Ấn tượng nhà ống

Cập nhật 07/07/2011 10:55

Nhà ống là loại hình kiến trúc tiêu biểu của đô thị Việt Nam với diện tích trung bình 50m2 trở lên, để không bị dập khuôn theo những hình thái thiết kế kiến trúc cũ các gia chủ thường tìm đến KTS nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản trong nhà ở ...

Nhà ống là loại hình kiến trúc tiêu biểu của đô thị Việt Nam với diện tích trung bình 50m2 trở lên, để không bị dập khuôn theo những hình thái thiết kế kiến trúc cũ các gia chủ thường tìm đến KTS nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản trong nhà ở như hình dáng kiến trúc – công năng – phong thuỷ - thẩm mỹ và đặc biệt sao cho ngôi nhà có một vẻ đẹp rất riêng mà không bị coi là “lập dị” so với khu vực sống.

Có nhiều hướng giải quyết được đưa ra từ trước tới nay, rất đa dạng vì kiến trúc thiên về sự sáng tạo, thoả sức vẫy vùng nhưng có những nguyên tắc nhất định là kết cấu vững vàng, phù hợp công năng, hài hoà về mặt phong thuỷ. Cái hay của người thiết kế là có thể lựa theo thế đất để đáp ứng những yêu cầu của gia chủ về mọi phương diện từ kiểu dáng kiến trúc, sở thích, công năng sử dụng cho tới yêu cầu thẩm mỹ.

Không ít trường hợp KTS lại là kim chỉ nam giúp gia chủ định hình phong cách, phân chia các không gian chức năng hợp lý. Kết quả cuối cùng là một sản phẩm kiến trúc như ý, thích hợp với thói quen sử dụng của gia đình, bước vào nhà các vị khách có thể cảm nhận được cuộc sống đầm ấm vui vẻ, hoặc là sự sang trọng tiện nghi, hoặc là sự tươi trẻ, năng động….mục đích duy nhất là giúp cho các thành viên trong gia đình luôn cảm thấy thoải mái, tìm thấy sự bình yên và tự hào về chính ngôi nhà của mình.


 Hầu hết các gia chủ hiện nay thích đi theo phong cách hiện đại và trên thực tế những mẫu nhà phố hiện đại luôn mang lại cho con người nhiều cảm nhận thú vị, dễ gây ấn tượng với người nhìn mà không cần quá cầu kỳ về hình khối, đường nét hoặc xa hoa về nội thất. Nếu so sánh giữa hai phong cách kiến trúc cổ điển và hiện đại thì điều dễ nhận thấy là phong cách cổ điển muốn tạo được ấn tượng phải có sự đầu tư kỹ lưỡng từ hình dáng kiến trúc đến cách lựa chọn và bố trí nội thất hoặc các chi tiết trạm trổ, hoa văn tinh tế; trong khi đó phong cách hiện đại không cần cầu kỳ, không cần nhiều chi tiết mà tiêu chí hàng đầu là tạo được cảm giác thoải mái cho người sử dụng, đơn giản mà đẹp.


Thiết kế nhà ống quan trọng nhất là khoảng giếng trời vì đây không chỉ là nơi thông gió, bổ sung ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà mà còn là điểm bài trí tiểu cảnh hợp lý nhất. Gia đình có thể mất một ít diện tích dùng cho nhu cầu ở trong nhà, nhưng bù lại sẽ nhận lại nhiều cái “được” cho không gian sống của mình.

Trong những căn nhà có diện tích nhỏ hẹp hoặc những căn hộ dạng lửng, những khoảng thông tầng sẽ tạo cảm giác cao rộng hơn... Đối với nhà ống có chiều dài bằng hoặc hơn 20m, nhiều KTS cũng khuyến khích phải chừa hai thậm chí đến ba khoảng thông tầng. Mỗi không gian thông tầng này có tác dụng như những giếng trời và được phân bố đều từ trước, giữa cho đến cuối nhà.


Để ngôi nhà thật sự hài hòa với môi trường sống xung quanh thì vai trò KTS rất quan trọng tạo nên bộ mặt ngôi nhà tương lai. Màu sắc là điểm nhấn tạo nên sự cuốn hút của mọi người đến ngôi nhà của bạn từ xa, tầm nhìn được thu vào tầm mắt bởi sắc màu của ngôi nhà, nếu màu sắc ngôi nhà quá chói sẽ tạo nên sự tương phản khu vực sống điều đó ngôi nhà của bạn ắt sẽ ảnh hưởng không tốt tới vẻ đẹp cấu trúc.

Với nhà ống, sự hạn chế về chiều ngang đã tạo nên khó khăn về thiết kế cấu trúc do không gian xây dựng không đồng đều giữa chiều ngang và chiều rộng. Cấu trúc bộ mặt ngôi nhà thật sự khiến các nhà kiến trúc đau đầu suy nghĩ, lên ý tưởng cho ngôi nhà không chỉ cần đảm bảo nét đặc trưng, riêng biệt cho ngôi nhà mà còn thỏa tiêu chí hài hòa không gian khu vực sống.


Về phong thuỷ, dù đã có sân trong nhưng nếu thường mở cửa thông suốt từ trước ra sau cũng khiến luồng khí mạnh hút vào gây bất lợi. Ngược lại, ngăn chia nhà theo kiểu thành từng phòng bít bùng cũng làm mất tác dụng của giếng trời, trong nhà ngột ngạt mà gió lại vẫn lùa mạnh dọc theo những lối đi dài hun hút.

Do vậy, cần tạo lối đi và dẫn gió theo kiểu uốn lượn, tránh các tầm nhìn xuyên thấu từ ngoài vào nhà bằng cách dùng các dạng bình phong như tường thấp, tấm che, chậu cây và nên bố trí các không gian sinh hoạt chung xen giữa các không gian riêng để tạo luồng di chuyển có rộng có hẹp, có đóng mở về không gian.

Về việc phân chia các không gian chức năng cũng dựa trên nguyên lý phong thuỷ như trên để có những không gian thoải mái nhất không kể chung hay riêng. Cách bố trí phổ biến nhất hiện nay là phòng khách, bếp ở tầng 1 còn lại các không gian ngủ nghỉ, thư giãn, làm việc….phân bổ đều cho các tầng trên hoặc thiết kế gác lửng cho phòng khách, bếp còn tầng 1 làm gara xe, bài trí sân vườn…sao cho đạt được hiệu quả sử dụng tốt nhất. (KTS. Nguyễn Đắc Thạnh.Công ty Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Trang Kim).

DiaOcOnline.vn