Phong thủy 'thâm cung bí sử' của 6 tòa nhà nổi tiếng Hong Kong

Cập nhật 03/10/2018 09:54

Bạn có thể từng check in ở những tòa nhà nổi tiếng này nhưng không biết nhưng nguyên tắc phong thủy đầy bí ẩn của nó.

Bạn có thể từng check in ở những tòa nhà nổi tiếng này nhưng không biết nhưng nguyên tắc phong thủy đầy bí ẩn của nó.

Là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, nơi còn lưu dấu nhiều giá trị văn hóa truyền thống nên Hong Kong là nơi người ta rất chú trọng đến các quy luật phong thủy khi xây dựng. Sáu tòa nhà này rất nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào khi đến Hong Kong cũng sẽ nhìn thấy nhưng ẩn chứa bên trong đó là những câu chuyện phong thủy độc đáo mà không phải ai cũng minh tường.

Tòa nhà Bank of China


Tòa nhà này rất nổi tiếng ở Hong Kong không chỉ bởi lối kiến trúc mang tính biểu tượng độc đáo mà còn bởi những chuyện huyền bí phía sau. Người ta tin rằng, tòa nhà này mang theo rất nhiều năng lượng xấu khi xây dựng với lối kiến trúc đại kỵ, phá bỏ mọi nguyên tắc âm dương. Được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng I.M. Pei, tòa tháp có hình dạng lăng kính hình tam giác, mô phỏng những búp măng tre đang đâm chồi nảy lộc.

Nhưng cũng chính cấu trúc hình lăng kính này đã bắt đầu cho nhiều cuộc tranh luận về phong thủy. Người ta cho rằng những góc tam giác của tòa nhà giống như những "mũi dao" cắt đi mạch khí tốt, truyền năng lượng tiêu cực sang các tòa nhà san sát bên cạnh. Trong quá trình xây dựng, tòa nhà này cũng để lại nhiều tai tiếng khiến người ta càng khiếp sợ. Trong đó có sự sụp đổ của công ty tài chính ở tòa nhà Lippo ngay bên cạnh hay cái chết của Thống đốc Hong Kong - người làm việc trong tòa nhà Thống đốc ngay phía đối diện.

Sau khi bị người dân phản đối và chỉ trích, chủ sở hữu tòa nhà đã phải khắc phục bằng cách thêm vào một thác nước bên cạnh tòa nhà hay cho đặt những tảng đá khổng lồ mang về từ Trung Quốc đại lục, thêm vào đó là trồng nhiều cây và hoa xung quanh. Các chuyên gia phong thủy cho rằng, việc làm này sẽ làm sạch môi trường và quan trọng nhất là nuôi dưỡng năng lượng tốt, kìm hãm những "luồng khí độc" của tòa nhà này.

Tòa nhà HSBC


Được thiết kế bởi công ty kiến trúc Norman Fosters của Anh, tòa nhà mang thiết kế độc đáo này được xây dựng sau khi đã tham khảo các bậc thầy về phong thủy, do đó, tuân thủ hầu hết các quy luật. Tòa nhà HSBC không xây dựng ở tầng trệt mà thay vào đó là khoảng không gian trống với một giếng trời, "mời gọi" gió và năng lượng tích cực đi vào bên trong tòa nhà. Thang cuốn được đặt ở một góc lối vào nhằm ngăn chặn những "linh hồn tà ác" xâm nhập vào bên trong. Ngoài ra, người ta cũng cho đặt một cặp sư tử bằng đồng ở ngay lối vào, tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng.

Không dừng lại ở đó, do nằm ngay gần tòa nhà "ma" Bank of China nói trên nên tòa nhà HSBC cũng có sự "phòng bị năng lượng xấu". Theo đó, người ta cho lắp hai kiến trúc bằng kim loại, gần giống với hình khẩu pháo trên nóc nhà, với mục đích là làm chệnh hướng "khí xấu" tới từ tòa nhà tai tiếng Bank of China ở phía đối điện.

Hopewell Center


Khai trương vào năm 1980, tòa nhà 64 tầng này là tòa nhà cao nhất thành phố cho đến khi tòa tháp Bank of China Tower vượt qua. Tòa nhà được xây với các cấu trúc chạy dọc theo một hình trụ, tạo cảm giác giống như một ngọn nến, ngọn đuốc hay một điếu thuốc đang cháy dở. Nó trở thành một ám ảnh xấu bởi trong văn hóa Trung Quốc, điều này rất xấu, mang theo ý nghĩa chết chóc hoặc bốc cháy.

Sau khi tham khảo ý kiến một thầy phong thủy, chủ sở hữu tòa nhà Hopewell Center đã cho xây một hồ bơi hình tròn trên mái nhà. Sự hiện diện của yếu tố "thủy" (nước) trên tòa nhà được cho là sẽ chế ngự yếu tố "hỏa" của tòa nhà hình ngọn nến này, với hy vọng chế ngự năng lượng xấu, mang lại những điều tốt đẹp.

Cheung Kong Center


Trung tâm Cheung Kong được phát triển bởi nhà tài sản tỷ phú Hong Kong Li-Ka Shing vào những năm 1990. Nó nằm ngay giữa tháp Bank of China và tòa nhà HSBC - một bên mang theo năng lượng xấu hình mũi dao còn một bên "lăm lăm" khẩu pháo trên nóc. Một bài toán rất đau đầu được đặt ra cho những nhà xây dựng khi phải thi công một công trình nằm ngay giữa, yêu cầu họ phải rất cẩn thận với các yếu tố phong thủy của mình.

Cuối cùng, người ta quyết định lựa chọn một kiến trúc khiêm tốn, mặt cắt là hình vuông. Tòa nhà được lắp kính phản quang toàn bộ và ở giữa cũng có những khoảng hở để đảm bảo dòng năng lượng tốt sẽ chảy xuyên suốt trong tòa nhà. Thiết kế này cũng được tin rằng có thể cân bằn năng lượng tiêu cực của hai tòa nhà bên cạnh. Ngay cả chiều cao của Cheung Kong Center cũng bị giới hạn, củng cố nguyên tắc hài hòa và tránh cạnh tranh với "hai người hàng xóm" tai tiếng bên cạnh.

Jardine House


Đây từng là tòa nhà chọc trời đầu tiên của Hong Kong và là công trình "mỹ miều" nhất của đặc khu này khi được hoàn thành vào năm 1092. Tòa nhà cao 52 tầng và rất dễ nhận ra với nhiều ô tròn nhỏ trên thân tòa nhà. Mặc dù có nickname không mấy hay ho - tòa nhà của hàng nghìn kẻ lừa đảo - nhưng Jardine House lại được đánh giá là có phong thủy rất tốt.

Các cửa sổ hình tròn nhỏ của tòa nhà này được tin rằng đã bổ trợ cho những may mắn liên tiếp trong kinh doanh của gia đình Jardin trong suốt lịch sử vì mang theo ý nghĩa tốt lành. Theo phong thủy, hình tròn giống với hình ảnh mặt trời, đồng thời cũng giống hình đồng xu tiền, nên vừa mang ý nghĩa giàu có vừa mang sự tốt lành từ thiên đàng.

Tòa nhà ở vịnh Repulse


Vịnh Repulse (vịnh Nước Cạn) được xem là nơi có phong thủy rất tốt ở Hong Kong. Ở vị trí đắc địa, lưng tựa núi, mặt nhìn ra biển, người ta tin rằng có một "con rồng" sống ở dãy núi phía sau tòa nhà. Theo quan niệm Trung Quốc truyền thống, rồng là biểu tượng của sức mạnh, quý tộc và cả may mắn. Nên nếu xây những tòa nhà chắn ngay phía trước dãy núi sẽ ngăn cản "con rồng ra biển uống nước", hay nói cách khác là ngăn cản vượng khí của cả tòa nhà.

Để khắc phục điều này, các tòa nhà ở vịnh Nước Cạn đều "đục" một lỗ ở thân. Lỗ hổng này được gọi là cánh cổng của rồng, giúp luồng khí tốt được lưu thông từ trước ra sau mà không bị chặn lại, đem lại may mắn cho những người sống trong tòa nhà. Quy tắc này không chỉ phổ biến ở vịnh Nước Cạn mà còn được lan truyền khắp Hong Kong, nên không khó để bắt gặp một tòa nhà với lỗ hổng chính giữa như vậy.

DiaOcOnline.vn - Theo Ngôi Sao