Đại gia BOT Tasco lần đầu báo lỗ sau 3 năm đặt tham vọng với bất động sản

Cập nhật 05/04/2019 11:00

Kinh doanh bất động sản không thuận lợi, BOT hết thời vàng son là những nguyên nhân chính đẩy “ông trùm” thu phí một thời rơi vào cảnh khó khăn, lần đầu báo lỗ trong quý 4/2018...

Kinh doanh bất động sản không thuận lợi, BOT hết thời vàng son là những nguyên nhân chính đẩy “ông trùm” thu phí một thời rơi vào cảnh khó khăn, lần đầu báo lỗ trong quý 4/2018...

Hình minh họa

Công ty cổ phần Tasco (mã CK: HUT) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2018. Theo đó, doanh thu hợp nhất của Tasco là 1.147 tỷ đồng, giảm tới 48% so với năm 2017.

Doanh thu sụt giảm, bên cạnh đó chi phí quản lý doanh nghiệp “đội” lên 35%, kết quả lợi nhuận cả năm 2018 của Tasco chỉ đạt hơn 77 tỷ đồng. Trong khi đó năm ngoái lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt gần 305 tỷ đồng, tức là sụt giảm tới 75%.

Riêng quý 4/2018, doanh thu của Tasco đạt 382 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế lỗ gần 15 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu của Tasco, giảm mạnh nhất là từ lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tasco chuyển sang tập trung nguồn lực vào bất động sản theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng giao thông (BT).

Công ty này là chủ đầu tư của dự án Foresa Villa, dự án văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng, dự án South Building - Pháp Vân, dự án Xuân Phương Residence, dự án nhà ở cho CBVN Bộ Ngoại giao…

Tuy nhiên doanh thu lĩnh vực được Tasco đặt nhiều tham vọng này lại đang có chiều hướng ngày càng đi xuống. Nếu quý 4 năm ngoái lĩnh vực này mang về cho Tasco gần 546 tỷ đồng thì năm nay chỉ đạt 174,9 tỷ đồng.

Lãnh đạo Tasco lý giải, sự sụt giảm này do một số dự án bất động sản của công ty đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hồ sơ pháp lý với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, năm 2017 Tasco vẫn chưa thực hiện được công tác bán hàng dự án Foresa Mỹ Đình như dự kiến. Mặc dù, Tasco cho biết đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/500 của dự án nhưng thủ tục bị kéo dài so với dự kiến, dẫn đến tiến độ toàn dự án bị chậm.

Qua nhiều quý, công ty đều khẳng định đang tiếp tục bàn giao và ghi nhận doanh thu vào năm tới. Cụ thể, theo kế hoạch công ty sẽ bàn giao sản phẩm tại các dự án Foresa Villa Xuân Phương, Xuân Phương Residence và South Building Pháp Vân. Phần doanh thu còn lại có thể sẽ được ghi nhận trong các quý tiếp theo của năm 2018 như khẳng định của lãnh đạo công ty này.

Tuy nhiên, với kết quả đạt được trong năm 2018 thì dường như chưa được như kỳ vọng của ban lãnh đạo Tasco.

Bên cạnh đó, từng được xem là "ông trùm" BOT một thời với hàng loạt dự án trên các tuyến đường huyết mạch, đỉnh điểm là năm 2016 khi công ty đạt lợi nhuận 406 tỷ đồng, tuy nhiên với hàng loạt những vụ “xả” trạm BOT, kiến nghị tạm dừng các dự án BOT khiến đây không còn là mảng kinh doanh giàu tiềm năng.

Trong đó, riêng Dự án BOT đoạn từ Cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ đã phải tạm dừng thu phí từ tháng 6/2018, dự án BOT Mỹ Lộc tạm dừng thu phí từ tháng 7/2018. Chính điều này đã khiến doanh thu từ hoạt động thu phí cũng bị giảm theo. Cụ thể trong quý 4/2018, hoạt động này mang về cho Tasco hơn 70 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với năm trước.

Ngoài ra, Tasco cũng là chủ đầu tư dự án thu phí không dừng toàn quốc (theo hình thức BOO). Tuy nhiên theo ban lãnh đạo công ty này, do chi phí chưa tương ứng với doanh thu tại dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ 1 và 14 cũng là nguyên nhân khiến doanh thu của Tasco đi xuống.

Cụ thể, doanh thu trong giai đoạn đầu của dự án thấp đang tính theo bình quân 50% chi phí quản lý thu của các BOT trong khi đó chi phí ban đầu lớn dẫn đến chi phí khấu hao, chi phí vận hành lớn do trong giai đoạn đầu của dự án nhà đầu tư BOO phải tiếp nhận nhân sự của các BOT để thực hiện thu phí hỗn hợp (vừa ETC vừa MTC).

Thừa nhận 2017 là một năm khó khăn, ban lãnh đạo Tasco đặt kế hoạch kinh doanh thu lùi với tổng doanh thu dự kiến năm 2018 là 2.100 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 207 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả đạt được thì thêm một năm nữa, Tasco lại lỡ hẹn với các cổ đông.

Cùng với tình hình kinh doanh đi xuống, một số quỹ ngoại dường như cũng không còn tỏ ra mặn mà đối với cổ phiếu Tasco. Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth và Công ty CP Quản lý quỹ VinaCapital đã bán bớt cổ phiếu HUT. Từ mức giá gần 12.000 đồng/cổ phiếu, Tasco hiện đã về mức 3.900 đồng/cổ phiếu, mất 70% giá trị.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí