Trong những năm gần đây, có nhiều doanh nghiệp (DN) lấn sân sang lĩnh vực bất động sản (BĐS). Nhưng từ khi thị trường BĐS diễn biến không như mong muốn, bắt đầu có sự phân hóa giữa các DN.
Trong những năm gần đây, có nhiều doanh nghiệp (DN) lấn sân sang lĩnh vực bất động sản (BĐS). Nhưng từ khi thị trường BĐS diễn biến không như mong muốn, bắt đầu có sự phân hóa giữa các DN.
Lĩnh vực đầu tư và kinh doanh BĐS đòi hỏi DN phải có vốn và quỹ đất rất lớn. Tuy vậy, mức lợi nhuận kỳ vọng cao và rào cản để gia nhập ngành BĐS không quá khó như ngành ngân hàng hay ngành dầu khí. Đây là sức hút khiến cho nhiều DN khác ngành cũng lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh BĐS. Các DN BĐS cạnh tranh chủ yếu bằng 2 yếu tố: vị trí của các dự án và quỹ đất hiện có. Sở hữu quỹ đất lớn là một lợi thế, vì đất sạch ngày càng khan hiếm với giá trị đầu tư cao. Giá bán sản phẩm của dự án có vị trí đẹp sẽ có khả năng tăng cao hơn.
Thực tế thông tin dữ liệu về BĐS hiện nay thường chỉ phản ánh BĐS tại Hà Nội, TPHCM. Các DN BĐS hoạt động tại TPHCM và Hà Nội thường được đánh giá cao hơn so với các DN BĐS hoạt động tại các tỉnh, thành phố khác, từ đó hình thành một xu hướng nhận định chung. Do vậy khi có bất kỳ yếu tố tích cực nào tác động đến thị trường BĐS nói chung, thị trường 2 thành phố lớn này sẽ tăng trưởng trước tiên. Ngược lại, khi xuất hiện yếu tố tiêu cực, thị trường BĐS tại các thành phố khác sẽ càng xấu hơn. Các DN BĐS hoạt động ngoài 2 TP Hà Nội và TPHCM thường bị định giá thấp hơn, do chịu một tỷ lệ chiết khấu thanh khoản lớn.
Trong năm 2009 các DN BĐS phía Bắc có mức tăng trưởng cao hơn các DN BĐS phía Nam. Sự khác biệt về phân khúc sản phẩm chính là nguyên nhân khiến tỷ suất sinh lời của các DN 2 miền khác nhau. Các DN tại TPHCM khai thác doanh thu và lợi nhuận từ phân khúc căn hộ và chung cư là chính, trong khi các DN phía Bắc có nguồn thu lớn từ dự án đất nền. Cơn sốt tăng giá đất khu vực phía Tây Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng dự án.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của năm 2009 và những tháng đầu năm 2010. Đến thời điểm hiện nay, khi thị trường BĐS vẫn đang trong giai đoạn “đóng băng”, dự báo kết quả kinh doanh quý III và IV của các DN BĐS sẽ không có nhiều đột biến như năm ngoái.
Đặc biệt, trong bối các ngân hàng bắt đầu hạn chế cho vay đầu tư BĐS, lợi thế cạnh tranh lại thuộc về các DN có tiềm lực tài chính mạnh. Các chuyên gia đều cho rằng trong ngắn hạn tình hình hoạt động kinh doanh của các DN BĐS vẫn chưa có nhiều khả quan. Trong tình cảnh khó khăn chung, thị trường BĐS vẫn có điểm sáng từ một số DN có nền tảng hoạt động tốt, nguồn lực tài chính mạnh, đang sở hữu một quỹ đất sạch. Và yếu tố quan trọng không kém là triển vọng phát triển dài hạn của ngành BĐS vẫn còn.
DiaOcOnline.vn - Theo Vinacorp