây từ các cơ quan điều tra cho thấy, đã có khoảng 60 vụ lừa đảo, đổ bể tín dụng từ đầu năm đến nay đều ít nhiều liên quan đến bất động sản, vàng và chứng khoán. Đó là những thị trường bùng nổ mạnh mẽ và có nhiều bất ổn nhất ở Việt Nam trong thời gian qua.

Lý giải về điều này, chuyên gia từ Ngân hàng Tienphongbank cho biết, thời gian trước, thị trường chứng khoán, bất động sản bùng nổ, kiếm tiền có vẻ quá nhanh và quá dễ. Vì thế mà không chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mà người người, nhà nhà bung ra kinh doanh, thị trường phát triển quá nóng, có bao nhiêu vốn vay mượn dồn hết vào một giỏ. Thậm chí có người còn lạm dụng đòn bẩy tài chính khi trong tay chỉ có 7-8% vốn thực.

Sau thời điểm các cơ quan quản lý thực thi chính sách ngăn dòng tiền vào chứng khoán, bất động sản, những người đầu tư quá lớn, vay mượn nhiều đứng trước nguy cơ một mất một còn.

Chuyên gia từ Viện Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội cho biết, chứng khoán và bất động sản là hại thị trường tăng trưởng cực mạnh và thu hút một lượng vốn lớn của các nhà đầu tư đổ vào. Như một vòng xoáy, trong giai đoạn đầu, tiền càng đổ vào nhiều thì sự tăng trưởng càng mạnh mẽ. Tiền đẻ ra tiền với mức lợi nhuận không lồ khiến người ta không ngại dốc toàn bộ tiền tự có, nhưng phần lớn là tiền đi vay, cộng thêm các đòn bẩy tài chính, các mánh kích cầu đã khiến cho hai thị trường này phát triển nhanh trở thành một nơi hút tiền lớn. Trong cơn say đó, nhiều người dân, rồi hầu hết các DN và không ít tổ chức tài chính đều "dây máu ăn phần" vào bất động sản và chứng khoán.

Sư hưng phấn đã hút một lượng vốn lớn của rất nhiều người can dự vào BĐS và chứng khoán nhưng đáng kể nhất chính là sự tham gia hậu thuẫn của giới tài chính, ngân hàng đã khiến cho thị trường như một "vòng xoáy" ngày càng lên cao, trong kỳ vọng lợi nhuận lớn nhưng lại trên một nền tảng nguồn vốn vay mượn và các thủ đoạn kiếm lời ngắn hạn.

Nhưng khi lạm phát cao, tín dụng phi sản xuất bị siết lại, thi trường mất nguồn dinh dưỡng và bắt đầu suy kiệt. Để kéo lại nguy cơ đổ vỡ, người ta bắt đầu vay chỗ này, đập chỗ kia với hy vọng sẽ qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, khi các chính sách tiền tệ, tài chính được quyết tâm thắt chặt, ngân hàng - chỗ dựa lớn nhất cũng trở thành đối tượng bị soi xét và thậm chí phải hỗ trợ thì những nhà đầu tư phải tìm mọi cách để cứu mình nếu không muốn sự đỗ vỡ và phá sản đến sớm hơn.

Trong trường hợp đó, một mánh lới cũ nhưng hiệu quả là chấp nhận vay tín dụng đen với lãi suất cao và cả lừa đảo để kiếm tiền trả nợ nóng đã đẩy nhiều nhà đầu tư vào bước đường sai phạm. Hậu quả cuối cùng, khi hết sức chịu đựng mà thị trường chưa có khả năng hồi phục, dẫn tới vỡ nợ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Viện Kinh tế Việt Nam, sự hưng phấn và những sai lầm về đầu tư trên sàn chứng khoán hay BĐS; lòng tham, sự cả tin và mánh lới của các vụ lừa đảo vừa qua thì đã rõ nhưng đằng sau đó đã cho thấy sự phát triển bất ổn của những thị trường BĐS và chứng khoán. Thay vì đây là những thị trường cao cấp, kiểm soát chặt thì nó lại phát triển quá nóng và nhiều khi vượt qua sự kiểm soát để thành như một cái chợ, một canh bạc.

Nhờ lại thời điểm chứng khoán lên 1200 điểm, mọi cảnh báo phát triển nóng, nguy cơ đổ vỡ cũng đã được đưa ra, bất động sản tăng cao nhiều lần hơn giá trị thực, vượt xa nhu cầu mua bán cũng đã được khuyến cáo... Tuy nhiên, những cảnh báo dường như đã bị bỏ qua vì tất cả đều đang say máu và có lợi cộng với sự "thăng hoa" của thị trường khiến cho không ai nghĩ mọi việc lại rơi vào kết cụ xấu.

Nhưng qua tác động khủng hoảng kinh tế 2008, chứng khoán bắt đầu đi xuống, và rồi liên tiếp lạm phát, bất ổn trong nước khiến cho nó trượt dài xuống mốc dưới 400 điểm. Những con số giao dịch, tăng điểm, lợi nhuận ấn tượng đã thay bằng màu sự thua lỗ và tê liệt dần của hầu hết nhà đầu tư như ngày hôm nay.

Minh họa: Khều (TBKTSG)

Tình trạng như thế cũng đến với bất động sản. Đã có lúc, giá bất động sản tưởng như không bao giờ ngừng tăng, vì thế tâm lý cứ đổ vào đất, bỏ càng nhiều càng thắng lớn đã kéo người người làm bất động sản, DN nào cũng làm bất động sản... Nhưng rồi lạm phát, hãm phanh tín dụng đã khiến cho thị trường đóng băng. Bất động sản tiền tỷ nhưng đóng băng không giao dịch và nhà đầu tư bắt đầu ôm nợ.

Chính nhiều chuyên gia tài chính đã từ sớm bày tỏ những phát triển lệch lạc trên nền kinh tế. Trong khi các thị trường cơ bản như nhân lực, công nghệ chưa được xác lập thì những thị trường cao cấp như chứng khoán, BĐS lại nóng quá mức. Nó thoát ra ngoài chức năng cơ bản của mình mà trở thành một nơi buôn bán, nhưng cú đầu tư ngắn hạn và canh bạch trao tay tiền tỷ...lôi kéo toàn bộ người dân, DN và cả hệ thống tài chính vào một vòng xoáy.

Những bất cập và nguy cơ đã được chỉ ra nhưng dường như chỉ đến hôm nay mới được nhận rõ thì với nhiều người, đã quá muôn. Còn với nền kinh tế thì phải chịu những tác động không nhỏ. Từ đây, chính chứng khoán và BĐS cũng đang gánh chịu những khó khăn và buộc phải tính cơ cấu lại nếu muốn phát triển cao hơn.

Ngân hàng: Hệ lụy khó chối

Trong những vụ lừa đảo vừa qua, đã có bóng dáng của những nhân viên hay các đơn vị ngân hàng có liên lụy. Tuy tất cả đều phủ nhận sự can dự của mình mà xem đó chỉ là những sai phạm cá nhân, mượn danh ngân hàng.

Tuy nhiên, trong một lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi chặt chẽ sự kiểm soát về pháp lý và đạo đức nhưng ngân hàng đã không kiểm soát được, để danh tiếng, địa vị pháp lý và cả nguồn vốn của mình bị lợi dụng. Điều đó, dù dưới góc độ nào thì chính các ngân hàng cũng đã bị ảnh hưởng, ít nhất là về chất lượng và niềm tin trong mắt người dân.

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn chính là dư nợ tín dụng bất động sản của các ngân hàng vào chứng khoán. Trong mấy năm gần đây, khi các ngân hàng thương mại liên tục tăng cho vay phi sản xuất mà chủ yếu là BĐS và chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục cảnh báo rồi cả áp dụng các biện pháp kỷ luật để ngăn chặn.

Trước đây, lo ngại cho vay chứng khoán, định mức cho vay chứng khoán 20% tín dụng đã được đưa ra. Nhưng tỷ lệ này vẫn còn quá cao và tiếp tục được siết lại ở mức 20% vốn điều lệ vào năm 2008. Tại thời điểm đó, sự thay đổi đã khiến cho các ngân hàng không hài lòng và phản đối vì cho rằng bị mất đi một cơ hội làm ăn.

Đối với cho vay bất động sản cũng vậy, năm nào Ngân hàng Nhà nước cũng phải nhắc nhở về hạn chế cho vay nhưng xem ra, sự nhắc nhở này chẳng có mấy tác dụng khi cho vay bất động sản vẫn ở trong mức cao và nguy hiểm và được đánh giá là một nguy cơ đối với an toàn hệ thống.

Sự việc căng lên khi đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước buộc các tổ chức tín dụng phải giảm dư nợ phi sản xuất xuống 22% vào tháng 9 và 16% vào cuối năm thì nhất loạt các ngân hàng kêu ca khó thực hiện rồi lộ ra hàng loạt ngân hàng cho vay bất động sản, chúng khoán rất cao, có ngân hàng lên đến trên 50%.

Sự thực là đến hạn tín dụng phi sản xuất nhưng vẫn có đến 5 ngân hàng không thể đáp ứng tiêu chí này. Thông tin sau đó từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, có đến hàng trăm, ngàn tỷ đồng đang cho vay BĐS và một con số lớn khác đang dính vào chứng khoán.

Đây thực sự là điều đáng lo ngại cho chất lượng tín dụng trong bối cảnh hai thị trường hiện nay. Sự thực rất nhiều khoản cho vay trong hai lĩnh vực này bị rơi vào tình trạng xấu. Ngân hàng nông nghiệp mới đây đã phải thừa nhận đa phần trong tỷ lệ nợ xấu hơn 6% của họ là từ bất động sản. Theo nhận định của các chuyên gia từ Công ty chứng khoán Thăng Long, tình hình tương tự sẽ đến với nhiều ngân hàng khác.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu có sự liên hệ nào giữa những vụ vỡ nợ và các khoản cho vay của ngân hàng? Và có bao nhiêu phần cho vay của ngân hàng đang rơi vào tính trạng có thể mất vốn vì đầu tư thua lỗ trên thị trường chứng khoán và BĐS? Câu trả lời từ các chuyên gia trong ngành là có và không hề nhỏ. Và tình trạng nợ xấu gia tăng nhanh trong thời gian gần đây chính là một biểu hiện cho tình trạng này.

Các ngân hàng cũng có thể trả lời là họ không lo lắm trước các khoản vay này vì được đảm bảo bởi tài sản. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo liệu có được chuyển hóa để bù đắp thanh khoản cho các ngân hàng khi mà thị trường sụt giảm và đóng băng như hiện nay.

Nguy hiểm hơn trong tình trạng hiện nay, khi các khoản vay ngân hàng ngày càng đến hạn, khả năng trả nợ không có... để tránh phá sản và đổ vỡ họ tiếp tục leo theo các khoản tín dụng đen. Thậm chí, rất có thể, những chính sách về ưu đãi mới về lãi suất, tín dụng sẽ lại bị lợi dụng để đảo nợ. Mà chuyện này đã xảy ra nhiều trong những chính sách ưu đãi trước đây.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF