Cho vay lãi suất thấp hơn 15% vẫn ế

Cập nhật 18/05/2012 09:50

Trần lãi suất cho vay đã chính thức được áp ở mức 15%/năm từ ngày 8-5 nhưng đến hôm nay nhiều ngân hàng đã đưa ra nhiều khoản vay với mức lãi suất thấp hơn thế nhưng không cho vay được.


Giao dịch tại Oceanbank. Ảnh: TL.
Trần lãi suất cho vay đã chính thức được áp ở mức 15%/năm từ ngày 8-5 nhưng đến hôm nay nhiều ngân hàng đã đưa ra nhiều khoản vay với mức lãi suất thấp hơn thế nhưng không cho vay được.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank, cho biết ngân hàng này vẫn trầy trật với hoạt động cho vay. Theo ông, hiện tại Vietcombank đang có gói vay phục vụ sản xuất kinh doanh khoảng 10.000 tỉ đồng với lãi suất rất thấp, 12%/năm cho các khoản vay dưới 3 tháng, 12,5% cho các khoản vay từ 3 tháng đến 1 năm, nhưng không có nhiều doanh nghiệp để ngân hàng cho vay.

Các khoản cho vay lãi suất thấp thì càng phải khắt khe về điều kiện, vì vậy ông Thanh cho rằng áp trần 15% thực chất là cho doanh nghiệp lớn, mạnh khỏe, còn doanh nghiệp đã yếu rồi thì lãi suất cao ngân hàng cũng chưa muốn cho vay, nên mức thấp thì họ càng khó mà tiếp cận được. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp đã yếu rồi thì có giảm lãi suất cũng chưa chắc họ muốn vay, ông Thanh nói.

Ông Thanh cho rằng, ngân hàng cũng chính là doanh nghiệp, chỉ khác là kinh doanh vốn, tiền của ngân hàng thực chất cũng do huy động mà có nên nếu cho vay mà không kiểm soát được, nợ xấu tăng thì những hậu quả mà ngân hàng gánh cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, việc ngân hàng cẩn trọng cho vay trong bối cảnh này là bình thường.

Một vấn đề nữa, theo ông Thanh, là hiện tại cả doanh nghiệp và người dân đang có tâm lý chờ đợi lãi suất sẽ giảm thêm, chờ giá bất động sản đi xuống, đợi chính phủ giảm thuế… nên các hoạt động mua bán đang co hẹp lại, đóng băng lại, hàng hóa không tiêu thụ được. Vì vậy dòng tín dụng không chảy vào nền kinh tế được.

“Tín phiếu lãi suất chỉ 4-5% ngân hàng vẫn mua, cho vay liên ngân hàng lãi suất có khi ở mức 3% cũng cho vay, vì còn hơn là để tiền một chỗ, lợi nhuận có ảnh hưởng nhưng nếu không cho vay được thì ngân hàng cũng không có cách khác”, ông Thanh nói.

Hiện tại, với lãi suất thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường, Vietcombnak cũng phải chọn lọc hồ sơ kỹ càng vì cho vay ra, có khi tiền không phải để dùng vào mục đích kinh doanh, sản xuất mà doanh nghiệp lại dùng tiền đó để gửi ở các ngân hàng có lãi suất cao.

Vấn đề lớn nhất, khó giải quyết nhất hiện nay, theo ông Thanh, chính là lòng tin. Ngân hàng và doanh nghiệp hiện không tin nhau, các ngân hàng cũng không dám tin tưởng lẫn nhau, vậy nên lãi suất hạ cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Cùng ý kiến này, Tổng Giám đốc Eximbank Trương Văn Phước cho biết gói cho vay 1.500 tỉ đồng dành cho thu mua lương thực của ngân hàng này triển khai lãi suất chỉ 13,5- 14%%/năm, đã giải ngân từ tháng 3 đến nay nhưng vẫn chỉ mới được 600 tỉ đồng, một con số khá nhỏ so với kỳ vọng của ngân hàng. Theo ông Phước, vấn đề hiện nay là lãi suất có giảm cũng chỉ dành cho doanh nghiệp tốt, vì có tốt thì ngân hàng mới tin mà cho vay, nhưng trong thời điểm này thắp đèn cũng không dễ tìm ra doanh nghiệp tốt.

Vì điều kiện được vay quá khó, nên nhân viên tín dụng một ngân hàng tại TPHCM cho biết để tư vấn cho doanh nghiệp vay các gói ưu đãi là một việc trần ai. Vị này cho biết để tiếp cận được vốn ưu đãi khách hàng cần có tình hình tài chính tốt, đảm bảo khả năng trả được nợ vay, cụ thể, doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, có doanh thu và thị phần được duy trì ổn định, tình hình tài chính cân đối lành mạnh, nhu cầu vay vốn hợp lý hoặc có dự án khả thi. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có tài sản đảm bảo phù hợp với mức độ rủi ro của phương án vay vốn.

Vì vậy nhân viên này cho rằng thà tư vấn cho doanh nghiệp vay với lãi suất cao hơn 15% còn hơn là thuyết phục họ tham gia gói ưu đãi vì những yêu cầu quá khắt khe của các gói vay trên. Cũng vì vậy, cho tới thời điểm này gói cho vay của ngân hàng ở chi nhánh của nhân viên trên vẫn chưa giải ngân được là mấy.

Đó là chuyện của ngân hàng lớn, còn ở ngân hàng nhỏ, phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết tại ngân hàng ông không có vốn rẻ, huy động cũng ở mức cao, chỉ từ 11-4 thì mới huy động ở mức 12%, cộng với chi phí dự trữ bắt buộc, trích dự phòng rủi ro, thì cho vay ra nếu chỉ ở 15% xem như không có lãi. Vì vậy, việc cho vay này chủ yếu dành cho doanh nghiệp thân quen với ngân hàng, vì lo ngại họ sẽ chuyển sang làm việc với ngân hàng khác. Các khoản cho vay chủ yếu là vốn lưu động ngắn hạn, còn đa phần các khoản vay vẫn phải áp lãi suất cao hơn để bù đắp vào.

Vị phó tổng giám đốc này cho biết việc thắt chặt cho vay ở các ngân hàng nhỏ còn nghiêm hơn so với ngân hàng lớn, vì vốn thì có, nhưng nợ xấu vẫn như “khối u” ngày càng lớn hơn tại các ngân hàng. Đối với ngân hàng nhỏ, những “khối u” này vỡ thì nguy cơ mất luôn ngân hàng cao hơn rất nhiều so với ngân hàng lớn, ông này nói thêm.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG