Cổ phiếu bất động sản không “bất động”

Cập nhật 22/09/2010 15:30

Thời gian qua, nhóm cổ phiếu bất động sản phần nào chịu tác động trong ngắn hạn bởi một số quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, xét về dài hạn, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn có nhiều tiềm năng...

Bà Đoàn Thị Ánh Nguyệt, chuyên viên phòng Phân tích (Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội) cho biết, thời gian qua, nhóm cổ phiếu bất động sản phần nào chịu tác động trong ngắn hạn bởi một số quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn có nhiều tiềm năng, do thị trường bất động sản Việt Nam còn non trẻ và nhu cầu nhà ở thực tế của người dân còn rất lớn.

Hiện số lượng doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán khá đông đảo và thị trường vẫn tiếp tục có thêm nhiều cổ phiếu bất động sản mới. Đối với một số doanh nghiệp, do có quá nhiều dự án đầu tư, nên nhiều công ty bất động sản tính đến việc lên sàn để huy động vốn từ cổ đông, giảm bớt gánh nặng từ vốn vay.

Trung tuần tháng này, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng vừa tiếp nhận thêm một cổ phiếu bất động sản. Đó là cổ phiếu IDJ của Công ty Đầu tư Tài chính Quốc tế và Phát triển Doanh nghiệp (IDJ Financial).

IDJ Financial tập trung vào các lĩnh vực: bất động sản, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin với tiêu chí đầu tư hiệu quả, bền vững và có lợi ích cho cộng đồng. Hình thức đầu tư là phát triển dự án và đầu tư tài chính. Các dự án IDJ Financial đã và đang triển khai là Trường Hà Nội Academy và Dự án GrandPlaza.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Trường Hà Nội Academy ra đời đã đáp ứng nhu cầu về dịch vụ giáo dục chất lượng cao tại Hà Nội. Với công suất trên 2.500 học sinh và kế hoạch phát triển trường cấp 3, hạng mục đầu tư của IDJ vào đây chắc chắn sẽ là nguồn thu nhập tốt và bền vững cho Công ty những năm tới. Trong khi đó, Dự án GrandPlaza đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Bên cạnh các diện tích cho thuê dài hạn, IDJ còn giữ lại khá nhiều diện tích tại trung tâm thương mại, văn phòng và bãi đậu xe để tạo nguồn thu thường xuyên.

Với sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán, thị trường chứng khoán cũng đã hội tụ tương đối đông đủ các “đại gia” bất động sản như VCG (Công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam - Vinaconex), VNI (Công ty Đầu tư Bất động sản Việt Nam), BCI (Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh), CII (Công ty Đầu tư Kỹ thuật hạ tầng TP.HCM), HAG (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), HLA (Tập đoàn Hữu Liên Á Châu), KBC (Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc), ITC (Công ty Đầu tư Kinh doanh nhà), SJS (Công ty Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà), TDH (Công ty Nhà Thủ Đức), VIC (Tập đoàn Vincom)…

Ngoài ra, hàng chục công ty thuộc các tập đoàn Sông Đà, Licogi, Vinaconex… đã niêm yết trên 2 sàn, cũng tạo nên một bức tranh khá sinh động của nhóm cổ phiếu bất động sản trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia bất động sản, bên cạnh những doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, có quỹ đất tốt, cũng có không ít doanh nghiệp bất động sản thuộc loại “thùng rỗng kêu to”. Do đó, nhà đầu tư khi mua cổ phiếu bất động sản cần xem xét các khoản nợ và khả năng trả nợ của công ty, bởi nhiều công ty vay nợ lớn để phục vụ các dự án, thì áp lực bán căn hộ trong năm nay để thanh toán nợ sẽ tăng cao, trong khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư