Ý nghĩa đặc biệt của Ngọc thiền trong phong thủy

Cập nhật 18/05/2016 13:28

Đối với người cổ đại, con ve sầu có ý nghĩa rất đặc biệt. Ve sầu trước khi lột xác, thường sống trong bùn nhơ nước bẩn, đến khi lột xác hóa thành ve, thì bay lên cành cây cao, không ăn gì, mà chỉ uống sương buổi sớm. Ve sầu thoát khỏi bùn nhơ mà không tanh hôi mùi bùn, bởi vậy, người xưa vô cùng yêu quý loài côn trùng bé nhỏ này.

“Thiền” có nghĩa là con ve. Ngọc thiền là con ve bằng ngọc. Trong phong thủy, ngọc thiền mang nhiều ý nghĩa rất đặc biệt.


Đối với người cổ đại, con ve sầu có ý nghĩa rất đặc biệt. Ve sầu trước khi lột xác, thường sống trong bùn nhơ nước bẩn, đến khi lột xác hóa thành ve, thì bay lên cành cây cao, không ăn gì, mà chỉ uống sương buổi sớm. Ve sầu thoát khỏi bùn nhơ mà không tanh hôi mùi bùn, bởi vậy, người xưa vô cùng yêu quý loài côn trùng bé nhỏ này.

Hình ảnh chú ve sầu lột xác vẫn thường được dùng để ẩn dụ về sự tái sinh. Người ta tin rằng, táng Ngọc thiền cùng người đã khuất mang hàm ý linh hồn của người đã khuất sẽ tái sinh, thoát khỏi chốn bụi trần nhơ bẩn để đến với thế giới khác tốt đẹp hơn. Chính vì thế, Ngọc thiền trở thành biểu tượng của sự thuần khiết, thanh cao.

Ngọc thiền xuất hiện sớm nhất là vào thời đồ đá mới, phổ biến rộng rãi vào thời Thương. Thời nhà Thương, Ngọc thiền thường được sử dụng như một đồ trang sức dùng hàng ngày, chất ngọc không tốt, đa số là pha tạp với đá. Đường nét chạm khắc thô sơ, đơn giản. Sang đời Hán, Ngọc thiền có đường nét gãy gọn, dứt khoát mà hữu lực, không một vết khắc nào dư thừa, được gọi là “Hán bát đao”. Thân ve hình thoi, đầu cánh bụng ve dùng nét khắc chìm để miêu tả, lưng ve 2 cánh đối xưng nhau như hình lá phổi.

Do sự phát triển của tôn giáo tín ngưỡng, Ngọc thiền thời Hán đa số để dùng làm vật bồi táng. Người ta tin rằng, nó có thể trừ tà cho người sống, bảo vệ cho người chết, thậm chí có thể giúp người đã chết đắc đạo thành tiên.

Đến thời Nam Bắc triều, Ngọc thiền được chế tác dựa theo quy cách thời Hán, do chiến tranh loạn lạc, nên chất liệu chế tác thường bằng đá. Các đường nét chạm khắc ngày càng chi tiết hơn.

Một thời gian rất dài sau đó, hầu như không còn thấy Ngọc thiền xuất hiện nữa. Cho đến tận thời Tống, khi thịnh hành phong trào phỏng theo lối cổ, Ngọc thiền mới trở lại, thường được dùng làm đồ trang sức.

Sang thời Minh, Ngọc thiền có nét khắc vừa thô vừa sâu, cánh mỏng, bụng dày, trên cánh còn chạm khắc cả những đường vân mảnh, trông như là trong suốt, lại càng thêm sống động như thật. Đến thời Thanh, ngọc thiền lại càng tinh xảo hơn, 2 mắt dài nhỏ, cánh có hoa văn, chân gập lại, chạm khắc tỉ mỉ chi tiết, rất thích hợp dùng làm đồ trang trí.

Ve sầu đực có bộ phận phát ra tiếng kêu ở dưới bụng, tiếng ve kêu rất to và vang, người xưa quan niệm, tiếng ve kêu tượng trưng cho sự triền miên, bởi thế mà trong từ điển tiếng Hán có từ “thiền liên”, nghĩa là liên tục không ngừng nghỉ. Ngoài ra, ve sầu trong tiếng Hán còn có tên là “tri liễu”, chữ “tri” trong “tri thức”, hiểu biết. Có lẽ bởi vậy mà theo kinh nghiệm dân gian, bày Ngọc thiền trong nhà hoặc đeo ngọc thiền bên người có thể giúp trẻ không ngừng phấn đấu, nỗ lực trong học tập, thi cử.

Ngày nay, Ngọc thiền được bày bán trên thị trường với nhiều loại chất liệu khác nhau, có thể là ngọc hoặc các loại đá quý, đá bán quý. Nhưng nếu được, nên dùng Ngọc thiền bằng đúng chất liệu ngọc để có được hiệu quả tốt nhất.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản