Cạnh tranh cho vay mua nhà

Cập nhật 09/07/2009 08:55

Thị trường bất động sản đã có tín hiệu ấm lên, đối tượng mua nhà chủ yếu là người có nhu cầu về nhà ở thực sự. Đây cũng là thời điểm để các ngân hàng (NH) đẩy mạnh đầu ra, tăng sức cạnh tranh cho vay mua nhà.

Dự án nhà chung cư cao cấp ở quận 7-TPHCM. Ảnh: H.Thúy.

Người vay cần lưu ý yếu tố điều chỉnh lãi suất và phí trả nợ trước hạn khi ký hợp đồng vay vốn.

Thị trường bất động sản đã có tín hiệu ấm lên, đối tượng mua nhà chủ yếu là người có nhu cầu về nhà ở thực sự. Đây cũng là thời điểm để các ngân hàng (NH) đẩy mạnh đầu ra, tăng sức cạnh tranh cho vay mua nhà.

Linh hoạt điều kiện vay

Ngày 8-7, chúng tôi liên hệ với các NH để tìm hiểu về việc vay tiền mua nhà. Nhân viên NH Quốc tế (VIB) cho biết lãi suất cao nhất 14,5%/năm, giảm 1% lãi suất trong năm đầu tiên; thời hạn vay tối đa 12 - 15 năm, thời gian trả nợ hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng.

Ngoài tài sản thế chấp, bên vay phải bảo đảm mức thu nhập cao gấp đôi số tiền trả góp hằng tháng, thời gian giải ngân chậm nhất là 48 giờ sau khi hoàn tất hồ sơ. Trong khi đó, NH An Bình (ABBANK) chốt lãi suất cho vay mua nhà ở mức 12% - 12,6%/năm, thời hạn vay 20 năm, được công ty bảo hiểm chi trả cho NH trong trường hợp người vay gặp rủi ro về tính mạng.

Đặc biệt, NH TNHH HSBC Việt Nam tăng thời hạn vay lên đến 25 năm, lãi suất 12,75%/năm, miễn phí trả nợ trước hạn. Người vay chứng minh thu nhập tối thiểu 10 triệu đồng/tháng, giá trị căn nhà sẽ mua ít nhất 800 triệu đồng... Một số NH khác cũng đưa ra điều kiện vay và lãi suất không mấy khác biệt so với các NH trên.

Tuy lãi suất tương đối mềm, thời hạn vay khá dài nhưng phần lớn các NH điều chỉnh lãi suất 6 tháng/lần, tức mặt bằng lãi suất trên thị trường tăng thì NH sẽ tăng theo và ngược lại, đồng thời thu phí khoảng 0,2%/số tiền trả nợ trước hạn rồi nhân với số thời hạn còn lại. Vì thế, người vay cần lưu ý hai yếu tố này trước khi ký hợp đồng vay, nếu không chi phí vay vốn sẽ tăng lên.

Đích ngắm là cán bộ - công nhân viên

Nhiều NH cho biết đích ngắm là đối tượng cán bộ - công nhân viên (CB-CNV) có thu nhập ổn định. Khảo sát thực tế cho thấy với đề nghị vay 200 triệu đồng của một CB-CNV tài sản thế chấp là bất động sản nhưng khả năng trả nợ chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, lập tức một nữ nhân viên tín dụng của VIB liên hệ với khách hàng này, đề nghị cung cấp đơn vị công tác, thu nhập hằng tháng và nhiệt tình tư vấn: “Với số tiền như trên nên vay thời hạn 5 năm, lãi suất 1,05%/tháng. Cơ quan xác nhận thu nhập hai vợ chồng khoảng 9 triệu đồng/tháng là vay được”- CB-CNV này nói. Theo tính toán của nhân viên tín dụng VIB, bên vay sẽ trả vốn và lãi bình quân 5,3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, năm đầu tiên NH chỉ thu nợ và lãi 4 triệu đồng/tháng. NH cho phép trả nợ hằng quý hay 6 tháng nhưng khách hàng phải trả lãi mỗi tháng 2,1 triệu đồng.

Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân ABBANK, cũng cho biết người vay có thu nhập ổn định 8 triệu đồng là có thể vay được 300 triệu đồng trong vòng 10 năm, phù hợp với nhiều gia đình hiện là CB-CNV. Số tiền trả góp hằng tháng của năm đầu thường khá cao nhưng các năm tiếp theo sẽ giảm nhiều, vì các NH đều áp dụng phương thức tính lãi theo dư nợ giảm dần.

 

Không nên đua nóng

Theo khảo sát của các NH, có đến 30% trong số 2 triệu CB-CNV chưa có nhà ở, cho thấy nhu cầu về nhà ở của đối tượng này rất cao. Mặt khác, giá nhà đất đã giảm sâu, lãi suất cho vay hiện ở mức chấp nhận được. Người dân bắt đầu quay lại với thị trường bất động sản. Điều này phần nào lý giải vì sao các NH căng sức cạnh tranh cho vay mua nhà. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính khuyến cáo các NH không nên đua nóng cho vay bất động sản. Bởi cho vay mua nhà là vốn trung và dài hạn, trong khi huy động vốn của các NH chủ yếu ngắn hạn. NH chỉ được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Nếu cho vay mua nhà quá nhiều, NH sẽ gặp khó khăn khi cân đối các nguồn vốn, đối mặt với rủi ro trong kinh doanh.
 

 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động