Định hướng tín dụng 2012: Tiền tệ tiếp tục chặt chẽ

Cập nhật 28/09/2011 10:55

Nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2012 sẽ thấp nhất trong 15 năm trở lại đây, giá trị đồng vốn theo đó sẽ được nâng cao hơn.


Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tuy tăng trưởng tín dụng năm nay dự tính ở mức thấp so với những năm trước, nhưng hiệu quả tín dụng đã được nâng cao hơn.
Nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2012 sẽ thấp nhất trong 15 năm trở lại đây, giá trị đồng vốn theo đó sẽ được nâng cao hơn.

Một nguồn tin riêng cho biết Ngân hàng Nhà nước sắp công bố cụ thể một số chỉ tiêu kế hoạch hoạt động của hệ thống trong năm 2012. Hai chỉ tiêu định hướng quan trọng là tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán có thể sẽ thấp hơn cả năm 2011 này, và thấp nhất trong vòng 15 năm qua.

Nguồn tin cho biết, chỉ tiêu dự kiến cho tăng trưởng tín dụng năm 2012 có thể chỉ là từ 15 - 17%, còn tổng phương tiện thanh toán có thể ở khoảng 14 - 16%.

Nếu theo chỉ tiêu dự kiến đó, năm 2012, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán gần với định hướng 15 - 16% của năm nay, trong khi tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua, kể từ năm 1998 (16,4%).

Tương tự, nếu với mức 15 - 17%, năm thứ hai liên tiếp chính sách tiền tệ thể hiện sự thắt chặt hơn so với quãng thời gian trước đó. Dữ liệu thống kê cho thấy, từ năm 2003 đến năm 2010, tăng trưởng tín dụng liên tục duy trì ở mức cao; đỉnh điểm như năm 2007 là 53,9%, năm 2004 là 41,6%, năm 2009 là 39,6%, năm 2010 cũng ở mức khá cao với 29,8%...

Năm 2011, đến cuối tháng 8, thống kê của Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy tăng trưởng tín dụng ở khoảng 9,5%; tuy nhiên nếu tính cả các khoản có bản chất là tín dụng thì ở khoảng 11,7%. Dù theo cách tính nào, năm nay nhiều khả năng tăng trưởng sẽ ở mức rất thấp; theo dự tính đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, mức tối đa thực tế đạt được chỉ khoảng 17%.

Tại một số diễn đàn gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh rằng, tuy tăng trưởng tín dụng năm nay dự tính ở mức thấp so với những năm trước, nhưng hiệu quả tín dụng đã được nâng cao hơn. Như năm nay tăng trưởng 1% GDP bình quân chỉ cần khoảng 1,2 - 1,3% tăng trưởng tín dụng, trong khi trước đó cần tới khoảng 1,6 - 1,7%, thậm chí cao hơn… Điều này một phần phản ánh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang được cải thiện.

Và năm 2012, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại một hội thảo mới đây do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục chặt chẽ, trong đó tín dụng được định hướng sẽ tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; tín dụng phi sản xuất sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.

Trao đổi với PV mới đây, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng: “Tăng trưởng tín dụng hiện nay không phải là nới tín dụng ra, không phải bơm nhiều tiền vào lưu thông, mà là cách bơm. Nếu bơm vào chỗ làm ứ đọng lại, bơm vào chỗ không làm của cải sinh thì kích lạm phát lên ngay. Nhưng nếu bơm vào chỗ tạo ra việc làm, tạo ra sức mua, hàng hóa, thị trường, sức hấp thụ tốt thì tác động trở lại, thu hút được tiền về, kích thích được sản xuất, vừa chống được lạm phát và vừa giúp được tăng trưởng hợp lý”.

Tại buổi họp báo sáng 27/9, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), cũng nhận định rằng, hiện nay và trong thời gian tới dù tín dụng tăng trưởng thấp hơn, những năm trước nhưng chất lượng sẽ cải thiện hơn.

Ông Vinh cho rằng đã qua thời “toàn quân, toàn dân” có những dòng vốn “dễ và rẻ”. Theo đó, tăng trưởng tín dụng hay hoạt động cho vay của các ngân hàng sẽ có tính chọn lọc cao hơn, tập trung cho các nhóm đối tượng, các lĩnh vực có sức hấp thụ tốt, thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế để phát huy hiệu quả và giá trị của đồng vốn.

Điều đó, theo Tổng giám đốc Techcombank, cũng một phần giải thích vì sao lãi suất cho vay hiện nay không thể giảm một cách đại trà. Nguồn vốn ưu đãi được các ngân hàng đưa ra theo các gói, các chương trình tập trung cho các lĩnh vực có định hướng của Ngân hàng Nhà nước; ngược lại, với tín dụng phi sản xuất, như với bất động sản có độ rủi ro cao hơn thì ngân hàng thận trọng hơn và lãi suất cho vay sẽ cao hơn.

Ông Vinh cũng nêu quan điểm rằng, định hướng lâu dài là các ngân hàng tập trung hỗ trợ vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp, cho các hoạt động sản xuất thương mại thay vì cho vay dài hạn với các nhu cầu đầu tư. Và bên cạnh kênh ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ phải mở rộng hơn việc tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ ở thị trường vốn.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy