Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2012

Cập nhật 10/01/2012 13:10

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa phát hành báo cáo “Triển vọng kinh tế 2012-2013”, trong đó đáng chú ý là 3 kịch bản tăng trưởng dự kiến cho năm nay.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa phát hành báo cáo “Triển vọng kinh tế 2012-2013”, trong đó đáng chú ý là 3 kịch bản tăng trưởng dự kiến cho năm nay.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nghiêng về khả năng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 có thể đạt từ 5,6-5,9% - Ảnh: Getty.

Dựa trên những phân tích về tình hình kinh tế vĩ mô thời gian qua, đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng và lạm phát trong thời gian tới, Ủy ban này cho rằng tăng trưởng GDP năm 2012 ở mức trên 6% là khó đạt, trong khi các mức thấp hơn sẽ giúp cho tăng trưởng không vượt quá sản lượng tiềm năng, dễ gây lạm phát.

Đề cập đến một số nét chủ đạo, báo cáo cho rằng nền kinh tế sẽ có dấu hiệu khả quan hơn vào nửa sau năm 2012 nhờ hiệu ứng của việc cải thiện ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dự báo sẽ còn gặp không ít khó khăn trong những tháng đầu năm 2012; các thị trường bất động sản, chứng khoán tiếp tục trầm lắng trong những quý đầu năm.

Về lạm phát, các tính toán cho thấy chỉ tiêu này sẽ được kiểm soát khá tốt (dưới 10%), cùng với tỷ lệ nhập siêu được kiềm chế (dưới 10% kim ngạch xuất khẩu), tạo điều kiện để giảm sức ép tỷ giá, cân bằng cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Ủy ban dự báo tỷ giá VND sẽ được điều chỉnh trong khoảng 5-6%.

Trong khi đó, ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn về thanh khoản và nợ xấu trong suốt những tháng đầu năm 2012. Nhưng nếu vấn đề thanh khoản sớm được giải quyết, lãi suất ngân hàng sẽ giảm được khoảng 4% (lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm khoảng 11% và lãi suất cho vay dao động khoảng 14%).

Đối với hoạt động ngoại thương, do thương mại toàn cầu được dự báo giảm về khối lượng và giá cả, Ủy ban cho rằng kế hoạch tăng kim ngạch xuất khẩu 12-13% của Việt Nam sẽ là thách thức không nhỏ.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của thương mại thế giới sẽ tác động đến cả xuất khẩu và nhập khẩu, đồng thời chính sách kiểm soát nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục được duy trì trong năm 2012 nên xuất khẩu ròng của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện. Nhờ vậy, nhập siêu dự báo sẽ ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu.

Kịch bản tốt: Tăng trưởng vượt 6% khó khả thi

Với tình hình kinh tế thế giới khả quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng từ 12-13%; trong khi kim ngạch nhập khẩu dự báo tăng 13-14%; tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu đạt khoảng 11-12% vào năm 2012, tăng so với tỷ lệ 9,9% năm 2011.

Khi nền kinh tế toàn cầu duy trì được mức tăng trưởng, nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam được dự báo duy trì ở mức tương đương năm 2011. Vốn FDI dự kiến chiếm khoảng 23% tổng mức đầu tư toàn xã hội, tương đương khoảng 230 nghìn tỷ đồng.

Tổng hợp các yếu tố cấu phần GDP như tiêu dùng nội địa, xuất nhập khẩu và đầu tư, với giả định các nhân tố khác không đổi, tính toán cho thấy với tổng mức đầu tư toàn xã hội tương đương 33,5-33,9% GDP (mức kế hoạch đã được phê chuẩn), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 có thể đạt từ 6-6,3% nếu hiệu suất đầu tư của nền kinh tế có sự cải thiện đáng kể.

Nhưng, nếu không có sự thay đổi về công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả thì cần tăng tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế dân doanh từ 35,2% năm 2011 lên khoảng 43% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 và giảm tỷ lệ đầu tư khu vực kinh tế nhà nước từ mức 38,9% năm 2011 xuống còn 34% tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào năm 2012.

Với tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-6,3%, lạm phát duy trì ở mức 8-10% và mức bội chi ngân sách được thông qua cho năm 2012 ở mức 4,8% GDP, theo tính toán của Ủy ban giám sát, nợ công Việt Nam năm 2012 dự kiến đạt mức 58,2-58,8% GDP.

Tuy nhiên ở kịch bản này, Ủy ban cho rằng để điều chỉnh cơ cấu đầu tư như trên là một thách thức rất lớn. Bởi vì, muốn tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực dân doanh từ 35,2% của năm 2011 lên tới 43% tổng đầu tư toàn xã hội vào năm 2012, theo tính toán của Ủy ban, tăng trưởng tín dụng cần đạt trên 25%, cao hơn nhiều so với định mức tăng tín dụng từ 15-17% để kiểm soát lạm phát từ 8-10%.

Trong khi đó, để đảm bảo an sinh xã hội và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế giai đoạn sau, Việt Nam cần tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, khó có thể giảm tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước từ mức 38,9% tổng đầu tư toàn xã hội năm 2011 xuống chỉ còn 34% ngay trong năm 2012.

“Như vậy, trong điều kiện chưa tạo được bước đột phá công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả đầu tư kinh tế, nếu năm 2012 không có những đột biến về nguồn huy động vốn sản xuất thông qua nguồn huy động vốn khác ngoài kênh tín dụng, vốn tự có của doanh nghiệp, thì khả năng tăng trưởng GDP ở mức 6-6,3% là khó đạt được”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhìn nhận.

Kịch bản trung bình: GDP có thể đạt 5,6-5,9%


Ở kịch bản trung bình, giả định đặt ra là sản lượng nền kinh tế thế giới giảm khoảng 1%, tác động làm thương mại giảm khoảng 3-4% so với 2011. Ảnh hưởng đến Việt Nam, tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu của nước ta năm 2012 dự báo đạt tương ứng 8-9% và 7-8%, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu theo đó đạt từ 7-8%.

Trong khi đó, lượng vốn FDI vào Việt Nam dự báo sẽ thấp hơn một chút so với kịch bản tốt, chỉ chiếm từ 22-22,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội.

Với các dữ liệu trên, cùng với cơ cấu đầu tư khu vực kinh tế nhà nước chiếm 36,5-37% và khu vực kinh tế dân doanh chiếm 40,5-41% tổng đầu tư toàn xã hội, mô hình tính toán của Ủy ban cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 có thể đạt từ 5,6-5,9%.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, đây là kịch bản có nhiều khả năng nhất và các chỉ số, các cân đối cũng mang tính khả thi nhất, mức tăng trưởng này cũng tương đối sát với mức sản lượng tiềm năng hiện tại của Việt Nam.

Ở kịch bản này, mô hình tính toán về quan hệ giữa tăng trưởng GDP, bội chi ngân sách và nợ công cho kết quả, với tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức 4,8% GDP, nợ công Việt Nam năm 2012 sẽ đạt mức 58,8-59,2% GDP.

Kịch bản xấu: GDP chỉ đạt 5,2-5,5%

Nhưng với giả định trường hợp xấu nhất, kinh tế thế giới có khả năng rơi vào suy thoái và đạt mức tăng trưởng dưới 2,4%; thương mại thế giới tăng ở mức dưới 3% về khối lượng và giá cả có thể giảm sâu hơn mức dự báo 10% sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế cũng như tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Dự báo trong trường hợp này, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng từ 5-6% so với năm 2011. Trong khi đó, nhiều khả năng Chính phủ sẽ phải điều chỉnh chính sách vĩ mô, tăng đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngăn chặn suy giảm kinh tế, nên chính sách có phần nới lỏng hơn và vì thế nhập khẩu dự báo tăng 5-6%. Theo đó, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu vào khoảng 9-10%.

Tương ứng, nguồn vốn FDI vào Việt Nam ước chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD, tương đương khoảng 21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Lạm phát dự báo sẽ giảm còn 8-9%.

Ủy ban lưu ý rằng, trường hợp suy thoái kinh tế thế giới như tại kịch bản xấu có thể khuếch đại những điểm yếu nội tại của nền kinh tế Việt Nam, như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009.

Bởi vậy, khi khả năng này xảy ra, Ủy ban khuyến nghị cần duy trì đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế, giảm tối đa những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Theo đó, tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần duy trì ở mức tương đương năm 2011 (38,9%), tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế dân doanh khoảng 40%.

Với những giả định như trên, tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt từ 5,2-5,5%.

Kết hợp với tỷ lệ bội chi ngân sách của năm 2012 được thông qua là 4,8% GDP, tính toán của cho thấy, nợ công của Việt Nam năm 2012 sẽ ở mức 59,8-60,4% GDP.

“Trưởng hợp kinh tế thế giới diễn biến bất lợi và thật sự rơi vào suy thoái sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam không chỉ năm 2012 mà cả trong những năm tiếp theo... Việt Nam cần có biện pháp để chủ động đối phó với nguy cơ này”, Ủy ban lưu ý.

Các giải pháp cụ thể, theo Ủy ban, là cần thay đổi định hướng chính sách theo hướng linh hoạt hơn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tăng an sinh xã hội; nghiên cứu khả năng triển khai gói kích thích kinh tế với những tính toán kỹ lưỡng về quy mô, liều lượng, đối tượng thụ hưởng…

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy