Tươi cùng xuân mới

Cập nhật 02/02/2011 12:54

Để có một không gian sống đầy sinh khí đón năm mới, người Việt xưa nay luôn dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa mỗi độ xuân về. Dịp cuối năm cũ là thời điểm “nước rút” xây dựng để kịp ăn tết, nên nhiều ngôi nhà được hoàn thiện trong tâm thế vội vàng, không tránh khỏi những bất cập qua loa.

Để có một không gian sống đầy sinh khí đón năm mới, người Việt xưa nay luôn dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa mỗi độ xuân về. Dịp cuối năm cũ là thời điểm “nước rút” xây dựng để kịp ăn tết, nên nhiều ngôi nhà được hoàn thiện trong tâm thế vội vàng, không tránh khỏi những bất cập qua loa. Bởi vậy năm mới ghé nhà mới nhưng lại ít thấy được sắc diện tươi tắn mà gặp nhiều “son phấn cấp tốc”.


Tu sửa nhà cửa nên lưu tâm bắt đầu từ các bề mặt.
Xưa nay đều biết mới phải đi cùng với tươi, ngôi nhà cũng như con người, khỏe khoắn trong nội thể thì biểu lộ ngoại hình tươi nhuận. Ngôi nhà có thể cũ nhưng nếu biết chăm sóc, sắp xếp phù hợp thì vẫn tươi tắn. Trong phong thủy truyền thống cũng như hiện đại có một số nguyên tắc gọi là tu tạo (sửa chữa, trang hoàng) sao cho nội khí ít xáo trộn, hài hòa và ổn định hơn.

Tươi mới theo khu vực


Tu sửa nhà cửa nên lưu tâm bắt đầu từ các bề mặt, có thể là ốp lát (thay gạch lát nền, gạch ốp tường đã xuống cấp) hay là sơn phết (chống thấm, thay đổi màu sắc theo không gian tương ứng, sơn lại tường và cửa). Việc thay đổi vật dụng như rèm, tranh ảnh, hoặc nâng cấp các bề mặt (bọc lại nệm ghế, thay tấm trải bàn, lau chùi kính và gương soi…) luôn giúp kích hoạt năng lượng cho chốn cư ngụ vốn đã tích tụ nhiều bụi bặm trong cả một năm. Tất cả đòi hỏi gia chủ phải có cái nhìn toàn diện và chi tiết, đôi khi còn phức tạp hơn là xây một ngôi nhà mới hoàn toàn. Tu sửa nhà cửa có lợi điểm là gia chủ đã qua quá trình “sống chung” với ngôi nhà của mình, biết chỗ nào cần chỉnh sửa, trong khi làm nhà mới nếu chưa có kinh nghiệm sẽ dễ bị cuốn theo các cố gắng mang tính hình thức, mà chính bản thân gia chủ cũng không kiểm soát nổi. Nhiều gia đình hay sắm vật dụng mới vào dịp tết nhưng trước khi sắm đồ mới cần kiểm tra, sắp xếp, bảo trì vật dụng cũ trước đã. Sau một thời gian sử dụng, gia chủ đã biết rõ vật dụng nào hữu ích để định vị lại hợp lý hơn. Đôi khi chỉ một tấm thảm đặt đúng chỗ, chiếc bình hoa đồng điệu với không gian… cũng đủ đem đến sinh khí mới cho nội thất. Và một nguyên tắc không quên trong phong thuỷ là “có thêm vào thì phải biết bớt ra” để tạo cân bằng, tránh làm chật chội nội thất bởi vật dụng chồng chất.

Khi các bề mặt được dọn dẹp, làm sạch thì nội khí trong nhà sẽ ít nhiều có được biến đổi tích cực. Quá trình trang hoàng nhà cửa cần đi từ những phần thiết thân riêng tư đến phần giao tiếp chung, vì đây là dịp để rà soát lại các bất lợi trong quá trình sử dụng lâu dài. Phần gắn bó thiết thân nhất với người cư ngụ chính là các không gian riêng tư, trong đó phòng ngủ và phòng vệ sinh là hai không gian cần quan tâm hơn cả. Cần rà soát lại phòng ngủ xem có nhiều vật dụng quá không. Trong quá trình sử dụng, một số vật dụng, khu vực trong nội thất bị xáo trộn hoặc bị các vật dụng khác che chắn, làm thay đổi điểm đặt ban đầu, gây ra các sai lệch phương vị. Ví dụ một giường ngủ đặt giữa phòng ở vị trí tốt, nhưng nếu bên cạnh là tủ có mặt gương gắn ngoài chiếu ngay vào giường ngủ và cạnh của tủ làm thành góc va chạm thì bất lợi xuất hiện. Khi đó, hoặc là giường ngủ hoặc tủ áo (thậm chí cả hai) phải được điều chỉnh, với điều kiện ưu tiên trước cho phương vị của giường ngủ.


Dùng thảm hay tranh ảnh làm điểm nhấn cho căn phòng tạo nên một trung cung sinh động.
Tươi mới theo âm dương

Phần trung cung của mỗi nhà thường âm thịnh dương suy hơn so với các phần ngoại biên được tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Với dạng nhà phố, biệt thự mới xây sau này thường có khu cầu thang, giếng trời nằm giữa nhà và có thể chỉnh trang trung cung bằng cách dọn dẹp, tăng thêm chiếu sáng và đồ trang trí như chậu hoa, tượng gốm để tăng dương giảm âm. Đối với dạng căn hộ chung cư, trung cung thường là phần giao điểm qua lại các phòng, nên tạo khoảng trống di chuyển thoáng đãng, dùng thảm hoặc tranh ảnh như một điểm nhấn của căn hộ. Bổ sung đèn (dương) hoặc những vật dụng treo trên cao có tác dụng thu hút như phong linh, ống sáo trúc… cũng là biện pháp tốt tạo nên một trung cung sinh động.

Thiên tỉnh (giếng trời) vốn là lối nạp và thoát khí, khi tu sửa nhà cuối năm cũng nên tạo sắc thái mới, cải tạo bề mặt thông qua các thủ pháp trang trí hoặc xếp đặt tiểu cảnh. Dọn dẹp cây cảnh cũ, thay nước hồ non bộ (nếu có), thêm cây mới một cách có chọn lọc cũng là cách giúp giếng thông khí này được thông suốt và giảm các tác động xấu do ẩm thấp tù hãm. Cần lưu ý âm thanh, ánh sáng bằng cách dùng thêm đèn rọi, tạo nước chảy róc rách để tăng vẻ sinh động và kích thích luân chuyển sinh khí trong nhà nhiều hơn.

Việc bổ sung chiếu sáng cho bên ngoài nhà không chỉ làm rõ ràng dung mạo công trình, mà còn góp phần bảo vệ, tạo an toàn – thuận tiện cho người cư ngụ. Chiếu sáng ở các điểm tập trung người như tiền sảnh, bậc thềm giúp kích hoạt sinh khí, tạo điểm nhấn cho nhà. Những góc nhà – khuôn viên bị khuyết hoặc lồi thì cần bố trí đèn các bên để tránh bóng đổ lệch, giảm thiểu các góc xung sát.

Một gian bếp đầu năm sáng sủa, sạch sẽ, hợp lý luôn mang lại sinh khí mới cho ngôi nhà.


Một gian bếp đầu năm sáng sủa, sạch sẽ, hợp lý luôn mang lại sinh khí mới cho ngôi nhà.
Tươi mới theo ngũ hành

Trong ngũ hành thì mộc là hành chủ về mùa xuân, phương đông, buổi sớm, đặc thù cho sự đâm chồi nảy lộc, phát triển lâu bền. Do đó thay đổi cây cối, tỉa lá chăm hoa chính là kích hoạt hành mộc cho năm mới nhiều vận hội, nhà mới nhiều sinh khí. Cây cối chính là một phần của môi trường tự nhiên mà môi trường nhân tạo (ngôi nhà) cần dung hoà. Tính chất các mảng thiên nhiên vốn thuộc hành thủy, mộc và thổ, do vậy cần tìm chỗ bố trí có khả năng tương sinh như khu vực trung cung (thuộc thổ), giếng trời hay bancông đón nắng hướng đông (thuộc mộc, tốt cho cây cối). Nếu trồng cây về hướng tây để che mát nhà, cần chọn các loại cây có lá dày, chịu nắng. Tuy nhiên, đối với các mảng đá trang trí, hồ cá cảnh vốn hay dùng vật liệu mang tính thiên nhiên thô mộc, cần phải hình dung trước để tránh tình trạng lạm dụng, khiến nội thất trở nên tối tăm xù xì và ẩm thấp.

Không gian bếp núc vốn bị “ô nhiễm” nhiều nhất (dầu mỡ, nước, khói, đồ lặt vặt, côn trùng, rác thải…) nên cần kiểm tra lại hệ thống kỹ thuật (hút khói, chất đốt, sàn nước và chậu rửa) để phát hiện sửa chữa kịp thời các rò rỉ và sự cố, cũng như lặp lại “trật tự” hợp lý cho không gian sử dụng trong bếp mà quá trình sử dụng đã biến chuyển. Ví dụ như không chất nhiều vật dụng lên trên tủ bếp, nhất là khu vực lò nấu, không đặt các máy móc gần lửa (hoả khắc kim). Ánh sáng và thông thoáng trong bếp cũng cần điều chỉnh, ví dụ chỉ dùng một đèn trần giữa bếp thì sẽ không đủ sáng cho không gian cần thao tác mà nên thêm nhiều đèn phân bố theo khu vực gia công – nấu – soạn để bàn bếp luôn đủ ánh sáng. Một gian bếp đầu năm sáng sủa, sạch sẽ, hợp lý, ấm cúng luôn đem lại sinh khí tươi mới cho toàn nhà.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị