Cầu đi bộ bằng gỗ lim trên sông Hương trước ngày khánh thành

Cập nhật 18/10/2018 09:14

Đường đi bộ trên mặt sông Hương (TP Huế) đang trong giai đoạn lắp đặt trang trí bồn hoa, cây cảnh. Nhiều người sớm tìm đến vui chơi dù chưa hoàn thiện.

Đường đi bộ trên mặt sông Hương (TP Huế) đang trong giai đoạn lắp đặt trang trí bồn hoa, cây cảnh. Nhiều người sớm tìm đến vui chơi dù chưa hoàn thiện.

Cầu đi bộ trên sông Hương ở thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) đang trong giai đoạn hoàn thiện các khâu cuối cùng.
 
Công trình được khởi công từ đầu năm 2018, nằm trong dự án xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương do Tổ chức KOICA (Hàn Quốc) tài trợ không hoàn lại 100%.
 
Cầu dài 400 m, rộng 4 m, tổng diện tích 2.443 m2, đang thu hút sự chú ý của nhiều du khách, người địa phương.
 
Kết cấu cầu làm từ bê tông cốt thép, sàn lát đoạn đường từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân được lát bằng gỗ lim, tổng kinh phí hơn 64 tỷ đồng (lát sàn gỗ là hơn 42 tỷ đồng).
 
Lan can hai bên cầu làm bằng đồng với 4.100 thanh. Đây là dự án thí điểm của dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ với kinh phí 6 triệu USD (139.8 tỷ đồng), thực hiện trên tổng chiều dài dự kiến 16 km hai bờ sông Hương.
 
Công nhân lắp đặt các bồn hoa, ghế ngồi, cây cảnh cho tuyến đường độc đáo. Số gỗ lim dùng để lát sàn cầu đi bộ khoảng 120 m3 (khoảng 16.000 thanh, mỗi thanh rộng 15 cm và dày 5 cm) và 30 m3 dùng cho các hạng mục phụ trợ như ghế ngồi, chậu hoa, tay vịn.
 
Nhiều du khách đặc biệt là giới trẻ sớm tìm đến vui chơi dù chưa được phép.
 
Dự kiến, cuối tháng 10, cầu đi bộ này sẽ được bàn giao cho tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý. Chính quyền TP Huế dự kiến sẽ khánh thành công trình này cùng lúc với tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc sông Hương đang thi công trước lễ Noel.
 
Vị trí đường đi bộ dọc sông Hương. Ảnh: Google Maps.
 
Ông Văn Viết Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên - Huế, cho biết trong quá trình thi công cầu đường đi bộ lát gỗ lim, đơn vị nhận thấy vào mùa lũ lụt thì rều rác có thể bám vào lan can cầu và hệ thông điện ngập trong nước. Theo ông Thành những vấn đề trên đã được các nhà thiết kế nghiên cứu, giải quyết.

“Khi có lũ về, chúng tôi sẽ cử người gỡ rều rác bám vào thành cầu. Riêng hệ thống đèn điện lấy theo tiêu chuẩn YP67, thường dùng trong các hồ bơi, có thể chịu ngập thường xuyên”, ông Thành nói.

Giải thích về những vết nứt xuất hiện trong quá trình lát gỗ lim, ông Thành cho hay những đoạn bị gỗ bị nứt 2 đầu được đơn vị thi công cắt bỏ trước khi lát. Những thanh gỗ có dấu hiệu nứt lớn thì thải loại. “Trên đường đi bộ, hiện tượng gỗ bị vết nứt lớn không còn nữa, tuy nhiên những vết rạn chân chim thì do tính chất cơ lý của gỗ để ngoài trời nên phải chấp nhận”, ông Thành cho hay.


Diaoconline.vn – Theo Zing.vn