Giống như thời kỳ đầu đổi mới, giai đoạn hiện nay rất có thể sẽ chứng kiến sự giàu lên nhanh chóng của một nhóm người. Điểm khác có chăng là nhóm người này vốn đã rất giàu và sẽ trở nên giàu hơn bao giờ hết.
Dồn lực mua ngân hàng
Cổ phiếu giá rẻ, tính cấp thiết của việc tái cơ cấu nền kinh tế, sự kém minh bạch trên TTCK và sự dư giả về tiền mặt của nhiều đại gia là cơ sở cho dự đoán này.
Trở lại nghi án SHB-Habubank, cho tới thời điểm này chưa xác định là được có hay không một vụ thâu tóm như vậy. Về phần mình, Habubank khẳng định thông tin Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) mua lại HBB là "không chính xác và không có cơ sở".
Đây là một sự phủ định cho việc mua bán. Còn đối với việc đã ký hay chưa một thỏa thuận về sáp nhập thì không được đề cập tới. SHB cũng không trả lời trực tiếp vào vấn đề.
Cho dù là SHB có thâu tóm HBB hay không, thì một điều có thể nhận thấy là ở cả hai khả năng, những người đã đổ ra vài trăm tỷ đồng mua cả trăm triệu cổ phiếu trong những ngày cuối tháng 2 chắc chắn sẽ thu được một khoản lợi lớn.
Trong trường hợp không có chuyện mua bán, thâu tóm hay sáp nhập gì giữa SHB và HBB thì với mức giá cổ phiếu hiện tại những những người âm thầm gom cổ phiếu giá rẻ trước đó đã lãi khoảng 30-50%. Nếu so với đỉnh vừa xác lập (7.400 đồng/cp) thì mức lãi còn cao hơn.
Còn nếu SHB và HBB sẽ sáp nhập với tỷ lệ dự kiến 1:1,34 như một tờ báo từng trích nguồn riêng hôm đầu tuần cho biết thì những đại gia giấu tên mua cổ phiếu HBB còn được hưởng lợi hơn nữa. Với mức giá SHB hiện tại là khoảng trên 10.000 đồng/cp, giá HBB khi đó sẽ không dưới 7.500 đồng/cp.
Hơn thế, nếu HBB được quy về một mối với SHB thì nghiễm nhiên vốn và thị phần của thực thể mới sẽ lớn hơn nhiều. Trên thực tế, HBB vẫn là một ngân hàng mạnh. Thua lỗ trong quý IV/2011 chỉ mang tính thời điểm và cũng chỉ là trên sổ sách chưa phản ánh hết thực tế bởi khoản lỗ vừa qua liên quan tới nhiều khoản chi phí tăng bất thường. Bên cạnh đó, soi lại lịch sử, HBB vẫn là một trong những ngân hàng có truyền thống hàng đầu tại Hà Nội và đã có vốn ngoại tham gia.
Trong trường hợp Sacombank, cũng không mấy khó khăn để có thể nhận thấy được cái lợi mà nhóm cổ đông đứng sau Eximbank thu được sau khi có chân trong HĐQT. Trước hết, hàng trăm triệu cổ phần đã được mua gom trong suốt hơn một năm, từ mức giá thấp kỷ lục là 11.000 đồng/cp trong năm 2011. Với mức giá trên 22.000 đồng/cp như hiện nay, phần chênh khủng khiếp đã có thể được nhìn thấy là bao nhiêu.
Hiện tại, Sacombank là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam. Lợi thế về thị phần và số lượng chi nhánh lớn ở cả Việt Nam, Lào và Campuchia (trong đó một số lượng lớn bất động sản thuộc sở hữu riêng của STB) sẽ là nền tảng cho ngân hàng này phát triển bền vững trong tương lai.
Việc nắm giữ và sở hữu STB, kèm theo đó là quyền chi phối và điều hành ngân hàng này thì cái lợi thật là khó đong đếm.
Giàu lại thêm giàu
Trường hợp ông Đỗ Văn Bình mua 16% (trị giá hơn 500 tỷ đồng) Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (SJS) trong tuần đầu tiên của tháng 3/2012 cũng được cho là một thương vụ rất đáng chú ý.
Với lý lịch là một chủ tịch của một tập đoàn đầu tư tài chính và xây dựng tại Bắc Ninh, và đã giữ chức Thành viên HĐQT Maritime Bank từ năm 2008-2012 đồng thời là Thành viên hội đồng thành viên kiêm TGĐ của Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng Maritime Bank, ông Bình chắc chắn đã có những tính toán rất kỹ lưỡng.
Sau thương vụ, nhà đầu tư này đã đứng trong top 30 người giàu nhất TTCK Việt Nam. Nhưng hơn thế, nhiều người đang nhìn thấy mòn hời rất lớn nếu như nội bộ SJS ổn định trở lại và SJS được tiếp tục phát triển dự án Nam An Khánh.
Gần đây, số phận của dự án Nam An Khánh đã được định đoạt khi Thủ tướng chính phủ cho phép tiếp tục triển khai. Vấn đề còn lại chỉ là Sông Đà hay SJS làm chủ đầu tư. Thông tin mới nhất cho biết, số phận dự án Nam An Khánh và những bước triển khai tiếp theo của dự án này sẽ là nội dung chính được đề cập và thảo luận tại ĐHCĐ của Sudico dự kiến tổchức vào tháng 4 tới.
Tính đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng được 184,2 ha trên 189,7 ha đất được giao, đã san nền toàn bộ 184,2 ha, thi công hệ thống đường chính, đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng trên diện tích 59 ha (giai đoạn I). Dự án cũng đã cơ bản hoàn thành đường trục chính thuộc giai đoạn II và đã xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Với hiện trạng như vậy, việc xây dựng nhà, đưa sản phẩm ra bán có thể triển khai trong vài tháng tới. Trên thực tế, năm 2011, Sudico đã có kế hoạch bán hàng tại dự án này.
Có thể thấy, nếu như trong các năm trước đây (như 2007 và 2009), với số tiền 500 tỷ đồng, thì ông Bình khó có thể sở hữu một tỷ lệ cổ phần lớn như vậy. Nhưng thời thế đã khác, giá cổ phiếu SJS hiện vẫn đang trong vùng đáy, việc sở hữu một tỷ lệ lớn cổ phần trong một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Việt Nam có thể sẽ đem lại cho ông Bình một khối tài sản lớn khi mọi thứ trở lại quỹ đạo của nó và khi thị trường bất động sản sôi động trở lại thì sẽ còn nhiều điều để nói.
Nghi vấn về một đối tượng nào đó có thể đã bỏ ra cả vài ngàn tỷ mua gần 40% cổ phần Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - OTC) cũng cho thấy một câu chuyện tương tự về khả năng những nhà đầu tư có tiềm lực đang âm thầm mua các doanh nghiệp tốt trong thời điểm TTCK đi xuống trong một thời gian dài.
Một điều có thể cảm nhận được là hiện tại ở Việt Nam, số người giàu có tài sản hàng trăm hoặc hàng ngàn tỷ không hiếm, thậm chí là rất nhiều. Sơ sơ tính trên TTCK cũng đã có cả 100 người. Nhưng đó mới chỉ là số ít ỏi những người có doanh nghiệp niêm yết trên các sàn chứng khoán.
Trong khi đó, trên thực tế có rất nhiều người giàu nhưng có doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc không muốn niêm yết trên TTCK. Những người này đã giàu lên rất nhanh chóng trong thời kỳ kinh tế phát triển mạnh trong thập kỷ qua. Họ kinh doanh trong nhiều ngành nghề trong đó có bất động sản, kinh doanh ô-tô xe máy, tài chính...
Lượng tiền mặt dồi dào của các đại gia này đã được tung ra khi mà cơ hội thâu tóm các doanh nghiệp trên thị trường trở nên dễ dàng và rẻ hơn bao giờ hết.
Tới thời điểm này, các vụ thâu tóm đã bắt đầu lộ diện. Nhưng thực tế quá trình thâu tóm đã được tiến hành trong cả năm qua khi mà giá đa số các cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đều dưới mệnh giá, trong đó có vô vàn cổ phiếu có giá chỉ 1.000-5.000 đồng.
Các doanh nghiệp có tài sản hàng chục nghìn tỷ cũng có thể bị thâu tóm, chưa nói đến các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Hàng loạt các doanh nghiệp có lịch sử phát triển hàng chục năm với thương hiệu rất nổi tiếng nhưng do làm ăn thua lỗ và giá cổ phiếu ở mức rất thấp nên tổng giá trị thị trường chỉ vài chục đến một hai trăm tỷ đồng. Những doanh nghiệp này, nếu có tiềm năng, chắc hẳn sẽ khó thoát khỏi sức mạnh của các đại gia đang đi săn mồi.
Trong các ván cờ như vậy, có thể thấy, các cổ đông trong doanh nghiệp bị thâu tóm có thể có lợi. Nhưng trên hết, phần lợi lớn sẽ thuộc về các đại gia nhiều tiền.
Trong một nền kinh tế yếu ớt đang hồi phục như hiện nay, quá trình tái cấu là cần thiết nhưng đi kèm với đó sẽ là những tác dụng phụ không mong muốn. Sự giàu lên nhanh chóng của một nhóm đối tượng vốn đã rất giàu là không tránh khỏi. Chênh lệch giàu nghèo sẽ gia tăng.
Điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là, với các biện pháp của mình, liệu các cơ quan chức năng có giảm thiểu được những tác dụng phụ trong quá trình tái cơ cấu (ngân hàng, công ty chứng khoán, doanh nghiệp Nhà nước...) đó hay không. Vấn đề minh bạch hóa có lẽ giờ cần thiết hơn bao giờ hết.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF