Khi sắm đồ nhà bếp

Cập nhật 31/08/2007 10:30

Có lần, một người quen nhờ tôi đưa ra showroom chọn đồ nhà bếp cho căn hộ mới của anh. Đây là tình huống coi như có sẵn một không gian bếp đã định hình...

Có lần, một người quen nhờ tôi đưa ra showroom chọn đồ nhà bếp cho căn hộ mới của anh. Đây là tình huống coi như có sẵn một không gian bếp đã định hình. Vấn đề là đưa đồ gì về đặt vào bếp.

Đến nơi, bạn tôi xem kệ, tủ rồi mới đến các thiết bị. Săm soi một hồi với cái máy  xay rác giá hơn 3 triệu đồng và nghe người bán giới thiệu, bạn tôi bảo: “dứt khoát tôi sẽ mua cái này. Tiện thật. Bao nhiêu rác bỏ vào đây, bấm nút cái là xong. Chỉ có mấy triệu bạc, ăn vài bữa cũng hết. Chẳng tội gì ngày nào cũng phải mất công bỏ rác vào bịch xách ra cửa”. Nhưng vòng tới vòng lui một hồi, bạn tôi lại bảo: “Thôi, không mua nữa. Chẳng tội gì tốn đến mấy triệu bạc. Mỗi ngày chịu khó gom một tý  rác từ trong nhà ra tới cửa như đi tập thể dục, có mất gì đâu mà ngại”.

Quay sang tôi, người bạn nói: “Tôi hay thay đổi như vậy đó. Anh thấy tôi vô lý không”? Tôi bảo rằng bạn không vô lý chút nào cả, mua cũng có lý mà không mua cũng có lý. Bởi lý của bạn tôi là lý của khách hàng. Mà khách hàng thì luôn luôn… có lý! Khi đi mua sắm, đừng nên đánh mất cái lý của mình mà chỉ nên xác định nó thật chính xác là được.

Không gian phụ trở thành chính



Đủ điều kiện dọn ra một bữa
ăn ngon là yêu cầu chính của bếp
trong căn nhà hiện đại ngày nay.

Trong quá khứ xa xưa, bếp từng bị "đẩy" ra xa khỏi khu vực sinh họat gia đình. Vì sao? Vì bếp là nơi nấu nướng, làm việc của bà nội trợ. Quá trình đó sinh ra ô nhiễm và chất thải. Một thời gian dài, kỹ thuật không thể giải quyết được vấn đề của nhiên liệu nấu như rơm rạ, củi, than, dầu… Song hiện nay, kỹ thuật đã góp phần giải quyết nạn ô nhiễm khói, mùi và chất thải. Với chất đốt là gas, với năng lượng điện, người ta có thể kéo bếp về chung không gian sinh họat trong gia đình.

Cuộc sống hiện đại, thời gian càng ít, bếp thực tế là nơi các thành viên trong gia đình gặp nhau mỗi ngày sau giờ làm việc.  Vì vậy, hiện nay, bếp chính là nơi có tần suất sử dụng cao nhất trong nhà, là nơi các thành viên trong gia đình thường gặp gỡ nhau nhiều nhất. Bếp đã trở thành không gian sống chính trong nhà. Mua sắm cho một căn bếp vì vậy có rất nhiều việc "bếp núc". Bếp cũng chính là nơi dung hòa, phối hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Bếp là nơi "chung sống" giữa đồ nội thất và các thiết bị kỹ thuật chuyên dùng.

Việc mua sắm, trang bị, thiết kế một gian bếp vì vậy có ý nghĩa quan trọng với một căn hộ, một ngôi nhà. Chi phí cho bếp và phòng ăn luôn là một khoản không thể thiếu trong việc mua sắm cho một căn nhà hay căn hộ.

Những yếu tố hài lòng cho một căn bếp



Chậu rửa, một thiết bị quan trọng
của gian bếp.

Còn chi phí đó lên đến bao nhiêu tiền lại phụ thuộc vào quan điểm, khả năng của mỗi chủ nhân.

Tôi đã từng thiết kế những “menu” tiền cho một căn bếp khá cao cấp với chi phí từ 10.000 đến 14.000 USD. Nhưng cũng có cái bếp cực kỳ mộc mạc, giản dị với tiện nghi tối thiểu, chỉ cần 15 đến 16 triệu đồng (cỡ 1.000 USD) là mua sắm đủ. Điều quan trọng trong cả hai trường hợp là chủ nhân nào cũng hài lòng.

Yếu tố hài lòng đầu tiên là việc mua sắm đủ đáp ứng nhu cầu của căn bếp. Một căn bếp dù rộng dù hẹp phải đáp ứng không gian và kỹ thuật, dụng cụ cho nhu cầu làm bếp căn bản gồm những bước: có kho (tủ lạnh) chứa đồ và thực phẩm - chế biến - rửa - pha chế - nấu - đưa ra bàn ăn.

Yếu tố hài lòng thứ hai là xử lý được khói, mùi, chất thải cho gọn gàng, vệ sinh.

Yếu tố thứ ba là không gian bếp được tổ chức tốt, hợp lý cho việc nấu nướng và tổ chức bữa ăn gia đình. Không gian nội thất có thể đẹp hay xấu tùy con mắt của từng người nhưng điều căn bản là nó hợp với “gu” của chủ nhân và gia đình là được.



Thiết bị kỹ thuật làm cho bếp sạch
và hiện đại hơn.


Nếu bếp kết hợp phòng ăn thì điều hài lòng cao nhất của chủ nhà là một không khí ấm cúng, thân mật mà nó mang lại cho gia đình. Khi đó, bạn có thể tự hào giới thiệu bếp - phòng ăn của mình với khách và coi đó là một phần sang trọng của ngôi nhà.

Trở lại với chuyện “bếp núc” khi mua sắm bếp, hiển nhiên, trong căn bếp, kệ là vật dụng lớn và “quan trọng” nhất. Người ta thường chia kệ bếp thành từng mô đun với các công dụng khác nhau để tạo thành một dãy kệ bếp liên hoàn. Thoạt tưởng việc sắp xếp mô đun đó là ngẫu hứng, thực ra không hoàn toàn như vậy. Theo một tài liệu tính toán trong giảng dạy của chúng tôi, nếu bố trí không hợp lý, một bà nội trợ khi lo ba bữa cơm cho gia đình trong một ngày có thể phải đi quãng đường tương đương 5 cây số. Theo tôi, trong bếp có môt tam giác rất quan trọng với ba đỉnh của tam giác là bếp (lò) nấu, chậu rửa và tủ lạnh.

Có thể chia tất cả những gì cần thiết cho một căn bếp thành ba nhóm chính: đồ nội thất nhà bếp; thiết bị sử dụng; dụng cụ nhà bếp (hướng dẫn bên dưới).

Các bước để tiến hành mua sắm là lên một danh sách cần thiết, căn cứ vào nhu cầu của mình để định ra số lượng, căn cứ vào khả năng tài chính để lựa chọn một mức giá “có thể chốt” kinh phí. Nhớ dự phòng kinh phí cho những ý định mới có thể phát sinh.

Chuẩn bị các việc đó xong rồi mới đến các cửa hàng, siêu thị để chọn đồ. Đó lại là nơi có muôn vàn mẫu, kiểu với những trang thiết bị có tác dụng khác nhau. Vì vậy, có lẽ thú vị hơn là cùng kiến trúc sư đi chợ ta sẽ phân tích, chọn lựa những thứ hàng cần thiết và phù hợp cho mình. Số sau, kiến trúc sư sẽ cùng với bạn đi sâu vào những món đồ cụ thể.





      Không gian bếp là nơi dung hoà giữa kỹ thuật và nghệ thuật.






     Dụng cụ bếp cũng đóng vai trò trang trí.



* Vật dụng cần thiết cho nhà bếp:

 Nội thất nhà bếp:

  - Kệ, tủ chứa, bàn ăn, ghế, quầy bar, đèn, tranh, thiết bị điện, thiết bị nghe nhìn và các vật dụng trang trí,…

 Thiết bị sử dụng

  - Chậu rửa, vòi nước, máy bơm, máy hút khói, khử mùi, bếp gas, lò nướng, tủ lạnh, máy nấu nước nóng, máy xay sinh tố, máy ép trái cây, bình gas, bếp điện…

Dụng cụ nhà bếp

  - Chén, đĩa, dao, ly, tách, nồi, xoong, chảo, thìa, nĩa…

Theo Sài Gòn Tiếp Thị