Phần 2: Khắc phục góc khó theo phong thủy

Cập nhật 09/01/2008 08:50

Nhìn trong mặt cắt nhà ở thì cầu thang và mái dốc là những chỗ hay tạo ra 'góc chết'. Gầm cầu thang vì tối và thấp, có tính âm nhiều hơn dương, nên có thể làm...

Xử lý theo phương đứng

Nhìn trong mặt cắt nhà ở thì cầu thang và mái dốc là những chỗ hay tạo ra 'góc chết'. Gầm cầu thang vì tối và thấp, có tính âm nhiều hơn dương, nên có thể làm phòng vệ sinh nhỏ, kho chứa đồ, chỗ để xe hay thậm chí là để trống, mở cửa sổ lấy ánh sáng nếu có thể, để bổ sung tính dương.


Cần lưu ý, tại những chỗ dễ đụng đầu (chiều cao thông thủy khoảng 1,7 m) chỉ nên bố trí các chức năng có tần suất sử dụng thấp như tủ để đồ lặt vặt, máy bơm nước hoặc tiểu cảnh trang trí đơn giản. Tránh đặt giường ngủ hoặc chỗ làm việc dưới cầu thang vì luồng di chuyển bên trên sẽ gây tiếng động và bụi bặm, xáo trộn trường khí, nhất là đối với các kiểu thang hở bậc hay dạng "xương cá".



Dưới gầm thang chỉ nên đặt tiểu cảnh.


Khi nhà làm mái dốc nghiêng, đóng trần là cách hữu hiệu nhất để tránh góc chết trên cao, vốn thường là nơi bám bụi và không sử dụng. Nếu có bố trí phòng tại gian áp mái thì khoảng xiên sát tường nên đặt tủ đồ, còn giường ngủ hoặc bàn làm việc nên đặt ở khoảng trần dã cao và tránh dầm xà phía trên. Cách đóng trần cong, giật cấp hoặc uốn khúc cũng là thủ pháp chuyển tiếp không gian hữu hiệu, giấu đi các khiếm khuyết do mái nghiêng tạo ra.

Các cửa sổ lật nghiêng cũng gây ra dạng lưỡi nhọn không an toàn khi sử dụng nên phải chú ý đặt cao quá đầu người. Trường hợp cửa là loại lật thấp thì phía dưới nên là bồn hoa hay mái hắt, tránh để luồng đi lại hay sinh hoạt sát dưới những cánh cửa lật nghiêng.



Đối với những cánh cửa lật
nghiêng tốt nhất nên đặt cao quá đầu.


Không ngôi nhà nào mà không có các góc khuất, góc chết. Vấn đề là khai thác hiệu quả những góc khó ấy và giảm thiểu các trở ngại trong sử dụng, tạo nên ngôi nhà hợp phong thủy.

Theo Nhà Đẹp

>>Bài 1: Khắc phục góc khó theo phong thủy