Ban chỉ đạo triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, phần lớn người lao động nhập cư vào Bình Dương thực sự chưa có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Ban chỉ đạo triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, nguyên nhân dẫn đến gói tín dụng "bị ế" là do nhu cầu thực tiễn của phần lớn người lao động nhập cư vào Bình Dương là quyết tâm "mua đất - xây nhà - lập nghiệp" hoặc kiếm tiền rồi gửi về quê, chứ thực sự chưa có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Mặt khác, chênh lệch quá cao giữa giá nhà đất so với thu nhập hiện nay của công nhân lao động cũng là khó khăn lớn khiến giấc mơ sở hữu nhà ở của nhiều người lao động có thu nhập thấp trở nên xa vời.
Theo ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương: khảo sát cho thấy phần lớn người lao động nhập cư vào tỉnh Bình Dương có quan niệm kiếm tiền và cố mua cho bằng được lô (nền) đất để lập nghiệp vững vàng trên đất công nghiệp Bình Dương. Một số nhóm khác lại có "tư tưởng" ngược lại - lên Bình Dương với quyết tâm kiếm đủ tiền đề mang về quê lập nghiệp hoặc gửi tiền về phụ giúp gia đình, chứ không có ý định mua nhà ở Bình Dương.
Thêm lý do dẫn đến nguyên nhân khiến việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng bị "ách tắc" là mức thu nhập thực tế bình quân của nhiều công nhân lao động hiện nay quá thấp, đa số đều không đủ điều kiện để có thể mua nhà. Do đó, đa phần chọn giải pháp là thuê nhà trọ trong dân để ở. Mặt khác, phần lớn lao động trong các khu công nghiệp tại Bình Dương hiện nay là người trẻ, đơn thân, thường đi sớm về khuya, lao động trên dây chuyền thường xuyên tăng ca cả ngày nên cũng chưa nghĩ đến việc mua nhà xã hội để lập thân lập nghiệp.
"Việc bố trí, quy hoạch các khu nhà ở xã hội cần phải tính toán cho hợp lý bởi người lao động cũng gặp những khó khăn nhất định khi trong khoảng cách di chuyển từ các khu nhà ở xã hội đến nhà máy làm việc khá xa, trong khi điều kiện làm việc của công nhân thường phải tăng ca với giờ giấc không cố định. Điều bất lợi này cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến cho gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thiếu hấp dẫn tại tỉnh Bình Dương" - ông Nguyễn Trường Chinh phân tích.
Bình Dương hiện có trên 800.000 lao động, trong đó số lao động nhập cư chiếm đến 85% và phần lớn đang thuê nhà trọ.
DiaOcOnline.vn -Theo Báo Hải quan