Thao thức mùa Xuân

Cập nhật 18/01/2009 09:36

Tết đến, nhưng rét vẫn còn ngọt lắm. Cái rét ngọt Hà Nội, cái rét ngọt miền Bắc thật thấm thía với những ai sống trên đất Bắc và thật khó quên với người phương Nam từng đến mảnh đất này.

Tết đến, nhưng rét vẫn còn ngọt lắm. Cái rét ngọt Hà Nội, cái rét ngọt miền Bắc thật thấm thía với những ai sống trên đất Bắc và thật khó quên với người phương Nam từng đến mảnh đất này.

Vào những ngày áp Tết, trong gió bấc hun hút, không khí đã ẩm và ấm hơn bởi từng chặp từng chặp, lất phất mưa bay. Hơi Xuân đã len lỏi trong từng ngõ nhỏ. Màu Xuân trên cánh hoa đào, hoa mai theo chị theo anh vào chợ Tết. Sắc Xuân trên búp lộc nõn xanh vừa xòe lá, nghiêng che những chùm quả quất vàng lúc lỉu.

Trong sắc Xuân rực rỡ, người người bắt đầu đi chợ để... sắm ''cái Tết'' về nhà. Nghỉ Tết, ăn Tết, bao giờ cũng gắn liền với chơi Tết. Với mỗi người con đất Việt, nhiều thú chơi ngày Tết đã trở thành một nghệ thuật chơi, gắn với nét văn hóa truyền thống. Trong khí Xuân rộn rã, mỗi trò chơi, mỗi thú chơi ngày Tết như những đốm sáng lung linh của sự giao hòa giữa trời đất và con người, khiến tâm hồn rạo rực, thao thức chung hòa và chờ đợi

Câu đối


Câu đối có lẽ là điều người Việt Nam nghĩ đến đầu tiên trong hành trang chuẩn bị cho một cái Tết đầm ấm và may mắn. Đây là một thể loại văn học hàm súc, cô đọng được viết bằng bút lông trên giấy dó, trình bày bằng hai vế đối song song, đối nhau từng âm, từng chữ. Một câu đối treo trong nhà có thể mang nhiều nội dung: cầu tài, cầu lộc, cầu may, cầu sức khỏe... nhưng trên tất cả vẫn là cầu phúc. Mọi may mắn, hạnh phúc đến với một gia đình, đó là bởi gia đình đó ''được phúc''.


Những cụ đồ nho ban câu đối cho ai đó, được coi như đã ban phúc cho bản thân và gia đình họ. Ngày xưa, ngay cả lớp bình dân cũng không xa lạ gì với loại hình văn học này. Cứ gần đến Tết họ lại dâng chút lễ mọn là quả cau, tấm trầu, be rượu lên các ông đồ để xin cho được câu đối về treo hai bên bàn thờ hoặc cột nhà, mong cho năm mới tốt đẹp.

Thú chơi hoa, cây cảnh ngày Tết

Hoa đào, hoa mai là hai loài hoa tượng trưng cho sắc mùa Xuân. Mai vàng phương Nam, đào hồng phương Bắc, hai loài hoa đặc biệt như vương chúa của mùa Xuân đã từ ngàn năm gắn với tâm thức Việt.


Nhưng có một loài cây đặc biệt, một loài quả thật đặc biệt nữa cũng đã ngàn năm gắn với mùa Xuân, với con người, đó là cây quất. Chơi cây quất từ lâu là một thú chơi tao nhã mang tính phổ biến ở nhiều vùng miền, gắn với tâm thức cầu phúc, cầu may. Cây quất với những chùm quả sum suê vàng mọng, trồng trong chậu sành men hoa lam hoặc men da lươn, được uốn, tỉa, tạo dáng theo nhiều kiểu, thế khác nhau đặt trong nhà tượng trưng cho sự no ấm, sum vầy.


Ở một khía cạnh nào đó, có cây quất trong nhà là đón cả một mùa Xuân về với gia đình. Người ta sẽ cảm thấy may mắn gấp năm, gấp mười sẽ đến với gia đình mình nếu chọn được một cây quất vừa lúc lỉu quả chín vàng, lốm đốm quả xanh vừa lấp lánh màu hoa trắng ngát thơm bên những chồi non đang bật mầm đầy sức sống. Sớm mùng một, người thân đến, sau lời chúc thiêng liêng ai cũng trầm trồ, cây quất này sao mà nhiều lộc quá! Thú chơi hoa và cây cảnh ngày Tết thể hiện sự tinh tế của tâm hồn người Việt, nhưng còn mang ý nghĩa sâu xa: Mùa Xuân sẽ mang tài lộc đến cho con người.

Tranh Tết dân gian


Với nhiều hình ảnh giản dị, hồn nhiên, nhưng lại hết sức gợi cảm, có phong cách độc đáo, tranh Tết đã gắn với đời sống của dân ta từ rất lâu. Các dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây), tranh làng Sình (Huế) là nổi tiếng nhất. Tranh thường được vẽ trên nền giấy dó với nét mực giản dị, còn màu sắc thường do các nghệ nhân lấy chất liệu sẵn có trong tự nhiên mà pha chế.


Tranh dân gian rất đa dạng về đề tài và phong cách thể hiện. Có tranh tín ngưỡng, tranh lịch sử, tranh cổ tích, tranh giáo huấn, tranh về nghề nghiệp, tranh hài hước, tranh châm biếm, tranh chúc tụng, tranh phong cảnh... Tranh Tết được treo trong các gia đình không chỉ với ý nghĩa làm đẹp mà còn thể hiện tín ngưỡng văn hóa của người Việt Nam.

Hội Xuân và nghệ thuật sân khấu

Ông bà ta có câu "Tháng Giêng là tháng ăn chơi” để nói lên một thực tế, ngày xưa Tết kéo dài cả tháng giêng với các thú chơi dân gian, các buổi hội hè và trình diễn nghệ thuật sân khấu... Ở hầu khắp các làng quê, thường có các phường chèo, phường tuồng, phường cải lương, phường múa rối, phường ca trù... tập hợp dưới tay một ông trùm hay bà cả tài ba, đi lưu diễn khắp nơi. Mỗi vùng miền, mỗi tộc người lại có lời ca điệu nhạc riêng thường được biểu diễn vào dịp đầu Xuân với trống, chiêng, sênh, phách, sáo, kèn lá, khèn, các loại đàn bầu, tam thập lục, hồ nhị, tơrưng, krôngput...


Người Tày say đắm trong điệu hát Lượn cọi, Slương. Người Nùng đằm thắm trong điệu Sli. Người Mông sôi động trong múa khèn, thổi đàn môi. Người Mường diễn tấu cồng và hát bài chúc Pháo rác nổi tiếng.


Các cô gái Thái thì mềm mại uyển chuyển trong điệu xòe khăn, xòe quạt, xòe nhạc, xòe hoa. Tây Nguyên có múa rông chiêng, hát mũn, hát A nhông klưu, kể khan Người Chăm hát Ariya, người Khơmen hát Aday. Người Kinh với nhiều làn điệu khác nhau như hát xoan, ghẹo, quan họ, đò đưa, trống quân, hát dặm, hát phường vải, hát bội, hát bài chòi...


Mùa Xuân ngày rộng tháng dài cũng là lúc nở rộ các trò chơi dân gian như đua cà kheo, chọi trâu, đấu vật, thả chim, đánh đáo, đánh phết, tung còn, đánh cờ người, đánh đu...


Mỗi thú chơi tao nhã, mỗi trò chơi dân gian hay mỗi điệu hát, tiếng đàn đều như một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người. Ngày nay, rất nhiều thú chơi, nhiều lời ca điệu hát đã không còn phổ biến hoặc giả chỉ còn trong ký ức, nhưng tất cả vẫn như những đốm sáng lung linh kỳ diệu của trời đất vào Xuân, nhắc con người luôn nhớ về quá khứ và thao thức giữ gìn.

DiaOcOnline.vn - Theo CNMS