Ngày còn bé, tôi nhớ có lần được ông nội dẫn tới nhà một người bạn. Ngôi nhà đó quả là ấn tượng với tôi, cho tới tận bây giờ. Tôi thích nó, bởi ngôi nhà rất lớn, có những lớp mái ngói vàng đỏ, những trang trí cầu kì, khuôn viên vườn rộng với đường dạo, hàng rào rất đẹp. Mọi thứ đều xa hoa và lạ lẫm. Trong con mắt của một đứa bé, chỉ nhìn qua bề ngoài thôi là thấy nhà ông bạn của ông tôi rất giàu có và có địa vị trong xã hội.
Như vậy, nói mặt tiền là bộ mặt, hay chiếc áo khoác ngoài nói lên tính cách, địa vị của gia chủ đâu có sai? Đâu cần đặt chân vào trong ngôi nhà, mặt tiền chính là tiêu chí để đánh giá khách quan về tổng thể ngôi nhà. Dù trang trí theo phong cách nào đi nữa, thì nó cũng thể hiện rất nhiều về bên trong và gia chủ.
Sự cân đối, hài hòa từ ngoại thất mang phong cách cổ điển
Không khó để nhận ra ngôi nhà được thiết kế và décor theo phong cách nào. Điều quan trọng là, từ phong cách đó cho ta cảm nhận như thế nào? Phong cách cổ điển, đặc biệt ở Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều từ phong cách kiến trúc Pháp cổ, thường tạo ra cảm giác dễ chịu, hài hòa. Từ các chi tiết đều toát lên sự công phu, cầu kì và phong phú. Chỉ nhìn thoáng, là có thể nhận ra các chi tiết, trang trí cân đối tới mức hài hòa, hợp với tâm lí chung của người Việt, dễ tạo được thiện cảm.
Màu sắc của ngôi nhà theo phong cách cổ điển được tạo nên từ màu của vôi, màu cửa (với gam màu chủ đạo là trắng, ghi xanh, xanh lá cây), màu đỏ của ngói mái dốc nồng ấm, màu của đá ốp (đá chẻ, đá phiến tự nhiên). Với tường, thường được sơn màu trắng ánh sữa. Hiếm khi người ta sử dụng màu trắng, ngoài việc dùng cho gờ tường. Mang đậm phong cách Á Đông, màu vàng, vàng đất cũng được sử dụng nhiều. Nâu đỏ là gam màu chỉ được sử dụng để làm điểm nhấn, dùng ở chân tường, vạch lõm.
Nói về vật liệu cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu được lấy từ thiên nhiên, như gỗ, ngói, gạch, vữa, vv… , trang trí phong phú và cầu kì với các chi tiết như lan can, kết cấu mái sảnh, đắp vữa, kẻ mạch, vv… Những người đi tìm phong cách cổ điển cho mặt tiền thường là những người yêu nét văn hóa cổ xưa, yêu nét đẹp tỉ mỉ, sự hài hòa. Một phần khác là do, cổ điển thường tạo ra cái nhìn quyền quý, giàu có cho gia đình. Tại sao lại như vậy? Bởi chi phí để thiết kế theo phong cách cổ điển không dành cho gia đình có ngân sách hạn hẹp, mà đòi hỏi phải đầu tư khá tốn kém. Trước hết là diện tích phải rộng, diện tích nhà vào khoảng 100 – 200m2, khuôn viên vườn lớn. Chính bởi vậy, phong cách này chỉ giới hạn và thích hợp cho một số người.
Nét tương phản mạnh mẽ của mặt tiền mang ngôn ngữ hiện đại
Nếu ví phong cách cổ điển được xem như một nét duyên thầm của ngôi nhà, thì hiện đại lại mang đến sự phô diễn.
Trong cách xử lí không gian và vật liệu, phong cách hiện đại tạo ra sự tương phản mạnh mẽ (đặc – rỗng). Màu sắc của ngoại thất thường được tạo thành từ những gam màu trung tính sáng phong phú như: kem, ghi, trắng, vv… Nói tới hiện đại, người ta hình dung ra những hình khối, những đường nét rõ ràng, sắc nét và khỏe khoắn.
Không thể bỏ qua vai trò của thép, đặc biệt là kính trong việc sử dụng vật liệu. Kính ở cửa sổ, cửa chính, vách kính lớn cho cái nhìn bao quát và tầm view đẹp mắt – tất cả tạo ra tương phản giữa đặc và rỗng, cảm nhận sự gọn gang, mạnh mẽ. Sử dụng đa số những vật liệu hiện đại, kết cấu mái bằng. Phong cách hiện đại là giải pháp cho nhà hẹp, giúp cảm giác rộng và thoáng hơn. Đây vẫn là xu hướng được ưa chuộng, đặc biệt đối với giới trẻ. Khi thiết kế theo kiểu này, bạn phải định hình xem mình sẽ sử dụng bao nhiêu chi tiết? Điều đó còn lệ thuộc vào diện tích ngôi nhà. Nhà càng bé, thì càng phải chắt lọc và tối giản về chi tiết.
Giao thoa giữa 2 phong cách
Dù “hiện hình” ở bộ mặt nào đi nữa, để có tình cảm lâu dài, phải có những chi tiết duyên dáng. Có thể bạn sẽ thấy nhàm chán với phong cách hiện đại, khi quá ít chi tiết, tạo ra cho chúng ta cảm giác khô và lạnh, thiếu sức hút. Nếu phong cách cổ điển mà quá nhiều chi tiết cầu kì, chạm trổ thì sẽ gây rối ren, đặc biệt là khi không gian quá hẹp. Với một không gian vừa phải, để có sự hài hòa, ấm cúng mà không quá diêm dúa, không mất diện tích, và tốn chi phí, bạn có thể chắt lọc để kết hợp giữa 2 phong cách. Vừa phô diễn được cái đẹp ngay từ ngoài ngôi nhà, vừa “hứa hẹn” nét duyên thầm bên trong khi khám phá ngôi nhà.
Nhà mái dốc theo phong cách mới phù hợp với cuộc sống hiện đại và rất được ưa chuộng. Ví dụ điển hình đó là làng Việt kiều Châu Âu, sử dụng hầu hết hình thức mái bê tông dán ngói, khung bê tông kết hợp kèo thép, hoặc kèo gỗ.
Mặt tiền chính là tiêu chí để đánh giá khách quan về tổng thể ngôi nhà.
Màu đỏ nồng ấm của mái dốc, màu ghi vững chắc của đá ốp chân tường và hình khối khỏe khoắn nói lên một phần cá tính của gia chủ: coi trọng sự quy tụ của gia đình, phóng khoáng nhưng cũng rất giản dị.
Vật liệu theo ngôn ngữ mộc mạc tự nhiên của gạch trần nâu đỏ, mái dốc ghi xám, kết hợp với các chi tiết trang trí như ống khói, ô thoáng giếng trời.
Màu sắc ngoại thất hiện đại với gam màu trung tính, hình khối khỏe khoắn,các ô cửa dùng kính lớn tạo view nhìn thoáng từ bên trong ra ngoại thất.
Ngoại thất theo phong cách kiến trúc Pháp tân cổ điển với chi tiết trang trí cân đối và lãng mạn thường tạo cảm giác dễ chịu, hài hòa. (KTS Nguyễn Văn Phúc - Công ty ASPACE)
DiaOcOnline.vn