Chủ dự án đầu tư công bị "xử" nếu giải ngân chậm

Cập nhật 22/12/2018 10:40

Đến ngày 31-12-2018, địa phương, đơn vị nào có tỉ lệ giải ngân dưới 50% thì sẽ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và cá nhân liên quan

Đến ngày 31-12-2018, địa phương, đơn vị nào có tỉ lệ giải ngân dưới 50% thì sẽ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và cá nhân liên quan.

Mệnh lệnh trên được UBND TP HCM đưa ra sau khi Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân "cảnh báo" các sở - ngành, quận - huyện về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công quá thấp. "Nếu nơi nào làm không nổi thì xin giảm chỉ tiêu, để tiền đó làm việc khác" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh

Có vốn mà không xài (!?)

Sở dĩ Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh như vậy là do tính đến ngày 31-10, 2 lĩnh vực khiến dư luận bức xúc nhất là giao thông và ngập nước chỉ mới giải ngân được 60% vốn đầu tư công. Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) có 454 dự án, kế hoạch vốn năm 2018 là hơn 4.510 tỉ đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân đến cuối tháng 10 mới đạt hơn 58%. Còn Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TP có 106 dự án, kế hoạch vốn năm 2018 hơn 1.129 tỉ đồng nhưng chỉ mới giải ngân được hơn 53%.

Dự án cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám (quận Gò Vấp, TP HCM) được xây dựng theo cơ chế cấp bách nhằm giải quyết kẹt xe khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất nhưng do vướng mặt bằng nên hiện nhánh cầu cuối cùng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn mới đang thi công Ảnh: GIA MINH

Lý giải về việc vốn dư nhưng dự án lại bị "tắc", Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết việc giải ngân chậm là do chậm giải phóng mặt bằng, trình độ năng lực quản lý điều hành của dự án. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập, thông tin quy định hiện hành bắt buộc phải có vốn mới làm các thủ tục đấu thầu, thiết kế, thi công. Sau khi được bố trí vốn thì phải mất 3-4 tháng để triển khai công tác chuẩn bị như đấu thầu hay thiết kế rồi mới triển khai thi công. Khi nhà thầu bắt đầu triển khai thi công mới bắt đầu giải ngân vốn. Theo ông Dũng, thông thường những tháng đầu năm giải ngân vốn chậm là do thực hiện các thủ tục nêu trên. "Khoảng quý III, IV sẽ tập trung cho việc thi công và vấn đề giải ngân cũng nhanh hơn" - ông Dũng giải thích.

Ở góc độ quận - huyện, quận Tân Bình "đội sổ" về tỉ lệ giải ngân với 5,3% đến cuối tháng 10. Một số địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp khác như quận 1 là 22%, quận 10 chỉ 20%, quận Bình Thạnh 10%. Lý giải nguyên nhân, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà cho hay các dự án chậm giải ngân vốn chủ yếu do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. "Thời điểm đó, do TP chưa duyệt giá bồi thường T1, T2 nên quận không chi tiền được. Hiện nay, giá đã được duyệt. Tiến độ giải ngân của quận đã đạt 95%" - ông Hà nói. Còn Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng giải thích giải ngân chậm là do vướng tuyến metro số 1. Nhưng đến thời điểm hiện nay, vấn đề này đã được giải quyết nên tiến độ giải ngân của quận đạt hơn 85%.

Kiểm điểm trách nhiệm, hạ bậc thi đua

Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết thường đầu năm, các đơn vị đều muốn có nhiều vốn nhưng trong năm thì khả năng dùng vốn đó mỗi nơi mỗi khác. Nguyên nhân chậm tùy từng nhóm công trình, trong đó có một phần do chủ quan và nhiều yếu tố khách quan. Hiện TP không giao vốn chung một lần cho cấp quận - huyện, sở - ngành mà giao vốn cho từng công trình theo nhu cầu.

Về việc liệu có cắt vốn trong năm sau đối với các địa phương, đơn vị chậm giải ngân trong năm trước, bà Thắng cho rằng các công trình phải có sự chuyển tiếp, nếu đột ngột dừng cấp vốn sẽ ảnh hưởng tiến độ và nhu cầu dân sinh. "TP thấy dự án nào làm chậm, quyết định cắt vốn để chuyển cho công trình khác cũng là một giải pháp nhưng phải tính đến chuyện nếu cắt ngang vốn thì công trình sẽ dở dang. Cho nên nếu chủ đầu tư cố gắng đẩy nhanh được tiến độ vẫn là tốt nhất" - bà Thắng nhìn nhận. Về giải pháp, bà Thắng nói chủ đầu tư là người quản lý, quán xuyến dự án thì phải nắm chắc, tính toán kỹ để xác định rõ nhu cầu vốn, khả năng giải ngân vốn trong từng giai đoạn. Hơn ai hết, họ phải biết mình cần vốn để làm gì, tránh tình trạng đầu năm "xí" vốn rồi cuối năm xài không hết phải trả lại.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ra "tối hậu thư". Đó là hết ngày 31-12-2018, tỉ lệ giải ngân đầu tư công dưới 90% mà không có lý do chính đáng thì người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan không những bị hạ bậc thi đua mà còn không được chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Nặng hơn, nếu tỉ lệ giải ngân dưới 50%, sẽ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan. "Theo dõi, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công từ đầu năm, kiên quyết không để xảy ra tình trạng có cơ quan, đơn vị giải ngân đầu tư công tỉ lệ ít hơn 90% so với số vốn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt là một trong 10 công việc trọng tâm năm 2019 của TP. Cơ quan chủ quản, người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan phải nâng cao trách nhiệm của mình trong việc giải ngân vốn đầu tư công" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Nhận diện công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư là một trong những điểm nghẽn làm ảnh hưởng tiến độ các dự án nhiều nhất, UBND TP HCM khẳng định sẽ xây dựng cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian thực hiện các khâu trên đối với những dự án giao thông cấp bách.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ