Từ gần 110 ngàn tỷ đồng đầu năm 2008, đến nay dư nợ cho vay bất động sản (BĐS) của 2 TP lớn nhất nước chỉ còn khoảng 80,6 ngàn tỷ...
Từ gần 110 ngàn tỷ đồng đầu năm 2008, đến nay dư nợ cho vay bất động sản (BĐS) của 2 TP lớn nhất nước chỉ còn khoảng 80,6 ngàn tỷ.
Đáng chú ý là trong khi dư nợ cho vay BĐS của TP.HCM giảm mạnh thì Hà Nội lại tăng nhẹ.
Là hai đô thị lớn nhất toàn quốc, nên dư nợ cho vay BĐS của Hà Nội và TP.HCM chiếm tỷ trọng gần 82%/tổng dư nợ cho vay BĐS (tính đến cuối tháng 2/2008) của hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, TP.HCM chiếm tới 64,4%.
Các NHTM cổ phần chiếm tỷ trọng cho vay BĐS lớn nhất. Lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, thị trường BĐS sụt giảm mạnh, một số NHTM gặp khó khăn trong thanh khoản 6 tháng đầu năm… đã khiến các NH gần như ngừng cho vay đối với lĩnh vực BĐS và tập trung thu hồi nợ.
Đến cuối tháng 8/2008, dư nợ cho vay BĐS của TP.HCM chỉ còn 57 nghìn tỷ đồng, giảm 33,8% so với đầu năm. Tỷ trọng dư nợ cho vay BĐS/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế cũng giảm từ trên 20% xuống còn 11%.
Tại TP Hà Nội, dư nợ cho vay BĐS trong 2 tháng gần đây lại tăng nhẹ. Tính đến 31/8/2008, dư nợ cho vay BĐS của Hà Nội là 23,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,97% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn và tăng khoảng 0,36% so với tháng trước (tháng 7/2008 dư nợ cho vay BĐS của Hà Nội cũng tăng khoảng 1% so tháng 6/2008).
Hoạt động cho vay BĐS của Hà Nội tương đối ổn định là do dư nợ BĐS của các NH Hà Nội từ trước đến nay ở mức khá thấp, thị trường BĐS của Hà Nội không có những thời điểm tăng quá “nóng”, tình trạng đầu cơ BĐS cũng không sôi động như TP.HCM.
Theo phản ánh của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội, hiện một số NH đã nối lại hoạt động cho vay BĐS nhưng đều rất thận trọng. Những NH tăng dư nợ cho vay BĐS chủ yếu là do đến thời điểm thực hiện giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Ngoài ra từ nay đến cuối năm, nhu cầu xây dựng cũng như đến hạn kết thúc tiến độ hoàn thiện các công trình xây dựng nên dư nợ cho vay BĐS đang và sẽ tăng, đặc biệt là các nhà thầu xây dựng vay vốn NH theo hạn mức tín dụng.
Một yếu tố nữa là tính thanh khoản của các NH đã được cải thiện, nguồn vốn đã được cân đối nên cũng bắt đầu xem xét cho vay với các dự án BĐS khả thi và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho những khách hàng có nguồn trả nợ ổn định, độ rủi ro thấp.
Theo đánh giá chung, mặc dù chưa sôi động trở lại nhưng triển vọng của thị trường BĐS Hà Nội và các thành phố lớn khác của Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn tương đối khả quan.
Các NH sẽ thận trọng hơn khi cho vay đối với lĩnh vực này, đặc biệt sẽ lựa chọn đối tượng khách hàng vay không phải để kinh doanh BĐS mà để ở, cho thuê hoặc làm cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động kinh doanh khác nên thường có nguồn thu rõ ràng, ổn định và ít chịu ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến động của thị trường BĐS.
Đón lõng thị trường
Từ phía các doanh nghiệp, ông Dương Nguyên Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển kỹ nghệ và Xây dựng Việt Nam (Techconvina) nhận định, nhiều khả năng giữa năm 2009, thị trường BĐS sẽ ấm trở lại, các công trình dở dang hiện nay phải được gấp rút hoàn thành để kịp có nguồn hàng dồi dào “đón lõng” thời điểm đó.
“Giai đoạn này ai khởi động sớm thì người đó sẽ thắng khi thị trường khởi sắc. Khởi động vào lúc này thì sang năm sẽ có hàng để bán. Còn nếu không thì sẽ phải chờ đợi một thời gian rất dài, mà lúc đó không biết thị trường đã chuyển sang giai đoạn nào rồi. Chúng tôi không muốn mình bị lỡ tàu”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hà Đô cũng nói rằng doanh nghiệp của ông đang rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư, tập trung vốn vào những dự án trọng điểm, nhằm đón thời điểm thị trường tăng nhiệt.
“Chúng tôi đang tăng cường nhân lực cho các khâu then chốt cũng như chuẩn bị cho những hướng đầu tư mới trong tương lai”, ông Toàn chia sẻ.
Các doanh nghiệp tin tưởng rằng đến khi trị trường BĐS trở về mức ổn định, ngân hàng tiếp tục mở hầu bao thì họ sẽ được tiếp thêm nguồn vốn tín dụng cho các dự án.
Sự hồi phục của thị trường BĐS có nhiều nguyên nhân. Một trong những tín hiệu đó là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào lĩnh vực này. Con số trên 50% vốn FDI đăng ký vào VN thời gian qua là rót vào BĐS chứng tỏ chứng tỏ tiềm năng rất lớn của thị trường BĐS nước ta.
Theo Vietnamnet