Đánh thuế tài sản ở mức nào?

Cập nhật 13/12/2018 14:35

Tại nhiều quốc gia, thuế tài sản là nguồn thu chiếm 15% thu của địa phương và 40% thu ngân sách. Nhưng ở Việt Nam mới chiếm 0,7% thu địa phương. Dự thảo Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính công bố, trong đó có việc đánh thuế đối với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên, đang nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Vậy đánh thuế ở mức nào, và đối tượng nào phải chịu thuế là câu hỏi được đặt ra.

Tại nhiều quốc gia, thuế tài sản là nguồn thu chiếm 15% thu của địa phương và 40% thu ngân sách. Nhưng ở Việt Nam mới chiếm 0,7% thu địa phương. Dự thảo Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính công bố, trong đó có việc đánh thuế đối với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên, đang nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Vậy đánh thuế ở mức nào, và đối tượng nào phải chịu thuế là câu hỏi được đặt ra.

Giới chuyên gia cho rằng đánh thuế tài sản sẽ tạo cú sốc cho người dân.

Đánh thuế ở mức nào và đối tượng nào phải chịu thuế tài sản là những vấn đề đặt ra tại Hội thảo khoa học khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức ngày 12/12.

Ai phải nộp thuế?

Ông Đinh Tuấn Minh - Công ty Vietanalytics cho rằng, tài sản được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tài sản hữu hình là động sản và bất động sản và phi hữu hình bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, tài khoản ngân hàng. Cho nên thuế tài sản là loại thuế mà Nhà nước đánh vào các loại tài sản mà người dân sở hữu hoặc nắm giữ quyền sử dụng, bao gồm các sắc thuế áp dụng định kỳ với đất đai, hay các tòa nhà trên đất. Tuy nhiên theo ông Minh, phải xác định người nộp thuế là ai? Người sở hữu hay người sử dụng phải đóng thuế? Vì trên thế giới có phân biệt giữa người nộp thuế là người chủ sở hữu, hoặc là người sử dụng, và việc đánh thuế dựa trên giá trị tài sản hoặc thuộc tính (như diện tích) để đánh thuế.

Ông Minh cũng nhìn nhận, việc thu thuế có thể khiến người dân không có động lực tích lũy tài sản và tiêu dùng. Còn nếu đánh vào các doanh nghiệp và trung gian sẽ dẫn đến méo mó trong phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Do đó, thu thuế nên đánh vào quá trình tiêu thụ, nghĩa là hàng hóa chuyển từ người này cho người kia.

“Thuế tài sản rất rộng, do đó cần khoanh vào trong phạm vi, khi xây dựng hệ thống thuế cần xác định rõ vấn đề ai là người nộp thuế? Đối tượng thu thuế? Các đối tượng được miễn trừ? Kiểm soát hệ thống thu thuế và cần định rõ mục đích thu thuế là tạo công bằng trong xã hội, kinh tế, hay mục đích tăng thu cho chính quyền địa phương vì bất kỳ quốc gia nào cũng cân nhắc rất kỹ trước khi đánh thuế” - ông Minh nói.

Cho rằng trên thế giới, thuế tài sản là vấn đề phức tạp và dai dẳng cho nên việc đánh thuế phải đem lại hiệu quả, áp dụng trên thực tế, dễ thực thi và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính đưa ra phân tích: 3 nước đánh thuế vào người giàu là Na Uy, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha đã thất bại vì người giàu có thể dễ dàng trốn thuế do chuyển dịch tài sản sang các nước khác. Do đó người nộp thuế có thể là sở hữu, hoặc người sử dụng, hoặc cả hai đối tượng trên.

Theo ông Cường, phương pháp xác định giá tính thuế hiện nay của nước ta là do nhà nước áp đặt, còn các nước khác là đánh theo giá thị trường. Từ đó khiến chúng ta có đánh thuế nhưng thu không đáng bao nhiêu vì mức tính thuế quá thấp, đóng góp vào ngân sách trung ương không nhiều. Đơn cử như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, chỉ đóng góp 0,03-0,06% GDP mỗi năm, thua xa so với các nước. Vì vậy không nên tham vọng đánh thuế đối với động sản như: Cổ phiếu, trái phiếu vì nếu đánh thuế đối với cổ phiếu hay trái phiếu sẽ không khuyến khích sản xuất; còn đánh thuế đối với tranh hay đá quý thì phải định giá, vậy lúc đó định giá tranh như thế nào? rồi đánh thuế du thuyền, máy bay cá nhân thì qua mỗi năm giá trị bị giảm đi do sử dụng. Vì thế chỉ đánh thuế với bất động sản như nhà cửa, vì nhà cửa thì không thể “chạy đi đâu” được.

Tại sao đặt ra mức 700 triệu đồng?

Dự báo ảnh hưởng của Luật Thuế tài sản tác động tới người tiêu dùng, PGS.TS Nguyễn Việt Cường - Viện nghiên cứu phát triển Mêkong (Ông Cường là 1 trong 2 người Việt Nam lọt top “5% kinh tế gia hàng đầu trên thế giới”) cho rằng, áp dụng thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập của các hộ gia đình, qua đó làm giảm chi tiêu, và nhiều hộ cận nghèo sẽ rơi vào nghèo do bị cắt giảm trong chi tiêu. Qua đó có thể tạo “cú sốc” với người dân khi họ bị giảm thu nhập và chi tiêu, trong khi mục tiêu hướng tới là Nhà nước thu thuế nhưng không làm thay đổi phúc lợi của các hộ gia đình trong xã hội.

“Dự thảo Luật Thuế tài sản có 3 đối tượng bị chịu thuế gồm: Đất phi nông nghiệp, nhà ở, tàu bay, ô tô có giá từ 1,5 tỷ đồng và vùng khó khăn được giảm 50% tiền thuế phải nộp. Nhưng theo kết quả dự báo, thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng, chi tiêu thực tế và tăng tỷ lệ nghèo; trong đó thu nhập khả dụng giảm 0,9%, chi tiêu thực tế giảm 0,7%. Đặc biệt, các hộ gia đình có nhiều người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn” - ông Cường nói.

Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, ngưỡng chịu thuế nên áp dụng đối với nhà có giá trị trên 2 tỷ đồng. Bởi theo ông, người có nhà có giá trị trên 2 tỷ đồng là những người có thu nhập mức khá và bị tác động rất nhỏ so với mức đánh thuế. Còn người có nhà dưới 2 tỷ đồng thường là người có thu nhập thấp và sẽ gây tác động lớn tới các hộ gia đình.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, vấn đề thuế tài sản đã được thảo luận từ hơn 10 năm trước nhưng đến nay chưa có kết quả cuối cùng, vì đây là vấn đề không đơn giản do có những tác động đến xã hội; nhất là từ khi Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật Thuế tài sản và gây xôn xao dư luận khi đánh thuế đối với nhà có giá trị trên 700 triệu đồng. Theo ông Thành, thuế tài sản nếu được ban hành như quy định của dự thảo hiện nay, sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình. Chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải người nghèo được cải thiện, vì vậy đây không phải là một sắc thuế bền vững.

Ông Thành cũng đề nghị, không nên quy định “thuế tài sản chung chung” mà cần cụ thể hóa thành một loại thuế nào đó có bản chất liên quan đến tài sản, ví như đánh thuế đối với nhà ở và đất. 

* Thận trọng để không tác động đến “người yếu thế”: Bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cấp cao của tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhìn nhận, chính sách thuế vừa là nguyên nhân vừa là giải pháp, bởi bản chất của thuế là phân phối lại của cải xã hội, tạo ra sự bình đẳng thông qua chính sách thuế, không chuyển gánh nặng đánh thuế từ người giàu sang người nghèo. Thuế và chi tiêu là 2 mặt của đồng xu để giải quyết vấn đề đói nghèo.

“Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải cách hành chính công nhằm giải quyết nợ công thâm hụt ngân sách và tăng hiệu quả chi tiêu do đó chính sách thuế tài sản cần được đánh giá một cách khoa học, thận trọng để không tác động đến những người yếu thế” - bà Hương cho hay.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết