Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết dưới góc độ phong thủy

Cập nhật 10/01/2017 13:54

Mâm ngũ quả là một trong những thứ quan trọng để chưng bày trên bàn thờ gia tiên trong những ngày Tết của người Việt. Mỗi loại cây trái trong mâm ngũ quả đều mang một ý nghĩa nhất định và tùy theo mỗi miền mà người ta có cách trưng bày các loại cây trái khác nhau. Vậy thì theo quan niệm phong thủy, mâm ngũ quả sẽ mang ý nghĩa gì.

Mâm ngũ quả là một trong những thứ quan trọng để chưng bày trên bàn thờ gia tiên trong những ngày Tết của người Việt. Mỗi loại cây trái trong mâm ngũ quả đều mang một ý nghĩa nhất định và tùy theo mỗi miền mà người ta có cách trưng bày các loại cây trái khác nhau. Vậy thì theo quan niệm phong thủy, mâm ngũ quả sẽ mang ý nghĩa gì.

Theo các chuyên gia phong thủy, mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết mang một ý nghĩa chung sâu sắc là dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia chủ.

Ngũ quả và chữ Ngũ trong văn hóa và phong thủy phương Đông

Ngũ (五), là số 5, là biểu tượng chung của sự sống, Ngũ quả chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùng thờ cúng. Trong sách Chiêm thư, người làm nông xưa thường nhìn Ngũ Quả để dự đoán được/mất của các mùa vụ lương thực trong năm. Lâu dần, sự xác tín biến thành tập tục, "ngũ quả" có thể tượng trưng cho sự cầu thị được mùa của người nông dân.

Theo quan niệm của phương Đông mâm ngũ quả cần có 5 loại quả với 5 màu theo thuyết ngũ hành (Kim màu trắng/ Mộc màu xanh/ Thủy màu đen/ Hỏa màu đỏ/ Thổ màu vàng) tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc là Giàu có, sung túc/ Sang trọng/ Trường thọ/ Sức khỏe và Bình an.

Ví dụ: Trên mâm, Hành Hỏa là các loại quả có màu đỏ (thường là dưa hấu) và Hành Kim là những loại quả có màu trắng sáng quả đào, quả mận trắng ở miền Bắc; Hành Thủy được tượng trưng bằng quả có màu đen, sẫm như mận, hồng xiêm..

Ngũ quả theo nguồn gốc của Phật giáo

Theo wikipedia, trong kinh Vu-lan-bồn (Ullambana Sutra) do Phật thuyết cho Mục-Kiền-Liên về cách cứu mẹ ông khỏi kiếp ngạ quỷ có nhắc đến việc chuẩn bị mâm ngũ quả dưới hình thức "trái cây năm màu" để cúng dường chư Tăng, mà theo quan niệm nhà Phật trái cây 5 màu tượng trưng cho ngũ căn: tín, tấn, niệm, định và huệ.  Dấu tích lễ Vu-lan có từ rất sớm ở Ấn Độ được nhắc trong tác phẩm Mahabharata (thế kỉ V trước công nguyên đến thế kỉ V sau công nguyên).



Ngày nay, mâm ngũ quả khác nhiều so với truyền thống, và tùy theo mỗi vùng miền người ta có những quan niệm khác nhau. Đồng thời, ngũ quả mang tính trang trí nhiều hơn tâm linh

Chuối xanh:  Là loại quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả. Chuối màu xanh tượng trưng cho hành Mộc. Nó mang ý nghĩa như bàn tay ngửa để che chở đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết.

Đồng thời, trên một đĩa trang trí mâm ngũ quả, bao giờ chuối cũng được xếp ở vị trí đầu tiên như bàn tay che chở đỡ cho các loại quả khác.

Giữa nải chuối thường là quả bưởi màu vàng hoặc đu đủ (ứng với Hành Thổ), ý nghĩa là cầu phúc lộc (nhiều người cũng dùng quả phật thủ hay quả lựu chín vàng).

Quả phật thủ: Theo quan niệm xưa phật thủ là loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên vì có mùi thơm quyến rũ, “níu” các thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn, phù hộ cho gia chủ. Nếu như chuối nằm ở dưới đáy mâm ngũ quả thì quả phật thủ thường được đặt ở trung tâm,  nơi cao nhất trong mâm ngũ quả.

Quýt: Theo âm Hán của từ “quất” gần giống âm của từ “cát”. Bày quất trên mâm ngũ quả ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

Bưởi: Tượng trưng cho phúc lộc, viên mãn.

Xoài: Cầu mong không thiếu thốn.

Thanh long: Mang ý nghĩa rồng mây hội tụ, tượng trưng cho sự cát tường, thịnh vượng.

Sung: Với mong muốn có sự sung túc, tròn đầy, sung mãn về sức khỏe, hay tiền bạc

Đu đủ: Là biểu tượng của đầy đủ, thịnh vượng.

Mâm ngũ quả ngày nay đã thay đổi rất nhiều, mang ý nghĩa trang trí cho không gian xuân nhiều hơn là ý nghĩa tâm linh. Đồng thời, mâm ngũ quả của người dân 3 miền cũng khác nhau, tuy nhiên, độ phong phú và đa dạng trái cây thì cả 3 miền đều như nhau. 


DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế giới