Những yếu tố cho ngoại thất nhà ở hợp phong thủy

Cập nhật 16/10/2015 13:13

Phong thuỷ cho ngoại thất là một trong những thành phần quan trọng trong phong thuỷ nhà ở để mang lại sự thịnh vượng cũng như vẻ đẹp tổng thể cho ngôi nhà.

Phong thuỷ cho ngoại thất là một trong những thành phần quan trọng trong phong thuỷ nhà ở để mang lại sự thịnh vượng cũng như vẻ đẹp tổng thể cho ngôi nhà.


Khi xây hoặc mua nhà mới, gia chủ nên lựa chọn nhà có nền đất màu mỡ, bằng phẳng hoặc nền đất sau nhà cao hơn nền đất trước nhà - Ảnh minh họa.

1. Chọn màu sơn ngoài

Trước khi sơn, gia chủ nên xem xét hai đặc điểm liên quan đến màu sắc nhà để hợp phong thủy. Chọn màu sắc phù hợp và hài hòa với màu sắc xung quanh ngôi nhà như các khu nhà lân cận hoặc cảnh quan quanh nhà. Một ngôi nhà có ngoại thất hợp phong thủy khi có mối quan hệ cân bằng với các yếu tố bên ngoài.

2. Coi trọng việc thiết kế cửa chính

Cửa chính đóng vai trò thu hút các dòng năng lượng chính cho toàn ngôi nhà. Vì thế, khi xây dựng hoặc mua nhà, gia chủ nên coi trọng các yếu tố như chọn hướng cửa hợp với tuổi gia chủ và toàn bộ ngôi nhà; màu sắc và thiết kế của cửa phải hài hòa với kiến trúc toàn ngôi nhà; không để cây cảnh, lọ hoa héo tàn bên cửa.

Bạn cũng nên tránh các vật cản hoặc các vật dụng nứt vỡ chắn cửa; luôn tạo một không gian thoáng đãng; tay nắm cửa luôn giữ sạch sẽ, không han gỉ. Nếu đáp ứng đầy đủ yếu tố trên cho cửa chính thì ngôi nhà bạn sẽ có cơ hội hút những dòng năng lượng cực thịnh, bổ trợ cho các thành viên trong gia đình.

3. Thiết kế hợp phong thủy cho khu vườn

Một khu vườn hợp phong thủy sẽ bổ trợ thu hút nguồn năng lượng cho toàn ngôi nhà cũng như giúp các thành viên cảm thấy thư giãn, thoải mái. Trong thiết kế sân vườn, yếu tố kích thước không phải là tiêu chí chính. Bạn hoàn toàn có thể tạo cho ngôi nhà một khu vườn nhỏ xinh. Hãy chú ý đến hướng trang trí của vườn.

Chẳng hạn, ở hướng Đông Bắc của vườn (bổ trợ cho nguồn lực cá nhân), gia chủ nên thiết kế theo mô hình vườn Zen (vườn Nhật) với những tảng đá đẹp mắt. Ngoài ra, hướng vườn phía Đông Nam (bổ trợ tiền tài, thịnh vượng), Đông (sức khỏe, gia đình), bắc (nghề nghiệp và đường công danh) rất thích hợp cho các tạo hình thuộc yếu tố nước. Gia chủ cũng nên treo một chiếc chuông gió, lắp đặt đài phun nước… nhằm mang lại khung cảnh, âm thanh và sắc màu tươi mới, thanh bình cho đại gia đình.

4. Lựa chọn vị trí địa hình cho ngôi nhà

Khi xây cất hoặc mua nhà mới, gia chủ nên lựa chọn nhà sao cho nền đất màu mỡ, bằng phẳng hoặc nền đất sau nhà cao hơn so với nền đất trước nhà, cây cối xung quanh xanh tốt. Phía bên trái của ngôi nhà nên thấp hơn một chút so với bên phải để ngôi nhà có được nguồn hỗ trợ và thịnh vượng.

Ngoài ra, khu đất được xem là hợp phong thủy là khu đất hình vuông hoặc chữ nhật. Khu đất hình tam giác hoặc gồm nhiều mảnh nhỏ ghép lại rất kỵ trong phong thủy, bởi chúng khiến gia chủ tiêu hao tài sản. Một cái hồ hoặc ao được chăm sóc kỹ càng trước cửa nhà rất tuyệt vời trong phong thủy nhà ở.

5. Vị trí hợp phong thủy cho cây to trước nhà

Nhìn chung, ngôi nhà có cây to phía trước không phải lúc nào cũng đại kỵ trong phong thủy. Nếu khoảng cách giữa nhà và cây đủ rộng để tạo một không gian thoáng đãng, xanh mát cho cả nhà và cây là điều rất được khuyến khích.

Tuy nhiên, gia chủ cần chú ý đến hướng của cây so với ngôi nhà. Cây to ở phía bên trái nhà (nhìn từ trong nhà ra) được xem là rất tốt, bởi nó giúp cho ngôi nhà hút được nguồn năng lượng cực thịnh. Còn cây to nằm đối diện hay bên phải nhà sẽ khiến cho toàn ngôi nhà mất cân bằng năng lượng hoặc gây gián đoạn việc hấp thụ năng lượng và tạo ra nguồn khí tấn công cho nhà và các thành viên trong gia đình.

6. Vị trí cửa sổ

Trong phong thủy, cửa sổ được gọi là con mắt của ngôi nhà và nó liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của toàn bộ thành viên trong gia đình. Những thanh chắn bằng sắt thép bên ngoài cửa sổ là điều không tốt trong phong thủy nhà ở.

Tuy nhiên, vì lý do an ninh mà gia đình bạn vẫn phải lắp đặt thì hãy lưu ý những điểm sau để tăng cường dưỡng khí cho ngôi nhà. Ở bên trong nhà, hãy bố trí thanh chắn sao cho không khí và ánh sáng từ bên ngoài không bị ngăn trở, khuất lấp. Bên ngoài nhà, bạn có thể đặt những chậu hoa nhỏ hoặc cây cảnh để dung hòa năng lượng thô lạnh của các thanh kim loại.

7. Cổng nhà

Là nơi hàng ngày mọi người ra vào, trong phong thủy thì cổng là nơi đầu tiên đón nhận khí, năng lượng của thiên nhiên vào nhà, do vậy nếu cổng nhà được thiết kế hài hòa về bố cục và hướng cổng, màu sắc thì sẽ mang lại may mắn cho gia đình bạn.

Cổng cần phải hài hòa về hình thể với ngôi nhà, cổng to hay nhỏ tùy thuộc vào độ to nhỏ của nhà. Cổng nhà cần thiết kế tránh gấp khúc hay nghiêng lệch, dáng cổng nặng nề vì điều này có thể làm chiêu dụ các khí xấu xâm nhập vào.

Vị trí cổng mở không nên đối diện cửa chính vì quan niệm “sinh khí đi theo đường vòng, sát khí đi theo đường thẳng”, cổng không nên đối diện với cửa nhà khác hay đối diện với vật cản như cây hoặc cột điện… Không nên để dây leo quá rậm hay thép gai quấn ở cổng vì điều này gây cản trở cho khí vào nhà.

Ngoài ra trong phong thủy thì hướng cổng nhà cũng như màu sơn cổng cũng rất quan trọng, điều này phù thuộc vào bản mệnh của chủ nhà.

8. Ban công

Ban công là một phần cần thiết trong ngoại thất của ngôi nhà vì nó có tác dụng lấy ánh sáng, gió, giúp mở rộng không gian ra ngoài trời hay đơn giản là một kiểu tạo hình kiến trúc giúp ngôi nhà bạn trông đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng ban công cũng góp một phần quan trọng mang lại vượng khí nếu được thiết kế hợp phong thủy.

Lưu ý không nên thiết kế ban công với những hình răng cưa, sắc nhọn. Không trồng quá nhiều cây cao thấp rườm rà vì ban công sẽ bị chúng che lấp và gây cản trở lối đi vào.

Ban công không nên đối diện thẳng với hướng đường đi vì tiếng ồn, luồng khí hỗn độn sẽ hướng vào nhà gây xáo trộn khí trong nhà, làm suy giảm sức khỏe và mất đi vận khí tốt.

Ban công tránh đối xứng cửa vào, cửa bếp vì trong phong thủy đây là điều tối kỵ “xuyên tâm”, nếu không thay đổi được cấu trúc căn nhà bạn thì có thể dùng rèm che hoặc đặt tủ cá hay bình phong để hạn chế sự xuyên tâm này.

Bên cạnh đó, bạn nên tránh đặt hướng của ban công đối diện với các góc nhọn chĩa thẳng vào nhà vì góc nhọn hướng vào nhà sẽ gây bất lợi cho vận khí.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng