Vượt qua nhóm cổ phiếu ngân hàng - tài chính, cổ phiếu bất động sản đang dần lấy lại vị thế trên TTCK sau một thời gian bị "thất sủng". Xu thế này thể hiện khá rõ khi nhiều cổ phiếu bất động sản...
Vượt qua nhóm cổ phiếu ngân hàng - tài chính, cổ phiếu bất động sản đang dần lấy lại vị thế trên TTCK sau một thời gian bị "thất sủng". Xu thế này thể hiện khá rõ khi nhiều cổ phiếu bất động sản trên sàn niêm yết "dậy sóng" trong gần hai tuần qua.
Cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tăng từ giá tích lũy 70.000 đồng/CP hồi tháng 7 lên 120.000 đồng/CP vào ngày 15/9. Phải sau khi HAG công bố lấy ý kiến về việc chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 2:1 khá lâu, cổ phiếu HAG mới có sự bứt phá về giá. Động lực để cổ phiếu này tăng giá mạnh là thông tin về việc HAG bán dự án An Tiến được giới thạo tin chuyền tai nhau. Vào thứ Bảy tuần trước, HAG đã chính thức ký hợp đồng bán sỉ 980 căn hộ của dự án An Tiến nằm cạnh dự án New Sài Gòn Nguyễn Hữu Thọ - Nhà Bè, TP. HCM, cho CTCP Đầu tư Công đoàn Ngân hàng BIDV.
Con số lợi nhuận không được chủ đầu tư tiết lộ, nhưng ý nghĩa của việc bán toàn bộ dự án An Tiến là: lợi nhuận kế hoạch năm 2010 của HAG được đảm bảo, bất chấp biến động của thị trường bất động sản. 20% doanh thu dự kiến toàn bộ dự án 150 triệu USD sẽ được hạch toán trong năm 2009. Phần lớn doanh thu và lợi nhuận hoạch toán vào năm 2010 và 2011.
Trước khi có thông tin về việc bán dự án An Tiến, nhà đầu tư vẫn bán tín bán nghi về khả năng giữ vững tỷ suất lợi nhuận trên vốn mới của HAG sau khi tăng vốn điều lệ thêm 50% do thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động. Vì thế, giá cổ phiếu HAG chỉ thật sự bứt phá sau khi có thông tin bán sỉ căn hộ An Tiến.
Các cổ phiếu bất động sản khác có thị giá lớn như SJS, NTL đã tăng dần đều trong vòng một tháng qua. Những thông tin như SJS sẽ chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 1:1 đã được nhà đầu tư thạo tin về SJS chiết khấu vào giá từ trước, nhưng ngày hôm qua cổ phiếu này vẫn tăng trần, đạt 207.000 đồng/CP. Cổ phiếu của DIG gần đây cũng bứt phá, với dư mua lớn sau một số phiên đi ngang. Cổ phiếu này chào sàn hôm 19/8 với giá khớp lệnh là 66.000 đồng/CP, hiện đạt 110.000 đồng/CP. Ở giá dưới 100.000 đồng/CP, một quỹ đầu tư nước ngoài đã mua gom thêm vài trăm ngàn cổ phiếu DIG.
Ở nhóm cổ phiếu có thị giá thấp hơn, cổ phiếu SC5 bắt đầu kéo dài số phiên tăng giá trần trong nửa tháng qua khi dự án chung cư cao cấp trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, đầu cầu Thủ Thiêm, Quận Bình Thạnh, TP. HCM chuẩn bị được khởi công xây dựng. Các cổ phiếu HDC, BCI, LCG cũng đang được nhà đầu tư mạnh tay gom vào.
Đáng chú ý là cổ phiếu VPH của CTCP Vạn Phát Hưng tăng giá trần liên tiếp kể từ khi chào sàn hôm 9/9, với khối lượng khớp lệnh chỉ vài trăm đơn vị mỗi phiên, do không có người bán.
Cổ phiếu bất động sản "dậy sóng" cả trên thị trường tự do (OTC) sau khi chứng kiến sự tăng giá mạnh của các cổ phiếu cùng ngành trên sàn niêm yết.
Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai tăng từ 28.000 đồng/CP lên 35.000 đồng/CP. Cổ phiếu Bất động sản 584 tăng từ 18.000 đồng/CP lên 19.000 đồng/CP chỉ trong chiều thứ Hai đầu tuần, nhưng không có hàng bán ra. Một số cổ phiếu loại nhỏ cũng được nhà đầu tư tìm mua, như An Phú (giá 15.000 đồng/CP), Eden…
Sở dĩ giá nhiều mã cổ phiếu bất động sản nhanh chóng phục hồi là do hầu hết các công ty như HAG, NTL, BCI, LCG… đều có quỹ đất giá rẻ. Các công ty này đã bán được sản phẩm từ trước, nhưng chưa hạch toán doanh thu, lợi nhuận và có kế hoạch bán tiếp sản phẩm ngay cả khi thị trường bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Đặc biệt là các công ty bất động sản ở Hà Nội như NTL, SJS được hưởng lợi nhiều do thị trường bất động sản Thủ đô vẫn sôi động, giá có xu hướng tăng.
Mặc dù đã tăng khá, nhưng mặt bằng giá cổ phiếu bất động sản hiện nay so với mức đạt được trong giai đoạn đỉnh cao trước đây vẫn còn một khoảng cách tương đối. Sở dĩ nhiều cổ phiếu bất động sản lọt vào top cổ phiếu thị giá cao là do các công ty này sớm có kế hoạch tăng vốn bằng chia tách cổ phiếu do kết quả kinh doanh khả quan hơn nhiều so với dự kiến. Mức chia thưởng của nhóm cổ phiếu bất động sản khá cao, thường là 1:1 hoặc 2:1.
Sau một thời gian e ngại với cổ phiếu bất động sản do thị giá tương đối cao so với cổ phiếu các ngành khác, dòng tiền lại chảy vào cổ phiếu ngành này với tiêu chí đầu tư là nhìn vào chỉ số định giá cổ phiếu.
"Nếu nhìn vào chỉ số P/E thì nhóm cổ phiếu bất động sản có nhiều loại thị giá cao, nhưng P/E vẫn ở mức hấp dẫn cho đầu tư trung và dài hạn", giám đốc một công ty chứng khoán nhận định. Như cổ phiếu NTL, với giá 119.000 đồng/CP, P/E dự kiến 2009 theo đánh giá của Công ty Chứng khoán HSC là 9 lần, thấp hơn mức trung bình hiện tại của thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán