Chứng khoán, bất động sản dè chừng!

Cập nhật 28/10/2009 10:45

Những doanh nghiệp đã đầu tư vào chứng khoán mà không rút ra được khi đó sẽ ra sao? Thị trường bất động sản cũng vậy, khi đó chắc chắn tình trạng nợ xấu ắt sẽ xuất hiện.

Trao đổi với PV Tiền Phong mới đây, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng từ tháng 11, 12 tới sẽ có một số lượng lớn tín dụng vay hỗ trợ lãi suất 4 phần trăm được giải ngân từ quý II/2009 sẽ đáo hạn.

Đây sẽ là thời điểm khá nhạy cảm đối với những doanh nghiệp đã vay vốn nhưng chưa có khả năng hoàn trả, cũng như với các ngân hàng cho vay hỗ trợ lãi suất lớn trong thời gian vừa qua.
 

Chứng khoán giảm điểm khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại - Ảnh: Hồng Vĩnh


* Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn cần phải có một gói kích thích kinh tế tiếp sau gói kích cầu hỗ trợ 4 phần trăm để giúp nền kinh tế phát triển. Ý kiến của ông ra sao?

Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước hiện có trên 400 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân. Như vậy vẫn còn hơn 200 nghìn tỷ đồng được hỗ trợ lãi suất chưa được giải ngân trong tổng gói hỗ trợ 600 nghìn tỷ đồng như ban đầu đề ra.

Đây không phải là số tiền nhỏ. Theo tôi, không cần thiết phải có gói kích cầu thứ hai. Chúng ta chưa dùng hết số tiền của gói thứ nhất thì sao phải tính tới gói thứ hai làm gì?

* Vấn đề phải tính toán ở đây hoàn toàn khác. Việc giải ngân mạnh hỗ trợ lãi suất xuất hiện từ quý II kéo theo thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản nóng lên. Và bắt đầu từ tháng 11, 12 tới sẽ có một số rất lớn tín dụng được hỗ trợ lãi suất sẽ đáo hạn. Liệu đến thời điểm trên, các doanh nghiệp có khả năng trả nợ vốn vay?

Hiện có một số doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích nhưng không bán được hàng. Như vậy đồng nghĩa sẽ không trả nợ được cho ngân hàng và đây sẽ là những khoản nợ xấu.

* Vậy để giải quyết nguy cơ nợ xấu của ngân hàng, doanh nghiệp trước áp lực đáo hạn hỗ trợ lãi suất thì phải làm gì?

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành

Ở đây có hai dạng đối tượng phải giải quyết: doanh nghiệp đã đầu tư đúng mục đích sản xuất kinh doanh nhưng chưa thu hồi được tiền về và những doanh nghiệp vay được tiền nhưng lại đem đầu tư vào tài chính, chứng khoán.

Chỉ cần có khoảng 100 nghìn tỷ đồng trong tổng số tiền cho vay hỗ trợ lãi suất chạy vào thị trường chứng khoán thì sẽ gây nên chuyện rất khó giải quyết.

Với những doanh nghiệp đầu tư vào chứng khoán nếu đến ngày trả nợ mới ùn ùn bán đi lấy tiền về để trả cho ngân hàng thì sẽ có tình trạng nhiều người bán, ít người mua.

Những doanh nghiệp đã đầu tư vào chứng khoán mà không rút ra được khi đó sẽ ra sao? Thị trường bất động sản cũng vậy, khi đó chắc chắn tình trạng nợ xấu ắt sẽ xuất hiện.

Tôi thấy doanh nghiệp ít có khả năng trả được nợ là hoàn toàn có cơ sở. Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các cơ quan khác cho thấy xuất khẩu thời gian qua không tăng, thị trường nội địa không tăng, sản xuất công nghiệp có tăng nhưng không phải là quá mạnh trong khi tín dụng giải ngân tăng rất mạnh trong quý hai. Như vậy không hiểu doanh nghiệp phát triển kiểu gì.

Nếu doanh nghiệp không lo từ bây giờ mà chỉ ngồi chờ gói kích cầu thứ hai thì có thể nói là ngồi chờ chết. Vì vậy ngay từ lúc này doanh nghiệp phải tính đến việc cấu trúc lại các khoản nợ, cấu trúc lại sản phẩm.

* Có ý kiến của một số chuyên gia cho rằng Việt Nam dựa quá nhiều vào xuất khẩu và thu hút FDI để phát triển. Theo ông chúng ta phải hướng việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nào?

Tính đến năm 2008, xuất khẩu của Việt Nam chiếm tới trên 60, gần 70 phần trăm GDP. Đây là tỷ lệ quá cao. Khi thị trường thế giới bị khủng hoảng thì ngay lập tức xuất khẩu co lại và phải quay lại thị trường trong nước. Đây cũng là một cách để tái cấu trúc nền kinh tế.

Nhưng nói như vậy chưa đủ. Trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải xem lại cơ cấu của mình, sản phẩm nào là phù hợp với thị trường nội địa. Muốn cơ cấu lại sản phẩm thì phải xem lại công nghệ sản xuất, hệ thống phân phối.

Đó chỉ là một khâu của việc tái cấu trúc đối với doanh nghiệp còn tái cấu trúc nền kinh tế không chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn là tư duy, ý chí, tầm nhìn của cả một đất nước.
 

Ở Nhật Bản hồi năm 1991 - 1992 cũng vậy. Chỉ số của thị trường chứng khoán do bong bóng nên đẩy lên tới 38.000 - 39.000. Sau khủng hoảng đến nay 18 năm, chỉ số cũng chỉ ở mức 8.000 - 9.000. Nhìn một cách sâu xa thì chúng ta đang đứng trước nguy cơ đó.

Từ tháng 10 đến tháng 11, hết thời hạn 8 tháng hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp, tổ chức đã vay vốn hỗ trợ lãi suất phải thanh toán khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong các tháng 11, 12 và tháng 1/2010 sẽ có ít nhất 240.000 tỷ đồng doanh nghiệp vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải hoàn trả các ngân hàng.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong