Đánh đổi lợi ích từ lãi suất

Cập nhật 12/04/2011 10:30

Bất chấp lãi suất cao và chưa thể hạ nhiệt ngày một ngày hai, tăng trưởng tín dụng vẫn đang ở mức lo ngại. Vì sao lãi suất cao mà người ta vẫn đổ xô vay vốn? Câu trả lời là nhiều khoản cho vay bất động sản không thể trả được...


Ảnh: Lê Toàn
Bất chấp lãi suất cao và chưa thể hạ nhiệt ngày một ngày hai, tăng trưởng tín dụng vẫn đang ở mức lo ngại. Vì sao lãi suất cao mà người ta vẫn đổ xô vay vốn? Câu trả lời là nhiều khoản cho vay bất động sản không thể trả được trong điều kiện thị trường nhà đất đóng băng hiện nay.

Những chốt chặn cuối

Ngày cuối cùng của tháng 3-2011 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định 692 nâng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ lên 13%/năm, tăng 1%/năm so với mức trước đó. Trong ba loại lãi suất trên, lãi suất tái cấp vốn được biết đến nhiều hơn do nó được sử dụng để hỗ trợ các ngân hàng thiếu thanh khoản. Vì đối tượng áp dụng khá hẹp, nhìn chung nó không có nhiều ảnh hưởng lắm đến thị trường.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ lại khác. Gần đây lượng tiền NHNN phải cho các ngân hàng vay để bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ tăng vọt. Có ngân hàng thiếu cả trăm tỉ đồng/ngày. Nguyên nhân là lãi suất cho vay của NHNN chỉ có 12%/năm trong khi lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng lúc thấp nhất trong ba tháng qua cũng tới 14-15%/năm, cao thì 20%/năm.

Từ sự chênh lệch này, một số ngân hàng đã lấy tiền đáng ra dùng để thanh toán bù trừ đem cho vay qua đêm liên ngân hàng, còn sự thiếu hụt đã có NHNN “lo hộ” bằng cách cho vay. Đây cũng là một cửa NHNN “bơm” tiền ra, chỉ có điều nó hẹp hơn và ít được chú ý. Một quan chức NHNN cho biết nếu mức tăng lên 13%/năm chưa đủ sức “răn đe”, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ sẽ còn tăng, thậm chí nếu cần thiết tới 15%/năm.

Tín dụng vẫn tăng 110.000 tỉ đồng

Tăng trưởng tín dụng quí 1-2011, theo Thống đốc NHNN công bố tại cuộc họp ở TPHCM hôm 4-4, là 4,81%, tính ra số tuyệt đối là hơn 110.000 tỉ đồng so với cuối năm 2010 (dư nợ cuối năm ngoái là 2,3 triệu tỉ đồng - NV). Đây là mức tăng cao hơn hẳn quí 1-2010 (chỉ có 3,34%).

Có hai lý do khiến tín dụng vẫn tăng mạnh bất chấp chính sách siết chặt tiền tệ. Thứ nhất, các nhà sản xuất vay vốn để mua nguyên liệu và trữ hàng. Giá cả hàng hóa tiêu dùng đang và sẽ ở một mặt bằng giá mới, khả năng tăng giá bán ra vào quí 3-4 là có. Điều này giải thích tại sao hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng lên. Mặt khác, nếu trừ đi lạm phát được dự kiến từ 12-15% trong năm nay, lãi suất thực vay không quá cao, khoảng 8-10%/năm.

Thứ hai, các khoản vay bất động sản đáo hạn thực trả không nhiều. Các dự án nhà đất đang ngừng trệ, chủ đầu tư không thể trả nợ ngân hàng. Một số ngân hàng bắt buộc đảo nợ, cho vay lại. Trên giấy tờ, khoản nợ là mới và lợi nhuận vẫn được ngân hàng hạch toán. Có ngân hàng đã gửi tiền ở một ngân hàng khác để ngân hàng khác cho khách hàng vay, lấy khoản vay mới trả khoản vay cũ ở ngân hàng thứ nhất. Bằng cách này ngân hàng vừa lách được hạn mức tăng trưởng tín dụng, vừa đảo được nợ cho khách hàng.

Song, bài toán đảo nợ bất động sản không thể kéo dài, thời gian đảo nợ sẽ chỉ khoảng ba tháng. NHNN đã hoạch định tín dụng phi sản xuất phải được giảm về mức 22% vào ngày 30-6 và 16% vào 31-12-2011. Hiện còn tới 24 tổ chức tín dụng có dư nợ phi sản xuất mà chủ yếu là bất động sản từ 25% trở lên. Một số ngân hàng có dư nợ phi sản xuất từ 45% trở lên như Phương Tây, Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Đông Nam Á (Seabank), SCB.

Nguy cơ lãi suất phản ứng dây chuyền

Giáo sư David Dapice, Đại học Harvard, trong một bài viết mới đây đăng trên East Asia Forum, dẫn chứng mức tăng trưởng tín dụng bình quân của Việt Nam từ năm 2010 đến nay là 30%/năm, cứ mỗi 30 tháng lại tăng gấp đôi. Đây là một trong những mức tăng trưởng tín dụng hàng đầu thế giới.

Việc tăng trưởng tín dụng cao và kéo dài nhiều năm đã làm cho mức tăng năm nay được hạn chế ở 20%, vẫn là nhiều nếu nhìn vào con số tuyệt đối. Điều lo ngại là tín dụng đặc biệt cao ở những ngân hàng nhỏ và họ đang không có cách gì giảm xuống được ngoài việc nỗ lực tăng vốn huy động để hạ tỷ lệ cho vay trên vốn huy động. Một số ngân hàng lớn không thiếu vốn nhưng cũng phải tăng lãi suất tiết kiệm, thậm chí thỏa thuận lãi suất tiền gửi để giữ chân khách hàng. BIDV cho biết có ngày họ bị rút cả ngàn tỉ đồng vì không thể nâng lãi suất tiết kiệm quá 14%/năm. Từ đây, cầu ảo về vốn huy động được hình thành và nó làm cho cuộc đua lãi suất không có điểm dừng, gây ra phản ứng dây chuyền. Cùng với nó, thời điểm giảm lãi suất cho vay sẽ không thể xác định được.

Lúc này, để chặn phản ứng dây chuyền lãi suất, cần phải có biện pháp hành chính, cụ thể là áp lãi suất tiền gửi không kỳ hạn 0%, kỳ hạn 24 và 48 giờ dưới 2%/năm, khoanh vùng các ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản để xử lý riêng biệt. Trong khó khăn, thêm một lần nữa phải nhắc đến, hy sinh quyền lợi của một nhóm lợi ích, bảo vệ quyền lợi của cả hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính là một sự đánh đổi đáng thực thi. NHNN đã nhận ra điểm đó từ lâu, bây giờ sự nhận thức ấy cần được thể hiện bằng hành động!

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG