Cổ phiếu công nghệ giúp Phố Wall hồi phục

Cập nhật 21/07/2010 15:30

Bất chấp tín hiệu không mấy tích cực từ thị trường nhà đất, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều hồi phục nhẹ trong phiên đầu tuần, sau khi đã trượt dốc mạnh phiên cuối tuần trước.


Chứng khoán Mỹ xanh sàn phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters.
Bất chấp tín hiệu không mấy tích cực từ thị trường nhà đất, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều hồi phục nhẹ trong phiên đầu tuần, sau khi đã trượt dốc mạnh phiên cuối tuần trước.

Chốt phiên giao dịch ngày 19/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 56,53 điểm, tương ứng 0,56%, lên 10.154,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,37 điểm, tương ứng 0,6%, lên 1.071,25 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 19,18 điểm, tương ứng 0,88%, lên 2.198,23 điểm.

Thị trường hồi sinh ngay từ đầu phiên giao dịch, khi các chỉ số Dow Jones và S&P 500 đồng loạt tăng 0,5%, Nasdaq tăng 0,6%. Tuy nhiên, sau khi có thông tin từ lĩnh vực xây dựng cho thấy chỉ số niềm tin của các hãng xây dựng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009, thị trường ngay lập tức đảo chiều đi xuống và lập mức đáy vào lúc 11h trưa (giờ Mỹ).

Các chỉ số chính sau đó hồi phục và tăng điểm mạnh, khi giới đầu tư lấy lại được sự lạc quan về triển vọng lợi nhuận của khối doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông và hàng không, như Microsoft, AT&T, Coca - Cola, American Express, Apple, Wells Fargo, Boeing, IBM, Texas Instruments.

Cổ phiếu của hãng sản xuất máy bay Boeing tăng 2,1% lên 63,18 USD/cổ phiếu, sau khi hãng cho biết đã nhận được 30 đơn đặt hàng từ hãng hàng không của Dubai và dự kiến sẽ còn có thêm nhiều đơn đặt hàng khác nữa trong tuần này.

Nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận của IBM và nhà sản xuất chip điện tử Texas Instruments sẽ tích cực tương tự như tập đoàn Intel. Tuần trước, Intel công bố lợi nhuận quý 2 vượt dự báo của giới phân tích và cho thấy doanh thu trong lĩnh vực công nghệ đang hồi phục mạnh.

Cổ phiếu IBM tăng 1,4% lên 129,79USD/cổ phiếu, còn cổ phiếu Texas Instruments tăng 3,2% lên 25,55USD/cổ phiếu tại thị trường New York. Tuy nhiên, sau giờ đóng cửa, IBM thông báo lợi nhuận quý 2 tăng nhưng doanh thu không như mong đợi, kết quả cổ phiếu của hãng giảm mạnh, cổ phiếu của Texas Instruments cũng giảm 6% do tác động từ doanh thu.

Mặc dù cổ phiếu của IBM và Texas Instruments mất điểm vào cuối phiên, nhưng nhìn chung, lợi nhuận quý 2 của các doanh nghiệp Mỹ khá lạc quan. Trong số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính, 75% vượt kỳ vọng lợi nhuận, trong khi 71% vượt kỳ vọng doanh thu. Còn theo Thomson Reuters, lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 tăng 30,2%, cao hơn mức dự báo 27%.

Khối lượng giao dịch trên cả 3 sàn New York, American và Nasdaq đạt khoảng 7,16 tỷ cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức 9,35 tỷ cổ phiếu trong phiên cuối tuần trước, và lùi xa hơn so với mức giao dịch trung bình hàng ngày 9,65 tỷ cổ phiếu đạt được trong năm 2009.

Trong khi đó, các thị trường châu Á và châu Âu tiếp tục giảm điểm do chịu ảnh hưởng của phiên giao dịch cuối tuần trước và việc Ireland bị hạ một bậc tín nhiệm nợ. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 10,57 điểm, tương ứng 0,2%, xuống còn 5.148,28 điểm. Chỉ số CAC-40 của Pháp giảm 13,83 điểm, tương ứng 0,4%, xuống 3.486,33 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 31,16 điểm, tương ứng 0,52%, xuống 6.009,11 điểm.

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm, giao dịch trầm lắng do thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ. Chỉ số All Ordinaries của Australia giảm 1,5% xuống 4.358,3 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,4% xuống 1.731,95 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,8% xuống 20.090,95 điểm. Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 0,42% và Taiex của Đài Loan giảm 0,19%.

Sắc xanh duy nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thị trường Trung Quốc nhờ cổ phiếu của các công ty bất động sản tăng mạnh sau khi Citic Securities cho biết chính quyền nhiều địa phương thúc đẩy xây dựng thêm nhiều nhà giá thấp và kỳ vọng của giới đầu tư vào kết quả kinh doanh của các công ty trong nước. Chốt phiên 19/5, chỉ số Shanghai Composite "lội ngược dòng", tăng 2,11% lên 2.594 điểm. 


DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy