Bất động sản “đóng băng”, định giá nợ xấu kiểu gì?

Cập nhật 03/10/2013 14:59

ADB cho rằng, cơ chế định giá nợ xấu của Việt Nam gặp trở ngại khi phần lớn tài sản đảm bảo bằng bất động sản đang mất giá mạnh, trong khi đó, việc ngân hàng tiếp tục cho các doanh nghiệp có nợ xấu vay vốn sẽ khiến tình hình xấu hơn.

 ADB cho rằng, cơ chế định giá nợ xấu của Việt Nam gặp trở ngại khi phần lớn tài sản đảm bảo bằng bất động sản đang mất giá mạnh, trong khi đó, việc ngân hàng tiếp tục cho các doanh nghiệp có nợ xấu vay vốn sẽ khiến tình hình xấu hơn.

Trong phiên họp bàn với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Mỹ vào tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WorldBank) đánh giá, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam nếu tính theo thông lệ quốc tế ở mức 7% tổng dư nợ.

Trao đổi với PV, ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ phụ thuộc vào cách thức đo lường nợ xấu của các ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu các ngân hàng áp dụng Thông tư 02 (yêu cầu phân loại nợ theo quy chuẩn quốc tế) thì thị trường sẽ có thông tin rõ ràng hơn và số liệu tỷ lệ nợ xấu chắc chắn sẽ trên 7%. Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra con số cao hơn như thế nhiều, tới 15-16%.


Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura và chuyên gia kinh tế Dominic Mellor (Ảnh: Bích Diệp).

Theo nhận định của chuyên gia ADB, nếu Việt Nam áp dụng Thông tư 02 đúng thời hạn (tháng 6/2013) thì tình hình sẽ được cải thiện hơn so với hiện nay, mặc dù kể cả khi đi vào thực tế thì Thông tư 02 cũng sẽ không thể thay đổi được tình trạng nợ xấu trong một số một chiều.

Giá trị mà Thông tư 02 mang lại là cho thị trường thấy được toàn cảnh bức tranh nợ xấu của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam như thế nào và trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý sẽ chuẩn bị được một cách kỹ lưỡng hơn trong công tác xử lý.

Bản thân Thông tư 02 không phải là “thuốc chữa bệnh” nhưng tác động ngay trực tiếp của văn bản này sẽ buộc các ngân hàng không thể tiếp tục cho vay thêm đối với những doanh nghiệp có nợ mà không trả được. 

“Còn chưa áp dụng Thông tư 02 thì ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay đối với những khác hàng vốn đã nợ đầm đìa, qua đó khiến tình hình nợ xấu trở nên tội tệ hơn. Nhẽ ra khi đã xác định nợ của một doanh nghiệp là nợ xấu rồi thì ngân hàng sẽ phải ngừng lại họat động cho vay đối với khách hàng đó và đóng băng tài sản khi cần thiết để xiết nợ”, ông Dominic nói.

Ngoài ra, theo các chuyên gia ADB, việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam gặp một vấn đề khá lớn trong xác lập được cơ chế định giá nợ xấu. Với tài sản bảo đảm chủ yếu là bất động sản, nhà cửa, đất đai... về nguyên tắc, các ngân hàng tiếp nhận các tài sản này và định giá theo giá trị thị trường.

Tuy nhiên, rất khó có thể khẳng định là giá trị của tài sản đang ở mức nào và liệu có còn giữ được như trước hay không. Bởi, giữa lúc thị trường nhà đất “đóng băng”, thanh khoản khan hiếm thì lấy đâu ra giao dịch để biết mức giá đang ra sao? Chính vì vậy, chỉ có thể giả định là giá của các tài sản đảm bảo này đã giảm 5% hay 10%, 20% thì lúc đó chắc chắn dự phòng phải tăng lên.

Lõi của tái cơ cấu ngân hàng nằm ở doanh nghiệp

Về vai trò của Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) trong giải quyết vấn đề nợ xấu ở Việt Nam, chuyên gia ADB đánh ra, chỉ riêng VAMC sẽ không thể làm được mà bên cạnh đó còn phải có nguồn tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại, mà điều này đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị.

Chuyên gia Dominic cũng cho biết thêm, một vấn đề mà VAMC sẽ gặp phải đó là việc nhận chuyển giao tài sản bảo đảm của các ngân hàng trong khi tài sản đảm bảo chủ yếu là đất đai nhà xưởng, chịu sự điều chỉnh của Luật đất đai. Đây là vấn đề hết sức phức tạp.

Trong khi đó, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura lật lại vấn đề: Thực tế trong việc cho vay của các ngân hàng thương mại, bên cạnh những khoản nợ có tài sản đảm bảo thì lại có những khoản không hề có.

Trường hợp, VAMC nhận được tài sản bảo đảm được chuyển từ ngân hàng sang, họ có thể bán được tài sản gốc với giá cao hơn (tức là thu hồi được giá trị tài sản ở mức độ tối đa) nhưng “chúng ta có thể làm gì được với những khoản nợ xấu mà không có bảo đảm?”.

Để có thể thu hồi được giá trị tài sản bảo đảm với giá trị cao nhất đòi hỏi phải tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đi vay mà không được tái cơ cấu, tổ chức lại kinh doanh thì giá trị của doanh nghiệp sẽ không còn gì và nợ xấu này phải xóa chứ không thể bán được nữa – ông Kimura nhận xét.

Hơn nữa, theo ADB, thành công của VAMC còn phụ thuộc vào các cơ quy định pháp luật và chính sách hỗ trợ khác không thuộc chức năng, nhiệm vụ trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Và điều này yêu cầu một sự phối hợp nhịp nhàng của liên ngành, một quyết tâm chính trị cao từ Nhà nước Việt Nam.

Trước báo giới, ông Dominic Mellor nói: “Để tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu một cách triệt để, tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa đó là Chính phủ Chính phủ phải có những sáng kiến mạnh mẽ để tái cơ cấu doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn chứ không thể để họ phá sản hoàn toàn”.

Theo đó, việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp là hai mặt của một vấn đề, trong đó, có tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước – một trong những khách hàng chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu cho vay của các ngân hàng.

“Cứ 6 tháng một lần chúng tôi phải nhắc lại điều này: Gốc rễ là phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, nếu ở lĩnh vực tái cơ cấu ngân hàng, chúng tôi cho rằng đã có những bước tiến nhất định, thì với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi lại không thể nói gì” – ông Dominic nhận xét.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí