Thăm Pa Búa - chông chênh những số phận nơi 'cổng trời'

Cập nhật 14/07/2014 09:03

Tôi có dịp đến bản Pa Búa, xã Trung Lý, huyện Mường Lát vào những ngày gió lào thổi rát da, cỏ cây héo lá. Sau hành trình dài 4 giờ trên chiếc xe khách chỉ chạy một lần duy nhất trong ngày, "điều hòa" 4 chiều, bụi phủ kín người, Mường Lát hiện ra trước mắt tôi với bạt ngàn núi biếc.

Tôi có dịp đến bản Pa Búa, xã Trung Lý, huyện Mường Lát vào những ngày gió lào thổi rát da, cỏ cây héo lá. Sau hành trình dài 4 giờ trên chiếc xe khách chỉ chạy một lần duy nhất trong ngày, "điều hòa" 4 chiều, bụi phủ kín người, Mường Lát hiện ra trước mắt tôi với bạt ngàn núi biếc.

Đường mòn ở bản Pa Búa. Địa hình hiểm trở gần như biệt lập càng khiến cuộc sống ở đây thêm phần hoang dã

Đến với Mường Lát, tôi mang theo niềm háo hức của một người lần đầu tiên đến với đồng bào các dân tộc miền núi. Trên chuyến xe khách chật như nêm dưới cái nóng 36 - 38 độ C, tôi cảm giác như ngạt thở.

Và, chỉ sau vài khúc cua tay áo, tôi ngồi bẹp dí như một con gián mặc cho phong cảnh hữu tình hai bên đường mời gọi. Ngay thời điểm đó, có một suy nghĩ xuất hiện trong đầu, đó là tôi sẽ không bao giờ quay trở lại nơi này nữa vì đường đi quá kinh khủng.

Có lẽ, những khúc cua tay áo, những ổ voi, những đoạn đường bị tắc do đơn vị thi công đang bạt núi khiến đá sạt lở xuống đường đi, những cơn gió lào đã thực sự thổi bay ý trí và niềm háo hức khám phá bản người Mông xa nhất thuộc xã biên giới này trong tôi.

Nhưng khi đặt chân xuống xe, thấy cảnh mây bay nơi 'cổng trời' Mường Lát, khói tỏa ra từ những ngôi nhà sàn, ven đường, tôi như lấy lại sức lực.



Những đứa trẻ đầu trần, chân đất hồn nhiên chơi đùa trong nắng

Sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi quyết định hành quân bằng xe máy vào bản Pa Búa, một bản khó khăn nhất của xã Trung Lý.

Vì đường rất khó đi, nên chúng tôi nhờ một thanh niên bản người Mông dẫn đường. Theo sự phân công, tôi được anh ta chở.

Dù lường trước đường đi rất khó, nhưng khi đối mặt, tất cả nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi. 'Hành quân' chưa được 3 km, chàng trai bản quăng tôi ngã 2 lần, trong khi đường đi một bên là vực, một bên là vách núi. Tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, mồ hôi vã ra vuốt không kịp.


Khi tôi giơ máy ảnh lên chụp thì những đứa trẻ co cụm vào nhau và tỏ ra sợ sệt

Càng vào sâu đường càng nhỏ và lên cao, trời nắng những lớp cát pha đất trơn, trượt như bôi mỡ, hai bánh xe nhích lên rồi lại tụt xuống.

Phía sau đã có người đã không dám ngồi lên xe và chấp nhận đi bộ dưới cái nắng cháy da cháy thịt. Riêng về phần mình, tôi vẫn yên vị ngồi trên xe, có đôi lúc phải xuống đẩy xe lên dốc.

Chàng trai người Mông nói với tôi rằng, khi lên dốc thì ngồi sát vào nhau để hai người thành một khối, xe cài số mỗi người một số (tức số 2) sẽ dễ đi, không bị bốc đầu. Còn khi xuống dốc thì ngồi lùi về phía đuôi xe để cân bằng trọng lượng, sẽ không bị bổng đuôi.

Cô bé mặc chiếc váy thổ cẩm đẹp như những cánh bướm

Đường vào Pa Búa cứ hết lên dốc rồi lại xuống dốc, những kinh nghiệm ngồi sau xe chàng trai người Mông vừa nói ban nãy được tôi áo dụng ngay tức khắc. Lên dốc đã sợ, xuống dốc còn sợ hơn gấp nhiều lần, dù đã lỳ với những pha đo đường, nhưng mỗi khi xe xuống dốc, để đảm bảo sự an toàn cho cả hai tôi đã xuống đi bộ.

Phải quốc bộ một đoạn khá xa chúng tôi mới đến được bản Pa Búa. Bản vắng như chùa bà đanh, chỉ có những đứa trẻ mặt mũi lấm lem, đầu trần, chân đất đang châu đầu vào nhau hì hụi nghịch đất.

Khi tôi giơ máy ảnh lên chụp, những đứa trẻ co cụm vào nhau. Có lẽ, sự xuất hiện của những vị khách lạ cùng chiếc máy ảnh bật đèn flash khiến chúng sợ, đã có đứa khóc thét lên.

Cách trẻ em giải tỏa cái nóng

Phải mất một lúc lâu lân la làm quen, khuôn mặt những đứa trẻ mới giãn ra và chúng lại tiếp tục chơi đùa trong nắng. Tất cả những đứa trẻ ở đây đều không biết nói tiếng Kinh, chúng giao tiếp với nhau bằng tiếng của dân tộc mình.

Chúng tôi vào một vài nhà trong xóm, nhưng tất cả đều đi vắng. Trong các ngôi nhà không có một đồ vật gì đáng giá, những củ sắn nằm lăn lóc giữa nhà, xoong nồi, bát đũa khá bừa bãi.

Trong một ngôi nhà, tôi để ý thấy một bát cơm chan nước trắng để cạnh một chiếc siêu bên trong toàn là sắn. Một người dân cho biết, ở đây họ ăn cơm với nước trắng, nấu sắn lên làm canh ăn.

Trong những ngồi nhà ở bản Pa Búa chẳng có thứ gì đáng giá...


... chỉ có những củ sắn nằm lăn lóc giữa nhà và bát cơm chan nước trắng để cạnh một siêu nước đựng đầy sắn

Trẻ con không có quần áo để mặc, dép để đi, mùa hè đã vậy, mùa đông nhìn tội lắm. Tôi quay ra nhìn những đứa trẻ cả trai lẫn gái cởi trần trùng trục trong nắng trưa mà lòng quặn thắt.

Có cô bé trèo lên cây chơi đùa, chiếc váy thổ cẩm xòe xa giống như những cánh bướm xinh đẹp nhiều màu sắc. Một cậu bé mặc chiếc quần đùi quá rộng phải dùng dây vắt qua cổ như kiểu quần treo ở dưới xuôi, không chịu được nắng nóng đã chạy đến bên một chiếc nồi đựng nước lấy gáo múc nước dội từ đầu xuống chân.

Ở đây, những cô, cậu bé khoảng 5 tuổi đã phải địu em, đã phải cầm dao chặt củi, nhưng tất cả đều các em đều cười rất tươi trước những thiếu thốn, vất vả, khó khăn.

Tối đến bản Pa Búa tối như hũ nút, nguồn sáng yếu ớt từ chiếc đèn nhỏ không đủ cho 3 nhà chung nhau. Khi chiếc bóng đèn duy nhất trong nhà đã tắt, thứ ánh sáng còn lại ở nơi này là của những con đom đóm bay lập lòe, vậy mà những đứa trẻ vẫn chạy tung tăng từ nhà này sang nhà khác.

Những đứa trẻ ở đây không có đủ áo để mặc




Bế em, chặt củi để bố mẹ lên nương, rẫy

Ngồi trong bóng tối, tôi miên man trong dòng suy nghĩ, rồi đây những đứa trẻ khi lớn lên chúng sẽ làm gì, ra ngoài huyện học hay lại tiếp bước cha mẹ lên rẫy như một vòng tròn vô định? Quả là một thử thách quá lớn đối với những đứa trẻ đang sống trong vô vàn thiếu thốn.

Còn riêng với bản thân tôi, hành trình đến với bản Pa Búa là một thử thách và khi đã vượt qua rồi, tôi thấy yều đời, trân trọng những gì đã có, tràn đầy năng lượng sống và tôi sẽ còn trở lại.


DiaOCOnline.vn - Theo iHay