Cổ phiếu xây dựng - bất động sản “hút” dòng tiền trên UPCoM

Cập nhật 12/05/2017 14:55

Trên sàn UPCoM, thời gian gần đây, hàng loạt cổ phiếu nhóm ngành bất động sản - xây dựng ghi nhận diễn biến tăng giá mạnh đi kèm thanh khoản cao. Động lực chính là kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh của năm 2016 và quý I/2017 vừa được công bố.

Trên sàn UPCoM, thời gian gần đây, hàng loạt cổ phiếu nhóm ngành bất động sản - xây dựng ghi nhận diễn biến tăng giá mạnh đi kèm thanh khoản cao. Động lực chính là kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh của năm 2016 và quý I/2017 vừa được công bố.


Cổ phiếu DPG của Công ty cổ phần Đạt Phương có chuỗi tăng mạnh trong thời gian qua, từ mức chào sàn 31.000 đồng/cổ phiếu lên đỉnh 140.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 30/3/2017). Đến nay, dù đã hạ nhiệt song các chỉ tiêu kinh doanh của Đạt Phương rất đáng chú ý.

Năm 2016, DPG đạt doanh thu thuần 1.805 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 136 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) lên tới 16.824 đồng. Mặc dù kết quả không bằng năm trước, nhưng xét trên quy mô vốn (65,8 tỷ đồng), mức sinh lời của DPG là rất đáng kể, chưa kể cổ tức mỗi năm hậu hĩnh (25-30% năm 2014 và 2015).

Năm 2017, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.671,6 tỷ đồng, bằng 92,6% năm trước, tuy nhiên, lợi nhuận sẽ tăng 25,2%, với mục tiêu đạt 171,25 tỷ đồng lãi sau thuế hợp nhất, cổ tức duy trì 30%.

DPG hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chuyên thi công xây lắp các công trình giao thông thủy lợi và các công trình thủy điện. Từ năm 2017, DPG lên kế hoạch tập trung vào 3 mảng kinh doanh cốt lõi là thầu thi công xây lắp, bất động sản và đầu tư kinh doanh điện năng. Mặc dù vậy, dự kiến, mảng bất động sản đến năm 2019 mới bắt đầu ghi nhận doanh thu do các dự án Công ty đầu tư vẫn đang trong quá trình triển khai xây dựng.

Ở mảng bất động sản, cổ phiếu SGR của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn cũng gây chú ý khi tăng gấp 3 lần từ đầu năm đến nay (từ mức hơn 20.000 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh trên dưới 60.000 đồng/cổ phiếu các phiên gần đây).

Nguyên nhân cho sự hồi sinh của cổ phiếu đã lên UPCoM từ năm 2015 chính là kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp này.

Sau năm 2016 thành công, SGR tiếp tục công bố kết quả quý I/2017 khởi sắc với doanh thu 58 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 15,6 tỷ đồng. Lợi nhuận quý I của SGR mới chiếm khoảng 8% kế hoạch cả năm, nhưng nếu so với số lãi hơn 1 tỷ đồng cùng kỳ, SGR đã có quý I khác hẳn, khiến nhà đầu tư không ngần ngại “giải ngân” vào mã này.

Năm 2016, doanh thu SGR đạt 1.079 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 273 tỷ đồng, gấp nhiều lần kết quả thực hiện năm 2015 (128,3 tỷ đồng doanh thu và 19,8 tỷ đồng lợi nhuận ròng).

“Quả ngọt” này có được là nhờ bán dự án thông qua các công ty con, đáng kể nhất là dự án Saigonres Plaza thông qua Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Nam Đô. Với kết quả đột biến năm 2016, SGR dự kiến chia cổ tức ở mức 110%. Trong đó, 10% chi trả bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 1:1. Cổ tức của năm 2017 sẽ từ 25 - 30%.

Theo ông Đặng Văn Phúc, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc SGR, để hoàn thành kế hoạch năm, hiện nay, Công ty đang triển khai dự án chung cư nhà ở xã hội An Phú Đông, dự án SaiGonres Riverside và hoàn tất thủ tục để triển khai tiếp một số dự án khác trong năm 2017 với tổng mức đầu tư dự kiến là 2.020 tỷ đồng.

Một cổ phiếu khác của một doanh nghiệp hoạt động trong phân khúc bất động sản khu công nghiệp là mã NTC của Công ty cổ phần Nam Tân Uyên. NTC tăng giá gần 250% trong 3 tháng qua, thanh khoản trung bình trên 50.000 đơn vị mỗi phiên (chào sàn 14.300 đồng/cổ phiếu vào 19/12/2016).

Với hoạt động kinh doanh đơn giản, năm 2016, ghi nhận nhiều hợp đồng cho thuê đất mới, NTC công bố mức doanh thu 147,2 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 131,2 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015 (59,3 tỷ đồng). EPS năm 2016 đạt 8.000 đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra, NTC đã chốt cổ tức 2016 với tỷ lệ 45% và đưa kế hoạch kinh doanh năm 2017 với chỉ tiêu doanh thu 216,48 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 54 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức dự kiến 25%. Hiện tại giá NTC vẫn được duy trì ở mức trên dưới 50.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài những cái tên kể trên, nhiều cổ phiếu nhóm bất động sản - xây dựng mới lên UPCoM từ giữa năm 2016 đến nay cũng tạo sự chú ý như DC1, HD2, SSN, SEA.

Cổ phiếu DC1 tăng từ 3.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 20.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong tháng 3. Năm 2016, DC1 lãi ròng gần 9 tỷ đồng, vượt tới 218% kế hoạch đề ra.

Hay với HD2, từ đầu năm 2017, thanh khoản đã tăng vọt lên hàng trăm nghìn cổ phiếu chuyển nhượng mỗi phiên, trong khi trước đó trung bình vài nghìn cổ phiếu. Chưa kể, cổ phiếu SEA và SSN của 2 doanh nghiệp thủy sản chuyển sang làm bất động sản, đã tạo sóng lớn từ khi lên sàn với thanh khoản cao top đầu UPCoM.

Các DN “lâu năm” nhóm bất động sản - xây dựng tại UPCoM cũng chứng khiến sự hồi sinh như PHH, PFL, TL4, RCD, SDI. Đáng chú ý, Địa ốc Cao su (RCD) năm 2016 lãi ròng tới gần 110 tỷ đồng, gấp hơn 15 lần lợi nhuận năm trước (7 tỷ đồng).

SDI, công ty con của Vingroup, trong quý I/2017 ghi nhận lợi nhuận Công ty mẹ tăng hơn 60% so với năm trước khi bắt đầu bàn giao và ghi nhận doanh thu từ dự án Vinhomes Gardenia.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán