Trong bối cảnh thị trường nhà, đất chưa thực sự ổn định và chủ trương kiểm soát chặt tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đã siết lại tín dụng cho lĩnh vực này, trong đó có hoạt động mua nhà, đất trả góp…, vốn dĩ được xem là tiềm năng...
Trong bối cảnh thị trường nhà, đất chưa thực sự ổn định và chủ trương kiểm soát chặt tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đã siết lại tín dụng cho lĩnh vực này. |
Trong bối cảnh thị trường nhà, đất chưa thực sự ổn định và chủ trương kiểm soát chặt tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đã siết lại tín dụng cho lĩnh vực này, trong đó có hoạt động mua nhà, đất trả góp…, vốn dĩ được xem là tiềm năng.
Theo Tổng giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Phước Thanh, dư nợ cho vay bất động sản của Ngân hàng tính đến đầu tháng 11 chỉ chiếm khoảng 13% trong tổng dư nợ xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Trong tỷ lệ 13% đó, có khoảng 2 - 3% là cho vay kinh doanh, phần còn lại, Ngân hàng chủ yếu triển khai ở lĩnh vực mua nhà, đất trả góp.
Ông Thanh cho biết, chủ trương của Ngân hàng là không đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực bất động sản, kinh doanh chứng khoán. Một phần là do thị trường nhà đất chưa thực sự ổn định và rủi ro đối với loại hình tín dụng này khá lớn. Đồng thời, để thực hiện chủ trương của NHNN hiện nay là tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh nên Vietcombank hạn chế tín dụng ở các lĩnh vực phi sản xuất.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng tại TP. HCM nhận định, thị trường cho tín dụng nhà đất khá lớn, đặc biệt là với phân khúc khách hàng cán bộ, nhân viên có thu nhập ổn định. Từ đầu năm 2009, các ngân hàng đã từng bước đẩy mạnh mở rộng loại hình tín dụng mua nhà, đất và sửa chữa nhà trả góp, với hàng loạt sản phẩm ra đời. Cạnh tranh trong phát triển cho vay đối với sản phẩm tín dụng này cũng ngày một đa dạng và nóng dần. Song, chủ trương của NHNN hiện nay là yêu cầu ngân hàng hạn chế vốn vào lĩnh vực phi sản xuất. Vì vậy, việc triển khai tín dụng bất động sản trong bối cảnh hiện nay không còn là ưu tiên đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng.
Để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh cuối năm 2009 và năm 2010, Thống đốc NHNN vừa có Công văn số 9104/NHNN-CSTT yêu cầu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các NHTM tiếp tục thực hiện đúng các biện pháp tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng và các quy định của pháp luật về cho vay, đảm bảo tỷ lệ an toàn kinh doanh, quản lý ngoại hối; thực hiện cam kết giữa các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng về lãi suất huy động, nhằm ổn định thị trường tiền tệ.
Đồng thời, các ngân hàng phải đáp ứng vốn cho nhu cầu vay để sản xuất - kinh doanh có hiệu quả; trước hết là tập trung các nguồn vốn để cho vay chi phí sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản, thu mua nông sản, chế biến và xuất khẩu… Hạn chế cho vay các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực phi sản xuất, gồm đầu tư, kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính (chứng khoán, vàng, ngoại tệ…).
Trước đó, ngày 12/11, NHNN có Công văn số 8883/NHNN-CSTT, yêu cầu các ngân hàng không được thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản cho vay để đầu tư bất động sản, tài sản tài chính. Vì thế, đối với các sản phẩm tín dụng trong lĩnh vực này, các ngân hàng đã hạn chế dần.
Theo đánh giá của ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, khả năng xu hướng giảm của thị trường nhà, đất sẽ tiếp tục kéo dài đến giữa năm sau. Đặc biệt là khu vực TP. HCM với nguồn cung đang dồi dào thì khả năng giảm giá của bất động sản sẽ mạnh hơn so với khu vực Hà Nội.
"Nhìn vào tổng dư nợ cho vay bất động sản toàn ngành ngân hàng tính đến cuối tháng 10/2009 là 166.500 tỷ đồng chúng ta cũng có thể thấy được điều đó. Vì khu vực TP. HCM chiếm đến 51% tổng dư nợ bất động sản. Trong khi đó, Hà Nội chỉ có 15%", ông Nghĩa nói và cho rằng, có thể đến cuối năm 2010, giá bất động sản của hai khu vực trên mới có thể cân bằng, thay vì diễn biến trái chiều như hiện nay.
Tuy nhiên, nguồn vốn ngân hàng cho vay vào bất động sản dự báo sẽ giảm dần, do tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành đã ở mức cao, với 33,29% tính đến cuối tháng 10/2009 và khả năng sẽ lên đến mức 35% khi năm tài chính 2009 kết thúc.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán