Sông Hương - Nhan sắc ngày mưa

Cập nhật 29/04/2008 08:53

Gần 8 giờ sáng, Huế vẻ như vẫn còn ngái ngủ. Đợt gió lạnh chưa từng thấy kéo dài gần hai tháng nay làm cho nhiều người Huế thích chui trong chăn ấm hơn là...

Gần 8 giờ sáng, Huế vẻ như vẫn còn ngái ngủ. Đợt gió lạnh chưa từng thấy kéo dài gần hai tháng nay làm cho nhiều người Huế thích chui trong chăn ấm hơn là dậy sớm, mọc rễ nơi cà phê Thiên Đường, ngắm sông Hương, khề khà điểm tâm bằng những thông tin thời sự mới nhất thu thập từ mọi nguồn, như thói quen nhiều năm nay của giới trí thức - văn nghệ thạo tin ở thành phố này.



Đêm trên sông Hương.


Trong khi Trái đất đang nóng dần lên thì Huế lạnh đi. Một màn mây xám, thấp, nặng, như tấm chăn dày trùm kín thành phố từ tháng Chạp Đinh Hợi đến hôm nay, đã qua rằm nguyên tiêu Mậu Tý.

Khác với vẻ hớn hở thường ngày, “sáng xanh - trưa đỏ - chiều tím - đêm vàng”, sông Hương trong mưa lặng lờ, xám nhợt, như ngừng trôi trong một hoàng hôn sẫm tối miền địa cực. Cũng không hẳn là mưa. Một không gian bão hòa hơi nước như khi ta đứng trên đỉnh Bạch Mã hay lang thang trong một Sapa đầy mây. Mọi vật xung quanh hiện lên mờ ảo, như có, như không, như thật, như giả, như ký ức hiện về trong hoài niệm.

Cầu Trường Tiền không còn là chiếc lược trăng cài mà thấp thoáng sau hàng cây trong một toàn cảnh xám nhạt. Đình Thương Bạc mờ mờ trong mưa xuân. Sân chùa Thiên Mụ, từ thượng nguồn, một dòng sông mơ hồ, bất động, trôi về từ núi xa, nhạt nhòa như vẽ bằng mực tàu. Đỉnh Kim Phụng chìm trong mây. Cầu Phú Xuân vắt qua sông Hương, tiền cảnh của một bức tranh mờ tối, bật lên trong mưa một làn khói trắng mong manh. Cồn Hến, nơi sông đi về biển, cũng mờ mờ, bất động.

Huế chìm trong mưa. Một thứ mưa mùa xuân không đủ ngưng kết thành hạt, làm ướt vai những đôi trai gái chụm đầu dưới những cánh dù. Mưa mùa xuân diễn đạt sự có mặt của mình bằng những vi tinh thể nước lửng lơ, tràn ngập không gian, nhuốm cảnh vật vào một sắc thái hư huyền.

Nằm cạnh biển, cuối dải Trường Sơn Bắc với rặng Hải Vân dầm chân trong biển Đông, Huế hứng trọn hoàn lưu khí hậu ẩm ướt do gió mùa Đông - Bắc thổi về. Không phải ngày một ngày hai, mưa ở Huế tính bằng tháng. Thiên nhiên được nhúng trong một thứ ánh sáng mơ màng. Cảnh vật hình như không có thật, như huyễn ảnh sinh ra từ tưởng tượng. Mà giới hạn của trí tưởng tượng thì vô cùng. Có phải vì vậy mà người Huế yêu văn thơ, thiên về tôn giáo và triết học?

Hiếm có không gian nào giúp cho con người chìm sâu trong cô đơn như Huế. Mà hệ quả tất yếu của cô đơn bản thể là suy tư. Được ngồi bên sông Hương, một mình, trong làn sáng u sầu ấy, nghe chuông Thiên Mụ xa vắng vọng về trong gió lạnh mới thấy hết chiều sâu cảm xúc của thân phận, của da diết cô đơn trong Trịnh Công Sơn “Chiều nay còn mưa sao em không lại!?”, còn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì thảng thốt: “… Thời gian sao mà xuẩn ngốc / Mới thôi, đã một đời người!”.

Tuy nhiên, song hành cùng dòng chảy nghệ thuật, văn chương và triết học ấy, một dòng chảy khác, âm thầm, thường hằng và đeo bám không kém phần quyết liệt. Trên đầu những cành bàng trút hết lá để qua Đông, những chồi son đã nhú mầm non tơ, run rẩy trước gió xuân đang về. Thông trên Ngự Bình, Thiên An vẫn xanh mướt, tràn căng nhựa sống. Đào, mai trong sân chùa vẫn rực rỡ như vừa đơm bông. Trong không gian mờ tối của “Vườn Thả Om”, một cây hoa bằng giấy đủ màu rực lên như có nắng.

Sức sống của con người xứ Huế, bằng mọi cách vẫn muốn chứng minh mình bằng một thứ ánh sáng nội tâm mãnh liệt, đầy thách thức. Dưới chân cầu Trường Tiền, trong mờ mờ hư ảo, chiếc thuyền câu bé tí như chiếc lá tre, bất chấp thời tiết, vẫn lặng lẽ cuộc mưu sinh. Trên mặt sông, trong ánh sáng rụt rè của ngày vừa rạng, nhiều cặp vợ chồng ngư phủ vẫn âm thầm bủa lưới.



Sông Hương nhìn từ chùa Thiên Mụ.


Những ngày này, ghé quán cơm chay Bồ Đề bên bờ sông Hương hay quán cơm chay Liên Hoa của nhà chùa mới mở trên đường Trần Quốc Toản, thưởng thức hương vị và tài hoa của nghệ thuật ẩm thực tiêu biểu đất thần kinh, nghe như từ trong xa xôi một “Đêm tàn Bến Ngự” nức nở dặt dìu để cảm hết vẻ đẹp của Huế, của một sông Hương ngày mưa. Một vẻ đẹp của sự suy tư, rất hiếm hoi, không dễ gì tìm gặp ở bất kỳ đâu khác.

Quán bánh khoái Lạc Thiện gần cửa Thượng Tứ vẫn nườm nượp du khách phương Tây. Quá nhiều khách lưu lại di bút, một chữ ký, một hình vẽ làm kỷ niệm. Bốn bức tường quán nhỏ đã hết diện tích, chủ quán vui vẻ kê bàn cho “tây” nằm ngửa ký lên trần. Trong nhiều tấm ảnh khách xa gửi về, thanh gỗ mở bia ghi rõ “bánh khoái Lạc Thiện - Huế” kèm theo ngày, tháng năm… được chụp dưới chân tháp Eiffel; bên cổng Brandenburg; một vùng băng tuyết xa xôi nào đó ở Bắc Âu, ở Canada và ở nhiều nơi khác trên thế giới. Chút lưu niệm chủ quán tặng khách phương xa được ghi hình từ chốn quê nhà gửi về cho người đã đãi khách một món ăn không thể nào quên.

Không thể không nhận ra Huế vẫn còn nghèo. Nhiều nhà đầu tư đã đến và đã đi. Ngay cả người Huế, nhiều gia đình mua nhà ở Sài Gòn cho con cái vào học, sau khi tốt nghiệp, định cư luôn ở thành phố phương Nam đầy nắng này. Chưa kể hàng vạn người Huế khác phải ly hương tìm kế mưu sinh. Đã hơn ba mươi năm, Huế vật vã để trở thành một thành phố công nghiệp, hiện đại, để được như Đà Nẵng, như Sài Gòn, như nhiều thành phố khác.

Cũng đã thử một nhà máy đường Ấn Độ, một resort trên đồi Vọng Cảnh, cũng đã thử một công viên Ngự Bình, một công viên nước Thủy Tiên sao chép mô hình Suối Tiên của TP.HCM… và không ít những chủ trương “đi tắt - đón đầu” cho bằng vai phải lứa cùng các địa phương khác. Tuy nhiên, nhiều giấc mơ đã không thành. Nhiều công trình kiến trúc “hiện đại chẳng kém ai” đã dựng lên bên bờ sông Hương chỉ làm Huế trở thành một dàn hợp xướng không có nhạc trưởng, một vở diễn không kịch bản!

Hơn ba mươi năm đã qua, nhiều cách làm đã được thử nghiệm, nhiều bài học đã được rút ra, Huế vẫn “tiếng cả nhà không”, loay hoay trong địa giới hành chính của chiếc áo chật. Trong khi Hà Nội, TP.HCM mạnh dạn thoát ra khỏi ràng buộc của địa giới cũ cản trở quá trình phát triển, tìm cho mình một không gian mới thì Huế vẫn loay hoay “trước bến Phu Văn Lâu”, dưới chân Cột Cờ, dù sông Hương còn một không gian mênh mông ở hạ lưu đang chờ được khai thác.

Bài toán đi lên công nghiệp và hiện đại của Huế, ở nước ta, gần như chưa có mô hình. Để giấc mơ giàu có sớm trở thành hiện thực, Huế phải tự tìm ra con đường của riêng mình, một con đường biết khai thác thế mạnh không ai có, thế mạnh của cảnh quan thiên nhiên, của trí tuệ và tài năng, của trầm tích chất xám đã tích lũy từ trong truyền thống. Đã là một thành phố Festival, một trung tâm văn hóa, một trung tâm lịch sử… tại sao Huế không trở thành một thành phố đại học khi trong kinh tế thị trường, nguồn thu từ một trung tâm đào tạo các nhà khoa học cho chuyên gia nhiều nước cũng là một nguồn thu không phải là không đáng kể?

Du lịch thì đã đành, nhưng du lịch không thể không tựa trên nền cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống. Tàn phá thiên nhiên và quay lưng lại với truyền thống thì chính du khách quay lưng lại với mình. Có hay không khả năng xây dựng Huế thành một thành phố văn hóa, du lịch, khoa học, đào tạo v.v… mà hệ thống công nghiệp cần được lựa chọn kỹ càng với những ngành công nghiệp phi truyền thống, công nghiệp tri thức cần nhiều chất xám hơn là những nguyên liệu rút ruột từ thiên nhiên? Cần biết biến cái bất lợi thành thuận lợi, cái tưởng như không thể thành có thể. Mưa Huế là một dẫn chứng có tính ví dụ.

Những gì người xưa để lại trên đất này đã trở thành di sản văn hóa nhân loại. Những tầng trầm tích chưa lộ diện tin rằng không chỉ có thế.

“… Mùa Xuân lên đồi cỏ non
Mùa Hạ nhìn trời mây khói
Thu tím chân cầu tím núi
Đông sang, ngày trắng mưa dầm…”

Một nhà thơ xứ Huế đã nhìn quê mình như vậy. Không có vẻ đẹp nào, một giá trị nào bị phủ nhận, dù đấy là Mưa.



Đình Thương Bạc trong mưa.




Cầu Phú Xuân.





Buông lưới trong sương.




Khách xa viếng chùa.


Theo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần