Phải nói ngay rằng, “chiêu” quảng bá của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đã giành thắng lợi lớn khi có sự hiện diện và ủng hộ của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cùng nhiều quan chức và gần 600 doanh nghiệp đến dự hội nghị công bố Chương trình tín dụng bất động sản 50.000 tỷ đồng tại Hà Nội cuối tuần qua.
Sở dĩ nói vậy bởi VNCB thực ra không phải là ‘người tiên phong’ của mô hình này, nhưng lại thu hút được sự quản tâm lớn. Cách đây 1 năm, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV đã từng phát động triển khai mô hình liên kết 4 nhà: Ngân hàng - Chủ đầu tư - Đơn vị thi công - Đơn vị cung ứng vật liệu. Cụ thể, BIDV đã ký cam kết với Công ty Địa ốc Hoàng Quân, Tập đoàn Thiên Thanh để phát triển Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza, Bình Chánh, TP. HCM.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo Công ty Địa ốc Hoàng Quân cho biết, BIDV đã tiến hành giải ngân khoảng 200 tỷ đồng trên 540 tỷ đồng cam kết từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ để triển khai Dự án HQC Plaza. Tuy nhiên, có thể thấy, BIDV gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai ngay cả khi sử dụng nguồn vốn ưu đãi. Vướng mắc nhất, theo như ông Trần Bắc Hà trình bày khi làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng hồi đầu năm 2014, là các dự án đã có khoản vay cũ nên không thể xét duyệt hồ sơ cho vay mới.
Như vậy, mô hình liên kết 4 nhà bắt đầu từ BIDV lắng xuống cho đến khi VNCB quảng bá nó một cách rầm rộ thời gian gần đây. Tuy nhiên, sự e dè từ thị trường cũng là không nhỏ khi BIDV sử dụng gói vốn hỗ trợ từ Chính phủ, còn gói 50.000 tỷ đồng là gói vay thương mại đơn thuần.
Vậy thì, căn cứ nào để chương trình liên kết 4 nhà do VNCB chủ trì triển khai thành công?
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đóng băng trong thời gian dài đã tác động mạnh đến các ngành liên quan như gây nên những khó khăn cho các ngành vật liệu xây dựng; nhiều công nhân thiếu việc làm; nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản tăng cao; thanh khoản giảm làm cho các ngân hàng khó cho vay; thị trường mất cân đối cung cầu, dẫn đến những người có nhu cầu thực khó tiếp cận với nhà ở…
Những khó khăn đó, theo ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB, là do sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng. Sự thiếu tin tưởng này đã làm cho các giao dịch kinh tế (mua bán vật liệu xây dựng, thi công công trình dở dang; nộp tiền mua nhà theo tiến độ, thanh toán tiền xây dựng…) của thị trường bất động sản gặp khó khăn.
Ông Mai nhấn mạnh, để củng cố lòng tin giữa các thành viên tham gia chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, vai trò của các NHTM đóng vị trí quan trọng nhằm giám sát quá trình vận động dòng tiền trong chuỗi liên kết, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đối tượng. Mục tiêu chính của mô hình liên kết 4 nhà này là đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, hàng tồn kho vật liệu xây dựng; tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án, hạn chế tình trạng đầu tư dang dở, lãng phí.
Tức là kéo tất cả các bên liên quan vào cuộc!
Đặc biệt, ông Mai cho rằng, hiệu quả của mô hình này sẽ củng cố lòng tin, tăng cường mức độ tín nhiệm trong kinh doanh giữa các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, tạo ra 5 “yên tâm” trong hoạt động xây dựng là tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng, chủ đầu tư yên tâm đầu tư, nhà thầu yên tâm thi công, nhà cung cấp yên tâm cung cấp vật liệu, thiết bị; người mua yên tâm bỏ vốn.
Mặc dù vậy, từ thị trường cũng có những ý kiến khác. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, nếu chủ đầu tư được quyền tự chọn nhà thầu thi công, nhà cung cấp vật liệu thì giá thành sẽ giảm, khi đó, cộng với được ngân hàng hỗ trợ nữa thì gói này sẽ thành công. Ngược lại, nếu chương trình này được lập ra mà hình thành lợi ích nhóm, khi đó lại đơn vị sân nhà thi công, cung ứng vật liệu... thì sẽ thất bại.
Trong khi đó, là nhà quản lý thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, phương thức liên kết 4 nhà là rất tốt, nhưng cần phải được thực hiện nghiêm túc và minh bạch. “Quy mô không quan trọng là 50.000 tỷ hay 70.000 tỷ đồng, mà điều quan trọng là làm tốt thì ngân hàng sẽ vào cuộc, người dân sẽ tham gia, doanh nghiệp vào cuộc và gói sẽ to ra”, ông Nam nói.
Chỉ có điều, sau 3 tuần Chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng ra đời, vẫn chưa có thông tin cụ thể nào về kết quả triển khai thực hiện. Mà việc công khai hóa kết quả triển khai có lẽ rất cần để tạo lòng tin thị trường vào bản thân gói tín dụng này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán