Chính phủ: Không để đổ vỡ hệ thống ngân hàng

Cập nhật 05/11/2011 09:55

Để tăng hiệu quả, tính ổn định và quy mô, Chính phủ sẽ tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, song chắc chắn sẽ không để đổ vỡ cả hệ thống.


Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo chiều 4/11 - Ảnh: Từ Nguyên.
Để tăng hiệu quả, tính ổn định và quy mô, Chính phủ sẽ tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, song chắc chắn sẽ không để đổ vỡ cả hệ thống.

Khẳng định trên được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều tối nay (4/11).

Theo Bộ trưởng Đam, trước đó trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cùng các thành viên đã thống nhất một số đánh giá đối với nền kinh tế trong tháng 10 và 10 tháng 2011.

Chính phủ nhìn nhận, nền kinh tế vẫn tiếp tục có nhiều khó khăn, một số lĩnh vực vẫn chưa có nhiều chuyển biến, thể hiện ở số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản đang tăng, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới đang giảm đi.

Đặc biệt, độ trễ tác động của một số chính sách dường như đang tác động đến sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn...

Theo Bộ trưởng Đam, Chính phủ đã nhìn thấy điều đó nên đã và đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách triển khai một số chính sách ưu đãi, hợp lý về thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn... cùng với đó là đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Đặc biệt, trong quá trình đó, Chính phủ sẽ chú trọng đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với quan điểm cơ bản là tăng quy mô hợp lý, hiệu quả theo lộ trình. Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định, trong mọi trường hợp không để xảy ra những rủi ro, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người gửi tiền.

“Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra đổ vỡ của hệ thống ngân hàng”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.

Trả lời câu hỏi của VnEconomy về “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng hiện nay, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, cho hay, đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng, về cơ bản vẫn hoạt động lành mạnh, ổn định. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, trong hệ thống đó cũng có một bộ phận khó khăn, hiệu quả không cao.

Chính vì vậy, theo ông Tiến, cùng với tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ mới phải chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhằm tăng quy mô và hiệu quả của toàn hệ thống.

Cũng theo Phó thống đốc Tiến, có những ngân hàng trong những giai đoạn nhất định gặp khó khăn cũng là điều khó tránh khỏi. Song, Ngân hàng Nhà nước vẫn có các giải pháp thông thường để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng gặp khó đó.

Lãnh đạo ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý, người dân và dư luận đừng có suy diễn theo kiểu “ngân hàng lớn là mạnh, ngân hàng nhỏ là yếu”, bởi tính hiệu quả không hẳn phụ thuộc vào quy mô mà nó phụ thuộc vào công tác quản trị và phòng ngừa rủi ro.

Liên quan đến phản hồi về việc điều hành chính sách tiền tệ quá “chặt” so với mục tiêu đạt ra đầu năm 20% đối với tăng trưởng tín dụng, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến thừa nhận, đúng là mục tiêu ban đầu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 20% nhằm kiểm soát được và phù hợp với các mục tiêu vĩ mô. Tuy nhiên, sau đó mọi đánh giá đều cho rằng, nếu thực hiện theo mục tiêu này thì chúng ta vẫn không đáp ứng được các mục tiêu vĩ mô khác của Chính phủ.

Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo mức tăng trưởng này tiếp tục phải giảm xuống để đạt được mục tiêu cao nhất là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.

“Hiện lạm phát mới có dấu hiệu giảm tốc song vẫn ở mức cao, do vậy từ nay đến cuối năm nếu điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức 12% cũng là phù hợp với các mục tiêu về ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát”, Phó thống đốc Tiến nói.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, việc “kiểm soát chặt chẽ” này có thể sẽ ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp, đến nền kinh tế. Song, theo ông, điều đó đã được Chính phủ nhìn nhận. Bởi, “chúng ta chấp nhận một mức tăng trưởng phù hợp, có thể chậm lại so với trước, nhưng bù lại là sẽ đảm bảo được các cân đối vĩ mô, tạo sự ổn định và cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế”.

“Một cỗ xe đang chạy muốn chuyển hướng thì đương nhiên phải giảm tốc độ”, ông Tiến cho hay.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên trước đề xuất tăng giá điện của EVN, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, nguyên tắc điều hành giá cả của mặt hàng này vừa phải đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, vừa phải hướng tới cơ chế thị trường.

“Chính phủ đã xây dựng lộ trình chủ động về giá điện, song đến thời điểm này chưa bàn đến chuyện tăng giá điện. Chính phủ sẽ xem xét và quyết định vào thời điểm thích hợp, nhưng dù là giá thế nào thì chắc chắn sẽ có hai điều: yêu cầu ngành điện công khai giá thành điện cũng như kết quả sản xuất kinh doanh và có các giải pháp đi kèm hỗ trợ cho người nghèo khi dùng điện”.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy