Biến động giá vàng có kéo theo chuyển hướng đầu tư?

Cập nhật 24/06/2013 11:05

Trong những tuần tới đây, nếu giá vàng trong nước giảm mạnh và có xu hướng gần sát với giá thế giới, tất yếu một phần tiền nhàn rỗi sẽ được tính toán lại. Cũng không loại trừ, tâm lý một bộ phận người dân có thể chuyển ưu tiên sang nhà đất giá rẻ như một cách để bảo toàn đồng vốn.

Trong những tuần tới đây, nếu giá vàng trong nước giảm mạnh và có xu hướng gần sát với giá thế giới, tất yếu một phần tiền nhàn rỗi sẽ được tính toán lại. Cũng không loại trừ, tâm lý một bộ phận người dân có thể chuyển ưu tiên sang nhà đất giá rẻ như một cách để bảo toàn đồng vốn.

Nếu giá vàng trong nước giảm mạnh, tiền nhàn rỗi sẽ được tính toán lại, không loại trừ tâm lý một bộ phận người dân có thể chuyển ưu tiên sang nhà đất giá rẻ như một cách để bảo toàn đồng vốn

“Vàng cũng không cứu nổi chúng ta!”

Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng giảm giá của vàng thế giới đang được giới chuyên gia quốc tế xác định như một điều gần như chắc chắn. Khác hẳn với thái độ lạc quan còn tồn tại cho đến đầu quý 4 năm ngoái, kể từ đầu năm 2013, phần lớn đánh giá của những tổ chức phân tích vàng quốc tế đã không còn kỳ vọng vào việc giá vàng đạt tới mốc 2.000 USD/ounce hoặc hơn thế, thậm chí cũng thật khó để giá vàng trở lại mức đỉnh 1.923 USD/ounce của nó được lập vào tháng 8/2011. Gần như trái ngược, người ta phải nhấn mạnh vào những khó khăn hiện tồn mà vàng thế giới phải đối mặt, cũng như nhìn nhận khả năng tụt giảm tiếp tục của nó về dưới vùng 1.200 USD/ounce.
“Vàng cũng không cứu nổi chúng ta!” - lời tán thán như thế không phải từ ai khác, mà chính là của Marc Faber, người được xem là một nhà hoạch định tài chính có tiếng trong thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Suốt năm 2012, giá vàng thế giới đã chỉ dao động trong khu vực 1.800 – 1.600 USD/ounce nhìn từ trên xuống, nói cách khác là diễn tiến kéo ngang dai dẳng với liều lượng thanh khoản khá thiếu sức sống. Tình trạng hoài nghi kéo dài này đã làm nản lòng nhà đầu tư vàng thế giới, một hiện trạng cũng gần giống như đối với giới đầu tư vàng Việt Nam, xúc tác cho việc bán vàng mua cổ phiếu đang diễn ra ngày càng phổ biến.

“Thế giới chuẩn bị đón nhận cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Và, kể cả tài sản vốn được coi là hầm trú ẩn an toàn như vàng cũng không thoát khỏi kịch bản này” - một lần nữa Marc Faber lại nhấn mạnh.

Từng là tác giả của báo cáo nổi tiếng Gloom Boom & Doom với cái nhìn lạc quan về giá vàng thế giới, nhưng điều đáng ngạc nhiên là vào thời gian gần đây, ông đã không giữ được sự tự tin về thứ kim loại quý hiếm này.

Không chỉ SPDR Gold Trust mà khá nhiều quỹ tín thác vàng khác trên thế giới như COMEX Gold Trust và ETF Securities cũng thực hiện việc bán ròng vàng trong thời gian gần đây. Tương tự, lượng bán ra của các tổ chức kinh doanh vàng trong nước cũng có vẻ nhiều hơn. Trong khi đó, về phía mua ròng lại chủ yếu là những người dân thiếu thông tin. Cũng ngày càng dày dặn dự báo của giới chuyên gia trong nuớc về “tương lai u ám của giá vàng”.

Trong vài tuần qua, thị trường vàng thế giới đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng gần 2 năm trở lại đây với tổng cộng 7%, trong đó có phiên giao dịch với giá hạ gần 90 USD/ounce và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010. Hệ lụy này xuất phát từ nguyên nhân nhà đầu tư thất vọng với tuyên bố của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng sẽ giảm quy mô gói kích thích kinh tế vào cuối năm nay và sẽ dừng hẳn vào giữa năm 2014 nếu như nền kinh tế hồi phục vững chắc.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu trong thời gian tới, giá vàng thế giới không giữ được mốc 1.250 USD/ounce? Có thể đó sẽ là một thảm họa ở mức độ lớn đối với giới giữ vàng, khi không ít nhận định đang nghiêng về khả năng giá vàng có thể trôi tuột xuống vùng 1.200 USD/ounce hoặc thậm chí còn thấp hơn.

Chuyên gia Frank McGhee của Alliance Financial thì bày tỏ lo lắng giá vàng sẽ tiếp tục rơi về "mức hợp lý" (phù hợp giá sản xuất) là 1.050 - 1.100 USD/ounce. Còn chuyên gia phân tích Killian Charles đến từ công ty Industrial Alliance ở Montreal cũng cảnh báo giá vàng sẽ xuống tới 1.000 USD/ounce sau khi đã chọc thủng mốc 1.300 USD.

Mua gì?

Ngày càng nhiều người tiêu dùng, tiểu thương và cả những người không có thói quen giữ mặt bày tỏ cái nhìn u ám đối với giá vàng. “Bây giờ làm gì còn ai đi mua vàng” - một người trong số đó nói.

Từ năm 2000 đến năm 2011, giá vàng thế giới đã tăng 7,6 lần, làm thành một chu kỳ kích hoạt nổi bất nhật trong lịch sử vận động của nó, cũng khiến cho sự hình thành bong bóng vàng trở nên chắc chắn hơn rất nhiều.

Trong khi đó, giá vàng Việt Nam còn lập hơn cả một kỳ tích khi tăng chẵn một chục lần, từ mức gần 5 triệu đồng/lượng vào năm 2000.
Nếu trong tương lai không quá xa, giá vàng thế giới giảm về 1.200 USD/ounce, giá vàng Việt Nam sẽ phải giảm về tương đương 30 triệu đồng/lượng.

Còn trong trường hợp có lẽ là xấu nhất, nếu giá vàng thế giới lao nhanh về mốc 1.000 USD/ounce, kim loại quý này sẽ tái hiện cơn khủng hoảng 2008 của giá cổ phiếu Mỹ. Cần nhắc lại, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính tín dụng năm 2008, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ đã mất điểm hơn 50%, trở thành một tâm điểm tai hại nhất trong lịch sử của nó.

Về dài hạn, khả năng trượt giá của giá vàng thế giới cũng tất yếu làm cho giá vàng trong nước phải mất đến một nửa so với mức giá đỉnh gần 50 triệu đồng/lượng, tức có thể đến một lúc nào đấy, giá vàng trong nước sẽ về khoảng 25-26 triệu đồng/lượng.

Vào những ngày qua, đã bắt đầu xuất hiện một số đánh giá, nhận định của chuyên gia trong nước về cận cảnh giá vàng trong nước có thể rơi về vùng 35 triệu đồng/lượng, thậm chí còn có thể lao về vùng 30 triệu đồng/lượng.

Thời điểm cuối tháng 6 năm nay - khi các ngân hàng thương mại cổ phần phải hoàn thành trạng thái tất toán vàng - đang đến rất gần. Đó cũng là thời điểm mà theo “dự báo” của Ngân hàng nhà nước, giá vàng trong nước từ đó có thể trở nên tiệm cận với giá thế giới. Lời khuyên “người dân không nên mua vàng vào thời điểm này” cũng vì thế đã hiện ra dày đặc hơn.

Nhưng không mua vàng thì mua cái gì, nếu có tiền nhàn rỗi?

Câu hỏi trên bắt buộc người ta phải nhớ lại bài toán nan giải về các kênh đầu tư mà từ suốt cuối năm 2011 đến nay hầu như bị bế tắc.
Các kênh đầu cơ vẫn còn nguyên đó, chỉ có điều là khá ủ ê. Trong vài tháng tháng trước, người ta có thể nghiêng về khả năng chọn lựa cổ phiếu trong thị trường chứng khoán để đầu tư ngắn hạn. Nhưng cho tới giờ, thị trường này lại đang xuôi theo dòng nước - một thế đi khá nguy hiểm mà chỉ dành cho những tay chơi máu lạnh.

Trong những tuần tới đây, nếu giá vàng trong nước giảm mạnh và có xu hướng gần sát với giá thế giới, tất yếu một phần tiền nhàn rỗi sẽ được tính toán lại. Cũng không loại trừ, tâm lý một bộ phận người dân có thể chuyển ưu tiên sang nhà đất giá rẻ như một cách để bảo toàn đồng vốn.

Việt Thắng - DiaOcOnline.vn