Có lo lắng với dư nợ bất động sản?

Cập nhật 24/11/2008 10:03

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục báo cáo về các khoản vay bất động sản trước 21.11. Vì sao NHNN có động thái này, sau khi đã chính thức...

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục báo cáo về các khoản vay bất động sản trước 21.11. Vì sao NHNN có động thái này, sau khi đã chính thức báo cáo với Quốc hội khoản vay ở mức 115 ngàn tỉ đồng? SGTT phỏng vấn TS. Lê Quốc Lý, vụ trưởng Tài chính tiền tệ, bộ Kế hoạch và đầu tư.

* Theo ông, vì sao thống đốc NHNN lại có yêu cầu này?

Theo báo cáo, cho vay bất động sản là 115 ngàn tỉ đồng, chỉ chiếm khoảng 9,5% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, nợ xấu của thị trường bất động sản vẫn chưa công bố hết, vì vậy, NHNN cần kiểm tra lại.

Việc rà soát lại các khoản vay và các khoản thế chấp cho bất động sản là rất cần thiết. Nếu tốt thì không sao, nhưng ngân hàng nào có vấn đề thì phải có giải pháp để không xảy ra trường hợp đổ bể.

Yêu cầu của thống đốc không có nghĩa là tình hình của các ngân hàng xấu, hay cho vay bất động sản xấu, mà là đã đến lúc phải giám sát các khoản vay, sau thời gian lỏng lẻo.

* Điều đáng lo ngại nhất tập trung vào các khoản vay thế chấp, nhưng tỷ lệ này đến nay vẫn chưa được công bố. Liệu nó có cao không trong tổng dư nợ bất động sản?

Cho vay bất động sản phần lớn dựa trên thế chấp, và với 115 ngàn tỉ đồng này cũng chắc chắn là phải có thế chấp. Tuy nhiên, cái nguy hiểm ở đây là tài sản để thế chấp được định giá thế nào.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại được yêu cầu cho vay không quá 70% giá trị tài sản thế chấp so với giá Nhà nước quy định. Mà giá Nhà nước bao giờ cũng thấp hơn nhiều, hay bằng nửa so với giá thị trường.

Trong khi đó, tôi biết nhiều ngân hàng chỉ cho vay từ 40 – 50% giá trị tài sản thế chấp căn cứ vào mức giá Nhà nước. Trong khi đó, đến nay những tài sản thế chấp đấy không thể xuống giá đến mức 30 – 40% được. Vì vậy, tôi nghĩ có thể yên tâm với các khoản vay bất động sản.

Tuy nhiên, cũng cần kiểm tra lại những khoản vay mà vật thế chấp được đánh giá quá cao để có biện pháp xử lý kịp thời.

* Nhưng tỷ lệ đầu cơ bất động sản là rất cao, lên tới khoảng 80% ở TP. HCM, và 70% ở Hà Nội, theo hiệp hội Bất động sản TP.HCM và bộ Tài chính. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Tôi cho là phải rà soát lại chặt chẽ. Với những người đầu cơ, tôi nghĩ, phải chấp nhận cho họ phá sản vì lợi ích của đất nước và đa số người dân.

Khi giá cao, có người bỏ túi vài trăm tỉ đồng, Nhà nước không được gì, người dân không được gì. Họ có tiền mua biệt thự, xe hơi, nay tình hình nguy hiểm thì lại kêu lập quỹ cứu bất động sản. Quan điểm của tôi là phản đối lập quỹ này. Nếu cứu họ sẽ lại tạo ra làn sóng tăng giá bất động sản mới, thì đến bao giờ người dân bình thường mới mua được nhà.

* Về phía ngân hàng, tôi cho rằng, họ thu hồi về, bán đi vẫn đảm bảo được các khoản cho vay. Nhiều chuyên gia cho rằng, dư nợ bất động sản khoảng 9,5% tổng dư nợ là chấp nhận được. Cơ sở nào nhận định thế?

Nói tỷ lệ thế là tốt thì cũng không phải. Vấn đề là có gì đảm bảo phía sau. Nếu 115 ngàn tỉ này có tài sản đảm bảo chắc chắn, thì không có vấn đề gì. Nhưng với những khoản vay được bảo đảm bằng những khoản thế chấp được định giá lỏng lẻo thì cũng là vấn đề.

Tuy vậy, tôi nghĩ cho vay tới 115 ngàn tỉ đồng, tức 8 tỉ USD là nhiều so với quy mô kinh tế Việt Nam. Lâu nay có nhiều nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh kiểu “tay không bắt giặc”. Đây là lúc nên kiểm soát chặt chẽ, không nên khuyến khích việc cho vay kiểu này nữa.

* Điều gì sẽ xảy ra khi thời gian đáo hạn đang đến gần vào dịp cuối năm?

Cho đến gần đây, giá bất động sản chưa xuống vì các nhà đầu cơ vẫn còn huy động từ các nguồn khác để trả lãi cho các ngân hàng. Nhưng đến thời điểm này và sắp tới thì họ phải có các giải pháp khác để trả nợ cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng. Ngân hàng cũng sẽ phải thu về. Như vậy, có thể có giải chấp bất động sản.

Tôi nghĩ cho vay tới 115 ngàn tỉ đồng, tức 8 tỉ USD là nhiều so với quy mô kinh tế Việt Nam. Lâu nay có nhiều nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh kiểu “tay không bắt giặc”. Đây là lúc nên kiểm soát chặt chẽ, không nên khuyến khích việc cho vay kiểu này nữa


>Ngân hàng Nhà nước yêu cầu: đánh giá vốn vay BĐS


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị