Chúng ta thường nghe đến khái niệm “sát khí” trong phong thủy và thường gắn với những điều không tốt, xui xẻo, nhất là khi chữ “sát” trùng với “sát” trong sát sanh, giết chóc. Trong tâm thức mọi người, “sát khí” là một khái niệm trừu tượng, một nỗi lo sợ vô hình nào đó.
Thời cổ đại, một trong những phong tục ma chay cổ hủ đó là “tị sát”, giải nghĩa trên mặt chữ nghĩa là trốn tránh hung thần. Chữ “sát” còn được viết bằng chữ “sát” (đánh giết), thời cổ còn gọi là “suy” (suy yếu), hoặc “sảnh” (tai nạn), hoặc “ương” (tai ương). Quan niệm dân gian cho rằng, người sau khi chết một thời gian, vong hồn người đó sẽ quay về nhà cùng với hung thần, có thể gây hại đến người sống, bởi vậy lúc đó người nhà phải lánh sang nhà hàng xóm ở tạm, còn gọi là ngày “hồi sát”.
Trong ngày này, người nhà phải quét dọn nhà cửa sạch sẽ, rải tro rơm rạ xuống nền nhà quanh linh cữu, cửa nẻo mở toang hết, còn người nhà thì lánh tạm sang hàng xóm. Người ta đều biết, thi thể người chết để lâu sẽ có tử khí bốc lên, gây ra bệnh tật cho cho người sống. Có lẽ bản chất của tục lệ này chỉ là để tránh tử khí thoát ra từ người chết, còn ma quỷ chỉ là do con người thêu dệt thêm ra mà thôi.
Trong huyền học, “sát khí” mang hàm nghĩa rộng hơn là vong hồn mang hung thần của người đã khuất quay trở về nhà. Nhưng nhìn chung, “sát khí” vẫn là để chỉ tất cả những tác nhân gây bất lợi cho cuộc sống của con người.
Sát khí có thể là bất cứ thứ gì đối lập với 6 giác quan của con người, khiến con người cảm thấy khó chịu. Hình sát là những tác nhân bất lợi mà có thể nhìn thấy bằng mắt thường như nhà đối diện với cột điện, tháp sắt, đường chọc thẳng vào nhà, trước nhà có những vật thể hình thù nhọn hoặc góc cạnh…Vị sát là mùi ẩm mốc hoặc những mùi hôi khó ngửi, do trong nhà bí bức, không khí lưu thông không tốt dẫn đến ẩm ướt, hoặc môi trường sống bị ô nhiễm. Quang sát là cường độ ánh sáng không phù hợp, quá tối hoặc quá chói. Thanh sát là những tiếng ồn ào gây khó chịu. Sắc sát là màu sắc không hài hòa ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của con người, ví dụ trong nhà mà màu đen quá nhiều thì âm khí thịnh, màu đỏ quá nhiều thì căng thẳng…
Ngoài ra, trong phong thủy có một số loại sát khí thường gặp như sau:
Âm tà sát: nếu nhà ở đối diện với nghĩa trang, bệnh viện hoặc nhà tang lễ, thì gọi là âm tà sát. Những nơi này vốn chứa nhiều âm khí, khiến người nhà dễ sinh bệnh, gặp tai nạn.
Cô khắc sát: ngược lại, nếu nhà ở đối diện với chùa chiền, miếu mạo, những nơi thờ cúng trang nghiêm cũng không tốt.
Quản môn sát: nhà ở đối diện với đồn cảnh sát, cơ quan chính phủ, doanh trại quân đội hoặc thậm chí nhà tù, những nơi này nhiều sát khí, ảnh hưởng đến đường tài vận của gia đình, khiến mọi việc không thông thuận.
Âm độc sát: nhà ở đối diện với nơi tụ tập công cộng, hoặc là nơi đổ rác, càng ở gần sát khí càng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Điện từ sát: nhà ở đối diện cột điện cao thế, bốt điện, hoặc cột thu lôi, tạo thành điện từ sát, khiến người ở tính tình nóng nảy, tinh thần kém, dễ mắc bệnh, dễ gặp tai nạn, hao tổn tài vận.
Khai khẩu sát: nhà ở đối diện với cửa thang máy, tuy tiện cho việc đi lại, nhưng ảnh hưởng đến tài vận, dễ gặp tai ương.
Khiên ngưu sát: nhà ở đối diện với cầu thang đi xuống nhiều tầng, khiến toàn bộ vận may chảy ra ngoài, vận rủi kéo đến, gia đình không êm ấm, người ở dễ mắc bệnh.
Bát quái sát: hàng xóm đối diện nhà ở treo gương bát quái hoặc đặt thần thú phong thủy hung mãnh chiếu thẳng vào cửa nhà mình. Những vật phẩm phong thủy này có sát khí uy mãnh để khắc chế hung thần bên ngoài, nhưng đồng thời cũng gây ảnh hưởng xấu nếu đối diện thẳng với nhà người khác.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản