Cổ phiếu bất động sản không còn “bất động”

Cập nhật 08/12/2010 10:10

Trái với những gì diễn ra trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11.2010, khi nhóm CP bất động sản (BĐS) dường như “bất động” hoặc đi xuống theo xu hướng chung của TTCK bất chấp kết quả kinh doanh quý III của các Cty thuộc ngành này hết sức khả quan, thậm chí nhiều Cty lãi lớn.

Trái với những gì diễn ra trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11.2010, khi nhóm CP bất động sản (BĐS) dường như “bất động” hoặc đi xuống theo xu hướng chung của TTCK bất chấp kết quả kinh doanh quý III của các Cty thuộc ngành này hết sức khả quan, thậm chí nhiều Cty lãi lớn.

Thế nhưng, khi TTCK khởi sắc trở lại trong nửa tháng trở lại đây, thì nhóm CP chiếm đến 14,69% vốn hoá thị trường này đang có những dấu hiệu ấm trở lại.


Kết quả kinh doanh khả quan

Tính đến quý III/2010, kết quả kinh doanh của hầu hết các Cty BĐS đều cho thấy những tín hiệu lạc quan, rất nhiều Cty có lãi lớn. Chính vì thế, các chỉ số về hiệu quả quản lý của nhóm CP BĐS đều cao hơn so với thị trường. Nhóm ngành này gồm rất nhiều Cty có tốc độ tăng trưởng lớn và EPS thuộc hàng cao nhất nhì thị trường hiện nay. Tiêu biểu có thể kể đến các CP như NTL, HDG.

Mặc dù năm 2010 dường như là một năm đầy khó khăn đối với các Cty BĐS, nhưng nhìn về trung và dài hạn thì thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn rất nhiều triển vọng. GDP 11 tháng năm nay tăng trưởng 6,7% và con số này trong năm 2011 được đặt ở mức 7-7,5%. Tốc độ tăng trưởng ngành BĐS thường đi đôi với tốc độ tăng trưởng GDP, chính vì thế ở một nước có tốc độ tăng GDP cao như Việt Nam thì triển vọng cho ngành BĐS rất lớn. Thêm vào đó, Việt Nam có tốc độ đô thị hoá cao và đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ từng đã mở ra nhiều cơ hội cho các DN kinh doanh BĐS. Hơn nữa Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, Thông tư 16/2010/TT-BXD dự kiến tác động tích cực lên thị trường nhà ở, đặc biệt làm tăng tính minh bạch của thị trường và chất lượng dự án.

Trong ngắn hạn thì những tháng trước và sau Tết Nguyên đán là khoảng thời gian “vàng” của các Cty BĐS. Đơn giản, bởi dù chỉ kéo dài một vài tháng, song đây lại là thời điểm có tỉ lệ giao dịch thành công chiếm hơn phân nửa và doanh số bán hàng cũng như lợi nhuận thu về có khi bằng tất cả thời điểm trong năm cộng lại.

Nhóm CP BĐS sẽ là trụ mới cho thị trường


Trong đợt sóng vừa qua của thị trường, nhóm CP có xu hướng dẫn dắt chính là nhóm dịch vụ tài chính. Trong giai đoạn đầu của sóng này, nhóm CP BĐS chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ. Nhưng khi luồng tiền đổ vào thị trường ngày một mạnh lên, nhóm CP CK nhiều khả năng sẽ có những điều chỉnh sau một thời gian tăng nóng thì nhóm BĐS rất có khả năng sẽ lên “ngôi vương” để dẫn dắt thị trường đi lên tiếp. Hầu hết nhóm CP này đều có kết quả kinh doanh tốt và tăng giá chưa nhiều nên sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Việc đầu tư vào những DN BĐS có quỹ đất và có những dự án đẹp nhưng lại đang có giá trị thấp, hứa hẹn sẽ đem về lợi nhuận lớn cho NĐT CP khi thị trường BĐS khởi sắc. Phân tích CP ITC của CTCP Đầu tư - Kinh doanh nhà làm ví dụ. Hiện ITC đang sở hữu 47 mặt bằng và dự án trong đó có 17 dự án đã đáp ứng thủ tục pháp. Quỹ đất sạch của ITC khoảng 83 hécta được định giá lại tăng lên 1.339 tỉ đồng so với thời điểm lúc đầu tư là 914 tỉ đồng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2010 của ITC, riêng quý III/2010 ITC đạt 151,81 tỉ đồng doanh thu và 50,23 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Quan sát đợt sóng tăng vừa qua của thị trường, CP ITC đã có mức tăng đến 43,75% từ ngày 22.11-6.12 cùng với việc đã có đến 6 phiên tăng trần liên tiếp. ITC đã có mức tăng nóng như vậy nên áp lực chốt lời ngắn hạn sẽ có khả năng đẩy CP này điều chỉnh trong thời gian tới, và đây là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn cũng như lướt sóng muốn nắm giữ CP này ở mức giá hợp lý.

DiaOcOnline.vn - Theo Vinacorp