Sự hợp lý trong nhà bếp

Cập nhật 23/03/2010 15:30

Một gian bếp không phải cứ thật to rộng mới là tốt, không phải cứ có thật nhiều dụng cụ làm bếp sang trọng, đắt tiền là tốt mà người nội trợ phải biết cách sắp xếp sao khu bếp của mình thật hợp lý...

Ngay từ những ngày xa xưa, khi xây dựng một ngôi nhà thì việc đầu tiên người ta phải nghĩ đến là chọn một vị trí đặt để bếp bởi chính nhà bếp là nơi luôn giữ ngọn lửa hồng sưởi ấm hạnh phúc cho cả gia đình và tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nhà mà chủ nhà cho xây dựng bếp to hay nhỏ.

Ngày nay cũng vậy, bếp vẫn luôn là nơi được mọi người chú ý nhất. Tuy nhiên, một gian bếp không phải cứ thật to rộng mới là tốt, không phải cứ có thật nhiều dụng cụ làm bếp sang trọng, đắt tiền là tốt mà người nội trợ phải biết cách sắp xếp sao khu bếp của mình thật hợp lý, thật thông minh nếu không, đến một lúc nào đó, chính sự to rộng của bếp, chính sự hiện đại của những dụng cụ làm bếp đó sẽ khiến bạn quay cuồng và gặp nhiều phiền phúc đấy. Kỳ này, DiaOcOnline.vn sẽ chỉ ra cho bạn vài mẹo để biến khu bếp nhà bạn dù nhỏ nhắn nhưng vẫn thoải mái và tiện lợi.

1. Hệ thống tủ treo

 

Bạn nên thiết kế một hệ thống tủ treo tiện lợi trong bếp nhằm giảm diện tích sàn bị chiếm dụng làm chỗ để vô số các vật dụng làm bếp của bạn. Nhưng bạn cần chú ý, bếp là nơi nấu nướng nên dầu mỡ, khói bụi thức ăn sẽ bay lên bám vào các vật dụng xung quanh nên đừng quá tham lam là thiết kế hệ thống tủ tường dày, to và các ngăn tủ không nên làm bằng kính mà chỉ cần nhỏ gọn, vừa và thoáng. Tốt nhất là bạn phải chia thành 2 nơi: bếp treo và bếp đựng để cất giữ dụng cụ, chén bát, nồi niêu...

2. Độ cao từ sàn đến trần nhà

 

Trong những khu chung cư, vì diện tích xây dựng bị gò bó nên các nhà trong chung cư thường có trần nhà thấp hơn những ngôi nhà riêng lẻ khác. Chính điều này khiến cho những căn bếp ở chung cư thường ngột ngạt, nóng nực và đó quả là một cực hình cho những gia đình có nhiều người cùng chung sống trong một căn hộ.

Theo các nghiên cứu thì độ cao từ sàn nhà lên trần tốt nhất phải trên 3m là tối thiểu. Bếp là nơi thường xuyên đỏ lửa, nên mùi khói lửa cũng như mùi thức ăn khi nấu nướng cần phải có chỗ thoát ra nếu không nó sẽ bám lại vào các vật dụng khác trong nhà, lâu ngày ra gây mùi hôi khó chịu. Tốt nhất, ngoài độ cao cần thiết đó, cần có thêm một cửa sổ thông gió để không khí trong bếp luôn được lưu thông, trao đổi, giúp bếp thoáng hơn.

Nếu trần nhà của bạn hiện nay quá thấp thì hệ thống hút khử mùi tốt là một giải pháp tối ưu mà bạn nên áp dụng.

3. Bàn ăn

 

Một chiếc bàn ăn vừa phải chỉ cần đảm bảo đủ chỗ cho các thành viên trong gia đình là rất tốt, đủ để tạo không khí đầm ấm cho mọi người. Không nên chọn bàn ăn quá rộng, nó sẽ khiến mọi người ngồi xung quanh thấy trống trải và làm chật gian bếp của bạn. Nhưng cũng không nên chọn bàn ăn quá nhỏ sẽ làm mất đi sự ngọn miệng của mọi người khi chỗ ngồi quá chật chội.

4. Không nhất thiết phải có đảo bếp

 

Đảo bếp là một khu vực ở ngay chính giữa bếp, có thể dùng làm bàn ăn hay bàn pha chế, chế biến thức ăn...Thường thì hệ thống bàn bếp chữ L hay chữ I của các kiến trúc sư hiện nay hay kèm theo thiết kế đảo bếp, tuy nhiên, nếu diện tích bếp của bạn không được rộng rãi, thông thoáng lắm thì không nhất thiết phải làm đảo bếp theo đúng bản vẽ. Bạn cần lưu ý rằng khoảng cách từ bếp qua đảo phải chừng khoảng 1,5m thì mới có lối lưu thông thoáng cho mọi người khi tất cả thành viên của gia đình quân quần trong bếp cùng một lúc.

5. Bồn rửa

 

Để tiết kiệm diện tích và chi phí, người ta thường thiết kế chỉ có một bồn rửa trong bếp dùng để ừa rửa chén, vừa rửa thịt cá, vừa rửa rau củ... Tuy nhiên, cách này vừa không đảm bảo vệ sinh vừa gây không ít khó khăn trong việc thao tác. Bạn nên thiết kế 2 bồn rửa iêng biệt để đảm bảo dầu mỡ từ chén bát bẩn và vi khuẩn từ thịt cá tươi sống không bám dính vào rau củ sạch.

DiaOcOnline.vn - Ảnh: Internet