Chứng khoán: Kênh đầu tư hấp dẫn năm 2012?

Cập nhật 13/01/2012 13:55

"Tôi rất lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2012", ông Michael Kokalari – Giám đốc Nghiên cứu Đầu tư Kim Eng Việt Nam nói.


Michael Kokalari – Giám đốc Nghiên cứu Đầu tư Công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam.
"Tôi rất lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2012", ông Michael Kokalari – Giám đốc Nghiên cứu Đầu tư Kim Eng Việt Nam nói.

* Nếu so chứng khoán cùng những kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, bất động sản, gửi tiết kiệm, ông dự đoán năm 2012 đâu sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn, vì sao?

Về kênh gửi tiết kiệm, lãi suất thực của Việt Nam đang ở mức âm, lạm phát hiện nay đang cao hơn cả lãi suất huy động cho nên người gửi tiền sẽ không nhận đủ sự bù đắp cho sức mua của đồng tiền. Do vậy, gửi tiết kiệm không phải là kênh đầu tư lý tưởng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể gửi tiền tạm thời trong ngân hàng cho đến khi tìm kiếm được một cơ hội đầu tư tốt hơn.

Đối với kênh đầu tư vàng, giá vàng ở Việt Nam gần theo kịp giá vàng thế giới trong biên độ +/- 10%. Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi tín hiệu rằng giá vàng trong nước sẽ tiệm cận hơn với giá vàng thế giới trong thời gian tới do NHNN đang và sẽ tập trung kiểm soát thị trường vàng hơn nữa. Tôi không lạc quan về giá vàng thế giới lúc này và tôi tin dự báo của các nhà đầu tư hàng hóa rằng vàng sẽ giảm xuống còn 1.400 USD/ounce trong vài tháng tới

Về kênh bất động sản, tôi nghĩ rằng trong dài hạn, phân khúc nhà giá thấp là rất tiềm năng. Dễ thấy hợp lý hơn khi mua căn hộ giá thấp ở những khu vực như Thủ Đức, quận 8 hoặc gần sân bay, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không hợp lý lắm khi nhà đầu tư mua bất động sản trong năm 2012 vì giá vẫn đang giảm.

Thị trường bất động sản ở các nơi khác trên thế giới cũng diễn ra tương tự, phải mất một thời gian dài để giá ngừng giảm sau một bong bóng bất động sản. Khi người gửi tiết kiệm mua căn hộ họ phải có kế hoạch nắm giữ lâu dài và họ cũng cần phải vay một phần từ ngân hàng. Điều này sẽ khó thực hiện trong năm 2012 do chúng tôi kỳ vọng lãi suất vẫn giữ ở mức cao cho những nhà đầu tư bất động sản và cũng vì sẽ khó mà vay ngân hàng trong năm sau.

Tóm lại, do kênh gửi tiền, vàng và bất động sản không là những kênh đầu tư tốt nhất trong năm 2012, nên chỉ còn lại kênh đầu tư chứng khoán.

Tôi cho rằng thị trường chứng khoán ở các nước Châu Á sẽ tăng khi lạm phát giảm dẫn đến lãi suất cũng giảm. Rủi ro chủ yếu cho kịch bản này có thể xảy ra là khả năng khó hạ cánh của kinh tế Trung Quốc. Chúng tôi ít lo lắng về những vấn đề đang diễn ra ở Châu Âu, mặc dù chúng tôi không nghĩ những vấn đề này sẽ được giải quyết ổn thỏa trong năm 2012. Vì vậy, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ tiếp tục biến động lên xuống theo nỗi sợ về khủng hoảng nợ của Châu Âu.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, có nhiều công ty đang giao dịch với mức P/E và P/B rất thấp nhưng lại có lợi tức (dividend yield) cao. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào các cổ phiếu tiêu dùng mà hướng vào tầng lớp trung lưu mới nổi, những người sẽ vẫn gia tăng tiêu dùng ngay tại đất nước này khi Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và thịnh vượng.

* Có cơ hội cho TTCK Việt Nam trong năm mới 2012 hay không, thưa ông?

Tôi lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2012 vì hai lý do sau.

Thứ nhất, Việt Nam có mức độ tăng trưởng kinh tế thuộc vào loại hấp dẫn nhất châu Á. Rất dễ bi quan khi thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản trên đà suy giảm, nhưng nếu nhìn vào những gì đang xảy trong nền kinh tế Việt Nam về sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu mới nổi, về sự dịch chuyển đi lên của các chuỗi giá trị để xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như các mặt hàng điện tử, về sự phát triển cơ sở hạ tầng … thì có nhiều lý do để lạc quan về tương lai trong dài hạn.

Thứ hai, đầu tư ngắn hạn cho tất cả các nước châu Á là như nhau – lạm phát giảm sẽ dẫn đến giảm lãi suất và đẩy cao giá chứng khoán. Vì lạm phát tại Việt Nam cao hơn các nước châu Á khác nên một khi lạm phát giảm sẽ làm cho lãi suất sẽ giảm nhiều hơn và sẽ đẩy giá chứng khoán lên cao hơn nữa.

Kịch bản đó đã diễn ra vào tháng tám vừa qua khi mọi người khi tin rằng lãi suất sẽ giảm trong năm 2011 - và thị trường đi lên. Đến khi mọi người nhận ra rằng còn quá sớm để lãi suất có thể giảm trong năm 2011, thị trường giảm trở lại. Lãi suất khó có thể giảm cho đến quý 2 năm 2012 khi lạm phát giảm xuống dưới 15%.

Một nguyên nhân khác cũng làm cho tôi lạc quan là những nỗ lực để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của chính phủ - điều này được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Nếu Việt Nam có thể thực hiện các bước cụ thể để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thì đây có thể là một yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường, mặc dù điều này có thể có tác động tích cực hơn trong năm 2013 hơn là năm 2012.

DiaOcOnline.vn - Theo DVT