Ẩn số ngân hàng yếu và những "đại gia" trong tầm giám sát

Cập nhật 27/02/2012 09:50

Sau khi danh sách các ngân hàng lọt vào "top" nhất, nhì để hưởng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa từ 15 - 17% lộ diện, hàng loạt các ngân hàng không được nêu tên tỏ ra lo lắng, băn khoăn cho số phận của mình.

Sau khi danh sách các ngân hàng lọt vào "top" nhất, nhì để hưởng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa từ 15 - 17% lộ diện, hàng loạt các ngân hàng không được nêu tên tỏ ra lo lắng, băn khoăn cho số phận của mình.

Việc phân hạng các nhóm Tổ chức tín dụng (TCTD) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được dựa trên cơ sở xếp loại của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng với mục đích giám sát an toàn hệ thống, tạo thêm cơ sở để thúc đẩy tái cấu trúc, ngoài ra nó còn là giải pháp "bình định" lãi suất đầu vào trước khi tính chuyện giảm được lãi suất cho vay rõ ràng hơn. Tuy nhiên, khi các nhóm đã được phân định, dư luận bắt đầu phản ứng về việc có vẻ không rõ ràng trong việc công bố các nhóm cụ thể.

Cấp "quota" tăng trưởng theo “sức khỏe”

Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng cho biết họ đã nhận được thông tin từ NHNN về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2012. Theo đó, một số ngân hàng được NHNN cấp cho tấm "thẻ" tăng trưởng tín dụng kịch trần lên đến 17%, một số ngân hàng cũng nhận được thông điệp cho tăng trưởng đến 15%.

Như vậy, các thành viên thuộc nhóm 1, 2 lần lượt hiện diện theo đúng nội dung Chỉ thị số 01 của NHNN khi đề ra việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho 4 nhóm TCTD với phương thức: "Nhóm 1 được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa 17%, nhóm 2 tối đa 15%, nhóm 3 tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng". Tiêu biểu cho nhóm danh sách VIP được hưởng tối đa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phải kể đến như: VPBank, Nam á Bank, ACB, VIB,...

Mặc dù, các ngân hàng nằm trong nhóm 3, 4 chưa hé lộ danh tính, nhưng khi danh sách nhóm 1, 2 lộ diện, các ngân hàng không có tên trong hai nhóm này, không khỏi băn khoăn về nguy cơ có thể rơi vào nhóm... "đèn đỏ" của mình.


Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Đại Lai, nguyên phó vụ trưởng vụ Phát triển ngân hàng (NHNN) cho rằng: Thực ra bản thân các ngân hàng đã không bằng nhau rồi, xuất phát không phải từ việc chia nhóm mà xuất phát từ đối tượng bị chia. Có thể nói, việc chia như vậy có những mặt được và mất. Cá nhân tôi nhận thấy, nó đáp ứng được mong mỏi lâu nay của nhiều tổ chức tín dụng.

Đại diện một ngân hàng thương mại (NHTM) không có tên trong top 1, 2 lo ngại: Ngay cả tiêu chí để xếp loại không công bố cũng nảy sinh vô số lời đồn đoán. Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân loại sẽ dựa vào các chỉ tiêu an toàn hoạt động. Tuy nhiên, việc phân chia theo các chỉ tiêu an toàn xem ra cũng chưa hẳn đã chính xác bởi những NHTM vừa tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng vào thời điểm nửa cuối năm 2011 thường có hệ số an toàn vốn (CAR) khá cao, song khó có thể nói đây là những ngân hàng hoạt động tốt.

Có ý kiến lại cho rằng, việc phân chia sẽ dựa vào quy mô vốn điều lệ nhưng xem ra cũng không khả thi bởi một ngân hàng dù có quy mô vốn nhỏ nhưng vẫn có thể hoạt động an toàn, lành mạnh. Còn nếu xét trên tiêu chí thanh khoản thì ngay cả những ngân hàng lớn, hoạt động lành mạnh cũng có lúc gặp khó khăn về thanh khoản...

“Bỏ qua” lãi suất huy động, người dân sẽ quan tâm đến... nhóm ?

Trước đây, người dân đi gửi tiền thường tìm xem ngân hàng nào có lãi suất cao sẽ đem tiền đến gửi. Tuy nhiên, với công bố nhóm vừa qua, bỗng dưng người dân có tiền gửi tiết kiệm lại băn khoăn lo lắng. Một số chuyên gia ngân hàng cho rằng: Bây giờ, lãi suất cao, tìm cách huy động vượt trần đã bị khống chế, có lách luật bằng quà tặng, quay số cũng chưa chắc tạo được sức hút với khách hàng. Người dân giờ quan tâm nhiều đến năng lực, độ an toàn và cách thức phục vụ của ngân hàng. Thông tin có "mươi ngân hàng nằm trong nhóm 4" khiến không ít người dân gửi tiền lo mà các cổ đông nhỏ, trót góp vốn vào ngân hàng càng lo hơn. Bởi lẽ, sắp đến mùa đại hội cổ đông, sớm hay muộn thì việc ngân hàng được xếp vào hạng nào cũng lộ diện.

TS. Nguyễn Đại Lai cũng tỏ ra lo lắng: Việc này tạo ra sự mông lung trong dư luận. Chúng ta nên kiểm soát chặt chẽ về tính thanh khoản, rủi ro tín dụng và những điều kiện khác, trong 3 tháng hoặc 6 tháng kiểm tra một lần. Tất nhiên, người ta có thể hiểu ở NHNN đã có 4 nhóm rồi, tức là 4 mâm với sự phân định rõ việc "ông" nào sẽ ngồi mâm cao, thấp, nhưng lại không công bố. Càng không công bố thì càng tạo sự râm ran trong xã hội.

Trong giới ngân hàng cũng đã có những đồn đoán về nhóm 4, nên nhiều người gửi tiền tại đây cũng căng tai nghe ngóng. Chị Ngô Thu Hồng (Thanh Xuân- Hà Nội) mang cả số tiền tiết kiệm được 500 triệu đồng gửi NHTMCP dưới dạng đầu tư tài chính và ngân hàng bảo lãnh.Như vậy, tính ra lãi suất huy động sẽ cao hơn mức trần 14% NHNN quy định. Nhưng qua tìm hiểu, chị Hồng biết những ngân hàng quá khan hiếm tiền mặt mới chấp nhận huy động vốn bằng mọi cách như vậy.

Và cũng nghe phong thanh ngân hàng này có nhiều khả năng nằm trong nhóm 4 nên đến hạn chị Hồng đã quyết định rút toàn bộ số tiền ở đây chuyển sang Vietinbank. Không chỉ chị Hồng mà nhiều người có tiền gửi ở những NHTMCP nhỏ "lách luật" để hưởng lãi suất cao cũng đang cân nhắc việc chuyển tiền sang ngân hàng có độ an toàn cao.

Trái với lo lắng của người dân, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, gửi tiền tiết kiệm luôn có bảo hiểm tiền. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) cho biết, 11 năm qua, có 39 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị sự cố, đổ vỡ hoặc rút giấy phép. DIV đã chi trả 20 tỷ đồng cho người gửi tiền của 18 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, hiện nay con số các ngân hàng bị xếp vào nhóm 4 lên đến cả chục thì việc chi trả bảo hiểm sẽ là gánh nặng lớn.

Hiện DIV giám sát hơn 1.000 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 3 loại hình là ngân hàng, công ty tài chính và quỹ tín dụng nhân dân. Theo công bố của DIV vào cuối 2011, với nguồn vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng, cộng thêm nguồn thu phí, nguồn cấp thêm... số tiền mà DIV nắm giữ chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 1% tổng tiền gửi của khách hàng trong toàn hệ thống ngân hàng.

Một chuyên gia lo ngại, liệu các ngân hàng khác không nằm trong nhóm 4 có đủ sức hấp dẫn để hút lượng tiền kia về. Người dân cũng không thể nào cứ cất trữ tiền mặt trong nhà. Họ sẽ quay ra mua vàng, mua USD... Như vậy, e rằng, sóng trên thị trường vàng, ngoại tệ sẽ có cơ hội trở lại.

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Phản ứng đa chiều

Việc phân nhóm được một chuyên gia kinh tế bình luận rằng, khi tín dụng hiện là hoạt động mang lại nguồn thu chủ yếu cho các NHTM trong nước, đặc biệt với các NHTMCP nhỏ, nguồn thu từ tín dụng chiếm tới 70 - 80%. Việc công bố hạn mức tín dụng của từng NHTM sẽ lợi bất cập hại. Bởi việc công bố này chẳng khác gì NHNN công bố xếp hạng các TCTD.

Tuy nhiên cũng có ý kiến, việc phân nhóm, nhất là nhóm yếu nhưng không công bố cụ thể cũng có thể là chủ ý của NHNN nhằm đưa những ngân hàng này vào tầm kiểm soát, giám sát chặt chẽ. Trên cơ sở đó NHNN sẽ có những giải pháp "điều trị" thích hợp. Khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng là một trong những giải pháp đó. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia về ngân hàng thì, NHNN nên xem xét việc hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp nhóm 3 và 4 qua những phương tiện truyền thông để tạo sự tin tưởng của người dân. Còn muốn giải quyết dứt điểm ngân hàng yếu, kém, nên để thị trường... tự làm(?).



DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa Tin