Luồng giao thông trong nhà phố cao tầng chính là khu vực cầu thang – nơi kết nối giữa tầng dưới và các tầng trên ngôi nhà.
1. Lựa chọn kiểu thang
Có hai loại cầu thang chính được sử dụng là thang thẳng và thang tròn. Lựa chọn kiểu thang nào phụ thuộc vào vị trí và thế đất.
Thang thẳng được hiểu là kiểu thang một đợt, hai đợt hay ba đợt. Thang một đợt làm rộng diện tích sử dụng cho tầng trệt nhưng lại tốn diện tích cho các tầng trên vì phải tạo hành lang đi bên cạnh. Thang hai đợt diện tích chiếm đất ít nhất, nhưng các đợt dưới thường tối và bí. Thang ba đợt thông thoáng, giao thông tốt, kết hợp chiếu sáng nếu tum thang làm mái kính, mái nhựa trong, tốn diện tích nhất.
Ngược lại, thang tròn là kiểu cầu thang mà các bậc xoay quanh một trục. Nó giúp các gia chủ tiết kiệm diện tích, tiết kiệm không gian hơn thang thẳng, thích hợp với những ngôi nhà có diện tích hẹp. Thang tròn còn là một điểm nhấn tạo dáng đẹp cho công trình, nhưng bất lợi của loại thang này là khó đi và khó mang vác đồ đạc, hạn chế khi nhà có người già và trẻ nhỏ. Các KTS khuyên không nên sử dụng thang tròn cho những trần nhà quá cao, thường chỉ thích hợp với độ cao dưới 3 m, để đỡ có cảm giác chóng mặt khi đi lại.
2. Xác định tỉ lệ thiết kế (bậc thang, chiếu nghỉ)
Khi đã lựa chọn được kiểu cầu thang hợp lý, điều quan trọng là phải xác định được tỉ lệ hài hoà trong các bậc thang như chiều cao, độ rộng, độ dốc và chiếu nghỉ, lan can….để tạo sự thoải mái khi di chuyển.
Nếu là thang thẳng, mỗi đợt thang không nên nhiều hơn 16 bậc vì số bậc này là tương đối hợp lý, nhiều bậc quá sẽ gây mỏi mệt cho người đi. Đồng thời, bậc cầu thang được coi là lý tưởng khi đạt chỉ số chiều sâu từ 25 đến 30 cm, chiều cao bậc từ 17 đến 18 cm. Các bậc thang đó hình thành độ dốc toàn bộ cầu thang trong vòng 20-30 độ.
Với thang tròn các KTS khuyên không nên sử dụng thang tròn cho những trần nhà quá cao, thường chỉ thích hợp với độ cao dưới 3 m, để đỡ có cảm giác chóng mặt khi đi lại.
Chiếu nghỉ không có ở thang tròn mà chỉ có ở loại cầu thang thẳng, trong nhà phố đó là nơi tiếp nối giữa hai đợt thang (không giống như các công trình công cộng, chiếu nghỉ đặt ở khoảng giữa thang nếu một đợt thang quá dài). Chiếu nghỉ là nơi dừng chân nghỉ ngơi tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Độ rộng của chiếu nghỉ phù thuộc vào vế thang (chiều thang của cầu thang), thông thường phần chiếu nghỉ này được bố trí tiểu cảnh hoặc thiết kế cách điệu với những hộc tường bố tri đèn hoặc vật dụng trang trí.
Chiếu tới thông thường là hành lang, nơi bậc thang cuối cùng gặp sàn. Chiếu tới này nhất thiết phải có bề ngang dài bằng hai lần chiều rộng bản thang và không nên làm bậc. Chiếu tới rộng rãi làm sảnh đón của tầng, có thể đặt đôi ba ghế ngồi chơi. Đây có thể là không gian thư giãn chung cho cả tầng, nếu kết hợp với giếng trời thông thoáng.
3. Lựa chọn chất liệu
Nhà phố hiện nay sử dụng phổ biến nhất là thang bằng bê tông cốt thép, chia bậc bằng gạch. Sau đó có thể hoàn thiện bằng nhiều loại vật liệu hiện đại như mặt gỗ, đá, granito. Tay vịn bằng gỗ hoặc inox, sắt. Cũng có nhiều gia đình kết hợp vẻ sáng bóng của inox với đá hoặc gỗ tao nên vẻ đẹp hiện đại, thanh thoát.
Cầu thang gỗ chỉ sử dụng ở những ngôi nhà rộng theo phong cách cổ điển truyền thống. Mặt bậc, cổ bậc được ghép mộng, kín khít mà không cần dùng đến một chiếc đinh nào. Góc thang hẹp, từng bậc thang lượn theo chiếu nghỉ rất mềm mại và linh hoạt, hơn hẳn các loại thang bê tông cốt thép
4. Đảm bảo tính thẩm mỹ
Cầu thang là một yếu tố cấu thành ngôi nhà, vì thế không chỉ cần đảm bảo về kết cấu, vững chãi và an toàn thì nó cũng là điểm nhấn trang trí cho không gian nhà ở, đặc biệt là phòng khách.
Trong những ngôi nhà nhỏ, người ta tìm cách tận dụng không gian trống dưới gầm thang tầng 1 cho việc chứa đồ. Hệ thống tủ kệ nhiều ngăn, cánh cửa mở hoặc đẩy ngang, tạo ra hình khối đẹp cho cầu thang. Nhà rộng, gầm cầu thang có thể chỉ dùng cho mục đích trang trí với các tiểu cảnh như sỏi cuội, cây cảnh...
(KTS. Nguyễn Sỹ Triệu - Công ty Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Trang Kim )
DiaOcOnline.vn