Phong thủy cho rằng vùng đất con người chọn làm nơi cư trú thường có cảnh quan núi sông bao quanh. Khí mạch của chúng rất quan trọng liên hệ mật thiết với họa - phúc của con người trên đó.
Căn nhà phía trước có chiều cao vừa phải, tương quan chủ khách cân xứng sẽ được phúc - Ảnh minh họa.
|
Nhà ở cần ở vị trí mát mẻ, có dương khí mới tốt, khô khan thì không nên. Một ngoại hình đẹp lý tưởng cho mảnh đất làm nhà là phải có núi cao ở hướng Đông (Thanh Long), có đồi thấp ở hướng Nam (Hồng phượng) và có cây to ở hướng Bắc (Hắc quy). Nhà ở được “nước” hướng vào là tốt, còn quay lưng lại là xấu. Ngoài ra, phong thủy còn cho rằng căn nhà có đặc điểm tốt phải có hình thể phân minh rõ ràng theo tứ linh “Long, Quy, Hổ, Phượng” biểu tượng “long” là tốt nhất và cũng là ưu tiên hàng đầu.
Nếu địa hình bên ngoài ngôi nhà ở khu vực phía Đông - Tây dù không hoàn chỉnh (không đủ các yếu tố thuận lợi) thì vẫn được coi là phù hợp. Trong khi đó, nếu ở phía Bắc - Nam, không hội đủ các yếu tố thuận lợi thì không nên chọn làm nhà ở. Phía Bắc nghiêng Đông mà không hoàn chỉnh cũng không tốt, phía Nam - Bắc dài, phía Đông - Tây hẹp thì tốt nhưng phía Đông, phía Tây dài, phía Nam, Bắc hẹp thì sẽ không tốt.
Nhà ở bốn phía nước chảy, đường sa giao nhau thì không tốt. Nhà ở mà trước cửa không có ao hồ thì nên làm thêm ao hồ hình bán nguyệt. Thế nhưng, nhà ở rất kỵ trường hợp có hai hay nhiều ao hồ, cây to trước cửa nhà cũng không tốt, không chỉ trở ngại ánh sáng lọt vào mà còn cản trở âm khí thoát đi. Khi làm nhà cũng nên tránh cửa chính nhìn thẳng vào góc nhà khác, cũng nên tránh cửa chính nhìn đối diện lối vào.
Trong phong thủy cho rằng “sinh khí đi theo đường cong, sát khi đi theo đường thẳng” nên nhà ở cạnh đình chùa, miếu, đền… đều không tốt vì “góc ao, đao đình”. Đặc biệt cần tránh các góc cạnh của đình chùa, của những nhà lân cận, hay góc ngọn của ao hồ.
Nhà nghiêng cửa vẹo mưa dột gió lùa, là thế nhà đau ốm. Nhà cửa tối tăm, quá rộng hoặc quá chật đều là thế nhà yêu quái. Nhà cửa nứt vỡ, vách tường sạt lở, đầu kèo hở hoác đó là thế đất đơn độc, khổ sở.
Dương trạch có nền móng vuông vắn, ngay ngắn, dễ xem phương hướng tốt. Nếu như quá cao, quá rộng, quá nhỏ hẹp hoặc méo vẹo, thò thụt, chắc chắn sẽ hao của mất người.
Nền đất quá cao, trước sâu sau lẹm, nước không tụ lại, lan man không tập trung, là thế nhà bần cùng. Nhà cao mà đất hẹp, tiền của và nhân đinh đều hao tổn. Nhà thấp mà đất rộng, trong vòng một đời sẽ giầu có.
Phòng ngủ và phòng khách cũng khác nhau. Phía trước phòng khách có thể để khoảng không rộng rãi, nhưng nếu không gian phía trước phòng ngủ quá rộng thì khí sẽ tản mát.
Với nhà ở thì giếng trời tượng trưng cho tài lộc. Căn nhà phía trước mặt sẽ là án sơn. Giếng trời có kích cỡ hợp lý sẽ tụ tài; căn nhà phía trước có chiều cao vừa phải, tương quan chủ khách cân xứng sẽ được phúc.
Sự cát hung của nhà ở đều dựa vào những điểm đó. Còn như đại sảnh phía ngoài cũng lại khác, giếng trời của đại sảnh là tiểu minh đường, mà tiền sảnh phía trong cổng là trung minh đường còn cổng là tầng án sơn thứ hai.
Khoảng không phía trước cổng là đại minh đường, còn triền sơn (sa núi phía trước nhà) là tầng án sơn thứ ba. Tiểu minh đường cần phải kín và tập trung, trung minh đường nên rộng rãi hơn, hình dáng nên vuông vắn. Đại minh đường cần rộng rãi, nhưng cũng không nên trống trải quá.
Sách xưa có viết “nhà hẹp người đông, tức người khắc nhà là cát; nhà rộng người ít tức là nhà lấn người, là hung”.
Lại viết “nhà cũ bị kẹp giữa hai bên là nhà mới xây thì tuyệt đối không nên ở vào đấy. Nhà mới xây lại kẹp giữa hai bên là nhà cũ là thế phú quý hiển hách. Nhà ở nửa cũ nửa mới là thế bần hàn.
Nhà ở mới mẻ khang trang là thế thịnh vượng muôn đời. Nhà cửa mối mọt, vì kèo mục ruỗng chủ về mắt mù tai điếc. Cột nhà không tiếp đất, chủ nhà vắn số. Xà nghiên cột lệch là thế thị phi, phản phúc. Cột nhà liền với đầu xà, ba năm một tang”.
Nền nhà kỵ nhất là tham rộng, dễ kiếm được chỗ nọ hụt chỗ kia. Sách xưa có viết “nền nhà Càn nếu khuyết ở phương Ly, chi thứ chắc chắn sẽ có con gái mù mắt. Nền nhà Khảm nếu khuyết ở phương Tốn, chi trưởng sẽ có nhiều người chết trẻ.
Nền nhà Chấn nếu khuyết ở phương Càn, chi trưởng chắc chắn có con mồ côi cha. Nền nhà Tốn nếu khuyết ở phương Chấn, chi trưởng ắt chết yểu không người nối dõi. Nền nhà Đoài nếu khuyết không đủ, các chi đứt tuyệt, một nhà không”.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng