Căn phòng cho bé yêu

Cập nhật 19/08/2014 10:30

Ba-sáu tuổi là giai đoạn quan trọng trong sự hình thành và phát triển tâm lý ở trẻ nhỏ. Trong giai đoạn này, các bé cần có không gian riêng để sinh hoạt, vui chơi và khám phá thế giới xung quanh.

Ba-sáu tuổi là giai đoạn quan trọng trong sự hình thành và phát triển tâm lý ở trẻ nhỏ. Trong giai đoạn này, các bé cần có không gian riêng để sinh hoạt, vui chơi và khám phá thế giới xung quanh.

Một căn phòng riêng sẽ đáp ứng được nhu cầu của bé, giúp bé rèn luyện tính tự lập và hình thành những kỹ năng cần thiết, tạo tiền đề cho sự phát triển tốt hơn ở những giai đoạn tiếp theo. Tất nhiên từ ba-sáu tuổi, trẻ vẫn cần đến sự quan tâm, chăm sóc của người lớn. Làm thế nào để xây dựng cho bé một căn phòng riêng vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo môi trường giúp bé phát triển? Dưới đây là một số lời khuyên của hai kiến trúc sư Trần Anh Sinh và Lê Văn Thìn (Công ty TNHH Long Thịnh):

Diện tích: Một căn phòng dành cho trẻ trước tiên cần có diện tích phù hợp, không nên quá rộng vì trẻ sẽ không sử dụng hết không gian, nhưng cũng không nên quá hẹp gây tù túng cho trẻ. Diện tích 8-10m2, chiều cao tầm 3m là lựa chọn thích hợp nhất. Căn phòng cần được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà hoặc nằm trong phạm vi kiểm soát của mọi thành viên trong gia đình.


Cửa phòng: Phụ huynh có thể sử dụng các loại cửa làm bằng chất liệu kính mica trong suốt để thuận lợi quan sát hoạt động của trẻ. Không nên lắp chốt cửa hoặc khóa trong mà nên thay bằng chốt ngoài để giúp đỡ trẻ khi cần thiết.

Màu sắc: Không gian bên trong phòng chủ yếu được trang trí theo sở thích của trẻ. Có một vài gợi ý cho các bậc cha mẹ trong việc giúp con hoàn thiện không gian riêng. Nên giúp con lựa chọn những màu vui tươi như xanh, hồng, vàng… Tránh sử dụng những gam màu trầm, tối như tím, nâu, xám… Nếu trẻ thích màu trầm, chỉ nên dùng để tạo một vài điểm nhấn trên tường. Vì những gam màu tối sẽ tác động không tốt đến tâm trạng của trẻ. Bố mẹ cũng có thể thay thế sơn bằng giấy dán tường có in hoa văn hoặc những nhân vật hoạt hình mà trẻ yêu thích.


Trang trí: Phụ huynh có thể treo một số tranh ảnh các con vật ngộ nghĩnh, hài hước kết hợp với tranh các loài cỏ cây hoa lá đáng yêu hoặc hình ảnh của trẻ và gia đình. Một phần không thể thiếu trong phòng trẻ là đồ chơi. Bố mẹ cần chọn một góc để đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ, không để những đồ chơi mang tính bạo lực. Đồ chơi được sắp gọn gàng trên kệ tủ hoặc trong giỏ, hộp vừa tạo không gian ngăn nắp, vừa giúp trang trí cho căn phòng thêm sinh động, vui nhộn.

Nội thất: Trong phòng trẻ cần tránh những vật dụng sắc nhọn, dễ vỡ, dễ bị hóc... Bố mẹ có thể lựa chọn giường tầng, giường kết hợp ngăn tủ, giường đơn giản, giường có bánh xe tiện di chuyển… sao cho phù hợp nhất với trẻ và diện tích của căn phòng. Đối với các hộ gia đình có phòng nhỏ, chật, tốt nhất nên sử dụng đồ nội thất nhiều chức năng để tiết kiệm không gian.


Góc học tập: Nên kê gần ngay cửa sổ để bảo đảm sức khỏe cho đôi mắt. Chọn loại màn treo cửa tối màu hoặc những loại vải chất liệu dày để điều tiết ánh sáng giúp bé ngủ ngày sâu giấc. Quạt treo tường, ổ cắm điện (nếu có) phải được bố trí riêng với công tắc đèn và đặt cao trên tầm với của trẻ để đảm bảo an toàn.

Trước khi quyết định thiết kế phòng cho bé, phụ huynh cần lắng nghe ý kiến, trao đổi cùng bé, đồng thời góp ý, giúp đỡ bé trong việc phối màu, sắp xếp nội thất. Điều đó mang lại cho bé một không gian ưng ý nhất, vừa bảo đảm an toàn và sức khỏe, vừa phù hợp với sở thích cá nhân. Bên cạnh đó, phụ huynh nên tập cho trẻ tự dọn dẹp và làm vệ sinh căn phòng của mình, dạy trẻ tính ngăn nắp và biết giữ gìn vật dụng trong phòng. Như vậy, căn phòng mới thật sự trở thành không gian hữu ích.


DiaOcOnline.vn - Theo Phụ Nữ