Số tầng, bậc cầu thang trong quan niệm của phong thủy

Cập nhật 20/08/2018 10:34

Số tầng ngôi nhà, số bậc cầu thang, những vấn đề tưởng như chỉ liên quan đến công năng, đôi khi cũng mang lại những băn khoăn cho gia chủ.

Số tầng ngôi nhà, số bậc cầu thang, những vấn đề tưởng như chỉ liên quan đến công năng, đôi khi cũng mang lại những băn khoăn cho gia chủ.


Từ thuyết vô thường

Cầu thang là một hạng mục có công năng rõ rệt và được sử dụng nhiều trong các gia đình. Như số trước, Báo Đầu tư Bất động sản đã đề cập đến vai trò của cầu thang dưới góc nhìn phong thủy, trong số này, chúng ta sẽ cùng nhìn nhận tiếp các quan điểm khác về cầu thang, số tầng của mỗi ngôi nhà.

Quan niệm này mới chỉ xuất hiện vài chục năm gần đây khi nhà nhiều tầng ra đời, chưa lâu so với chiều dài lịch sử phong thủy. Dưới góc nhìn phong thủy, nó cũng mang đến nhiều điều thú vị.

Một quan niệm khá phổ biến và được nhiều người vận dụng, đó là thuyết vô thường của đạo Phật: Vạn vật trong vũ trụ đều tuân theo quy luật sinh - trụ - hoại - diệt (sinh ra - phát triển - già cỗi - diệt vong). Khi ứng dụng vào phong thủy, được biến đổi thành sinh - lão - bệnh - tử (sinh ra, lớn lên, có bệnh hoặc già đi và cuối cùng là chết).

Từ quan điểm này, người ta quy sang các con số của phong thủy: Số 1 ứng với chữ sinh, số 2 là lão, số 3 là bệnh, số 4 là tử. Phương pháp tính là: Lấy số bất kỳ trừ cho 4 hoặc chia cho 4 được số dư từ 1 đến 4 rồi luận.

Ứng dụng vào phong thủy

Từ quan điểm trên, người ta lựa ra số tầng nhà, tổng số bậc cầu thang theo nguyên tắc có số dư là 1 hoặc 2, đứng chữ “sinh” và “trụ”; tránh có số dư là 3 hoặc 4, đứng chữ “hoại” hoặc “diệt”.

Quan điểm phong thủy này ngày nay khá phổ biến và đi vào cuộc sống. Thậm chí, không ít người kiêng không xây nhà 3 hoặc 4 tầng, kiêng rồi tính bậc cầu thang từng tầng và tổng số bậc cầu thang trong nhà không rơi vào số xấu.

Đây là quan niệm phong thủy căn bản phổ biến ở hiện nay ở phương Đông. Ở phương Tây, người ta rất kiêng kỵ và hạn chế sử dụng con số 13. Quan điểm đó dần lan sang cả phương Đông, nên chúng ta thấy nhiều tòa nhà chung cư không đánh số tầng 13 và thang máy cũng đổi sang 12A... Tuy nhiên, theo như phép tính 13 chia 4 dư 1, thì tầng 13 đứng chữ “sinh”, là tốt theo quan điểm phong thủy nêu ở trên.

Theo chuyên gia phong thủy, số bậc cầu thang không liên quan quá nhiều đến phong thủy ngôi nhà.  Ảnh: Thành Nguyễn
 
Lý do nhiều chủ đầu tư tránh con số 13 là để cho khỏi rắc rối, bán căn hộ dễ hơn, người mua không e ngại. Tuy nhiên, nhiều người cũng không biết vì sao lại kiêng con số 13. Xin trích dẫn một vài lý do khiến người phương Tây kiêng con số 13.

Trong sự tích Tiệc Ly ở sách Phúc Âm, tức là bữa ăn sau cùng của chúa Jesus với các môn đồ trước khi ngài chết, có 13 môn đồ ngồi với chúa hôm đó, trong số này có Judas. Trong Phúc Âm kể rằng, chúa Jesus hướng về phía môn đồ nói: "Không phải Ta đã chọn 12 người các con ư? Nhưng một trong số các con là quỷ". Và chính chương 13 của Phúc Âm John kể về sự phản bội của Judas.

Trong chương 13 cuốn sách cuối cùng của Tân Ước - Khải Huyền đã mô tả con số đáng sợ của con thú 666. Cùng quan điểm đó, thứ Sáu ngày 13 ở phương Tây được cho là ngày đen tối, là ngày mà người ta kiêng làm tất cả những việc quan trọng.

Ngoài ra, lịch Maya là chu kỳ Baktun thứ 13. Nó gắn liền với các điềm báo có liên quan đến ngày tận thế... Vì vậy, từ đó, người phương Tây tin rằng, trong một bàn tiệc có 13 người thì ắt đó là điềm xấu, nên hộ thường không bao giờ để tồn tại con số này trên bàn tiệc, chỉ là 12 hoặc là 14. Người phương Tây cũng không đánh số xe buýt là 13.

Với phương Đông, theo chuyên gia phong thủy, kiến trúc sư Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông, trong tất cả các sách phong thủy của tiền nhân, chẳng có sách nào nói về số bậc cầu thang, số tầng của ngôi nhà, vì đây là sản phẩm nhà ở của thời hiện đại. Gần đây, người ta hay ứng dụng theo phong thủy Bát Trạch, nhưng trường phát này cũng không phải là trường phái có độ thực chứng cao.

Quan trọng hơn, theo chuyên gia Hoàng Trà, nếu vận dụng quan điểm này, rõ ràng có nhiều vấn đề không thỏa đáng. Ngày xưa, khi xây nhà, cha ông ta thường xây kiểu ba gian, xây bậc tam cấp, xây tam quan. Nếu theo cách luận như hiện nay, thì đều rơi vào chữ bệnh. Phải chăng người xưa không hiểu về phong thủy?

Trên sự thực chứng về phong thủy, kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà khẳng định, lấy quan điểm minh triết của nhà Phật (sinh - trụ - hoại - diệt) mà vận dụng vào phong thủy là chưa hợp lý. Mỗi giáo lý và khoa thuật khác nhau đều có ứng dụng khác nhau, cũng như trong bệnh viện, nếu lấy phác đồ chữa bệnh khoa này áp dụng vào khoa kia thì quá vô lý.

Đến quan điểm tính tốt xấu luận theo Kinh dịch

Phong thủy dựa trên nền tảng toán học với các cơ số là 2 (âm dương); 5 (ngũ hành); 8 (bát quái); 9 (cửu tinh); 10 (thập thiên can); 12 (thập nhị địa chi), chứ không có cơ số 4 nào cả.

Việc phong thủy tốt hay xấu cũng chẳng định theo tổng số bậc cầu thang hay số tầng của ngôi nhà. Tuy nhiên, nếu là căn hộ của chung cư, thì có đánh số của căn hộ, nên luận về tốt xấu, sẽ theo Kinh dịch để luận. Trong Kinh dịch, các số kết hợp với nhau sẽ tạo thành các quẻ khác nhau. Ứng chiếu với 64 quẻ trong bộ môn này để luận tốt, xấu.

Hiện nay, nhiều chung cư kiêng con số 13 và đánh số tầng là tầng 12A và 12B. Cách làm này lại ngược với quan điểm về sinh - lão - bệnh - tử, làm cho tòa nhà có đến hai tầng ứng với chữ tử là 2 tầng 12, bỏ mất một tầng sinh là tầng 13. Cho nên, quan điểm phong thủy hiện nay chỉ áp dụng căn bản theo Bát trạch và lai tạp kiến thức bên ngoài vào, càng làm gia tăng tính chuẩn xác của phong thủy.

Phương thức hóa giải để yên tâm với số tầng và số bậc cầu thang

Trong câu chuyện về số bậc của cầu thang, nhiều người khi thiết kế kiến trúc công năng và tính bậc cầu thang, thường tính tổng số bậc cầu thang toàn nhà và cũng tính từng tầng, theo nguyên tắc sinh - lão - bệnh - tử và phải chia cho 4 dư 1 hoặc dư 2, tức ứng vào chữ sinh, hoặc chữ lão. Để thỏa mãn được điều này, đôi khi cũng khá nhiêu khê, nhiều nhà xây dựng rồi sửa cũng không dễ và khiến gia chủ phải mất thời gian động tâm suy nghĩ.

Theo kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, để hóa giải vấn đề này, chúng ta có thể làm thêm “bậc giả” để ứng với số đẹp. “Bậc giả” được làm lấy vì, nên có thể chỉ cần cao 1 - 2 cm cũng được tính là một bậc.

Cũng lưu ý thêm, một số người nói rằng, vì cầu thang thế này thế kia mà làm mất lộc của ngôi nhà, điều này cũng không phải. Chẳng hạn, nhiều người cho rằng, cầu thang động nên không được đặt ở trung cung và vệ sinh cũng không được đặt ở gầm cầu thang. Tuy nhiên, về kiến trúc, với những trường hợp nhà phân chia lô mặt phố có diện tích vừa phải, cầu thang phải ở giữa nhà, thì lên tầng trên mới chia được 2 phòng ngủ.

Trong khi do nhà có diện tích nhỏ, nên phải đặt vệ sinh vào gầm thang thì mới hợp lý cho công năng phòng khách và bếp ăn. Hơn nữa, tầm tỷ lệ ảnh hưởng tốt xấu trong phong thủy của một ngôi nhà là: Thế và hướng ảnh hưởng 51%, cửa chính 10%, ban thờ 10%, bếp 10%, giường ngủ 10%, tổng đã là 91% rồi, còn lại 9% phân bổ cho cầu thang, wc, bể phốt, bể nước, giếng trời...

Tương tự, với nhà có số tầng không đẹp, cũng có thể hóa giải bằng cách lợp thêm 1 đến 2 tầng mái, có thể là mái ngói, hoặc dùng mái tôn cũng tốt. Chúng ta cứ cho rằng cao trên dưới 3 m mới là một tầng, nhưng 3 m hay 30 cm hay 3 cm, cũng chỉ là không gian phân định.

Nhà 4 tầng lợp thêm một lớp mái lên trên, như vậy nhà đó sẽ có tổng số tầng là 5, tức chữ sinh. Nhà 3 tầng thì lợp thêm 2 lớp mái. Lưu ý ở đây không nhất thiết phải lợp với diện tích 100% mái, thậm trí chỉ cần một vài mét vuông cũng tạo thêm một lớp mái.

Ở miền Bắc, với mùa Hè nắng nóng chiếu vào bồn nước mái, người ta còn lợp thêm một lớp mái tôn che cho bồn inox, như vậy cũng là thêm một mái của ngôi nhà rồi.

Từ những phân tích bài trước và bài này, hy vọng sẽ giúp mọi người có góc nhìn chuẩn xác hơn về số bậc và phương vị của cầu thang hay tổng số tầng nhà theo phong thủy một cách khoa học hơn, hoặc biết cách hóa giải hay áp dụng vào thiết kế nhà ở, để giúp cho kiến trúc ngôi nhà đẹp và hợp phong thủy.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư BĐS