Sống chậm ở Bến Tre

Cập nhật 31/10/2018 13:20

Đi xe ngựa hay đạp xe dưới những rặng dừa, thăm làng nghề truyền thống, ở homestay với người dân bản địa,… là những trải nghiệm dành cho người ưa sống chậm khi chọn xứ dừa Bến Tre.

Đi xe ngựa hay đạp xe dưới những rặng dừa, thăm làng nghề truyền thống, ở homestay với người dân bản địa,… là những trải nghiệm dành cho người ưa sống chậm khi chọn xứ dừa Bến Tre.


Thành phố Bến Tre không ồn ào nằm bên bờ sông cùng tên Bến Tre. Nơi đây vẫn giữ được những nét đẹp hữu tình của một thành phố tỉnh lẻ nằm bên dòng sông thơ mộng.

Ấn tượng đầu tiên với du khách đến với Bến Tre là hệ thống kênh rạch chằng chịt, dù cầu được xây dựng bằng xi măng cốt thép giờ đã nhiều cùng với sự phát triển của vùng đất này, nhưng những cây cầu tre hay người dân bản địa còn gọi là cầu khỉ vẫn xuất hiện ở khắp nơi.

Có thể những người dân cũng như những ai làm du lịch vẫn muốn gìn giữ nét văn hoá đặc trưng để du khách thêm yêu điểm đến này. Với cảm giác lắc lư khi qua cầu, đi cầu khỉ không dành cho người yếu tim, sợ độ cao, đây là trải nghiệm không dễ quên.

Cùng với đó là tour đi xe ngựa lóc cóc hay đạp xe tham quan những vườn trái cây Cái Mơn, Chợ Lách hay ở Tân Phú, Châu Thành trồng rất nhiều loại cây ăn quả như: sầu riêng, chôm chôm, nhãn, măng cụt...và nhiều nhất là dừa. Nơi đây còn được mệnh danh là xứ dừa.

Đặc biệt, những năm gần đây Bến Tre nổi lên mô hình du lịch homestay. Đây là dịch vụ lưu trú với người dân địa phương, cùng ăn, ở và trò chuyện với chủ nhà. Mô hình du lịch còn khá mới ở Bến Tre, nên người dân địa phương rất hào hứng và chào đón du khách ghé thăm. Lưu trú ở Cocohut homestay, vườn dừa rộng 10.000m2 ở Bến Tre. Nơi đây là vùng đất tươi xanh của thiên nhiên và cây trái.

Nếu có đủ duyên, bạn sẽ được gặp chị Lê, chủ nhân của khu nghỉ - người phụ nữ thật thú vị trò chuyện về cuộc sống cũng như quan điểm làm du lịch “khác người” của chị.

Ở đây, một ngày của bạn sẽ bắt đầu bằng buổi sáng trong veo giữa vườn dừa xanh mát. Ăn sáng xong, mời bạn đạp xe đi dạo vòng quanh. Có thể đạp đến vườn chôm chôm ngắm từng chùm quả đỏ vào mùa, hay sang lò kẹo xem các nghệ nhân chế biến. Buổi trưa bạn được học nấu ăn.

Chị Lê nhắc bạn nhất định phải học nấu lẩu mắm, cá kho và bánh chuối hấp dừa, ba món ngon của Cocohut Homestay. Rau sạch quanh vườn, du khách cứ việc hái để nấu ăn. Dừa ở Cocohut Homestay quả nhỏ nhưng nước lại cực kỳ ngọt thơm, đừng quên nếm thử.

Buổi trưa du khách có thể nằm đọc sách nghỉ ngơi trong khu vườn yên tĩnh. Chiều đạp xe ra bờ sông ngắm hoàng hôn. Chủ nhân của Cocohut Homestay sẽ chỉ cho bạn tới điểm ngắm hoàng hôn tuyệt nhất. Cocohut Homestay cũng rất thân thiện với trẻ em.

Nơi đây là khu vườn rộng lớn đầy cỏ hoa cho các bé chạy chơi và hít thở. Buổi tối còn có tiết mục bắt đom đóm vào những chiếc hộp nhỏ, nhưng phải thật nhẹ tay và đến giờ đi ngủ phải thả đom đóm về nhà. Cocohut Homestay là vườn xanh để trở về tiếp thêm năng lượng.

Bến Tre là còn giữ được khá nhiều làng nghề truyền thống. Thăm làng nghề truyền thống đan lát ở Phước Tuy, Ba Tri cách thành phố Bến Tre khoảng 40 km. Đây là làng nghề đã có từ rất lâu đời. Người dân làm tất cả những vật dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày đều bằng tre.

Mỗi nhà chia nhau làm bung, lờ bắt cá hoặc rế, nia. Du khách đến đây vừa được xem người dân địa phương làm ra sản phẩm, học cách thức và trải nghiệm cùng người dân. Về làng bánh tráng Mỹ Lồng, du khách ngoài xem người dân làm bánh, còn được họ mời ăn một bữa đã đời. Bánh tráng được phơi rồi mang đi nướng trên bếp than nên bánh đến tay du khách luôn nóng hổi và giòn rụm, béo ngậy mùi nước cốt dừa.

Những công trình kiến trúc đình làng và nhà cổ ở Bến Tre cũng là nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan, tiêu biểu là đình Bình Hòa (huyện Giồng Trôm), đình Phú Lễ (huyện Ba Tri) hay đình Phú Tự (TP Bến Tre) có cây bạch mai cổ thụ độc nhất vô nhị, trên 300 năm tuổi vẫn còn xanh tốt. Bến Tre còn có ngôi nhà cổ ở xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú) trên 100 năm tuổi, xây theo kiểu hình chữ nhất và được trang trí hoa văn chạm trổ khéo léo, tinh tế.

Tham quan Bảo tàng Bến Tre tại số 146 đường Hùng Vương, phường 3. Tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp với những cánh cửa hình vòm. Mặt chính ngôi nhà hướng về phía sông Bến Tre, mặt sau hướng về đường Cách mạng tháng Tám. Bảo tàng có khuôn viên rộng, xung quanh có những cây cổ thụ tỏa bóng mát cùng nhiều hoa cảnh quý giá, được bày trí rất đẹp.

Tại toà nhà Bảo tàng này từng diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của quân dân Bến Tre. Trước 1975, tòa nhà này là Dinh tỉnh trưởng Kiến Hòa, là cơ sở hoạt động bí mật của chiến sĩ tình báo cách mạng Phạm Ngọc Thảo với cương vị Tỉnh trưởng Kiến Hòa, giai đoạn 1960-1962.

Toàn bộ các phòng và hành lang của ngôi nhà đều được sử dụng để trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; trưng bày Di chỉ khảo cổ Giồng Nổi được phát hiện ở ấp Bình Thành, xã Bình Phú, thành phố Bến Tre, khai quật vào các năm 2004, 2005, 2006.

Đây là điểm hẹn của nhân dân, sinh viên, học sinh, khách du lịch trong và ngoài tỉnh muốn tìm hiểu về xứ dừa. Bảo tàng vẫn ngày ngày mở cửa đón khách tham quan để quảng bá và giáo dục truyền thống, lịch sử vùng đất Bến Tre.

Được đánh giá là điểm đến có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, trong đó du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử của Bến Tre đang ngày càng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, những người yêu xứ dừa này cũng mong muốn, dù phát triển đến đâu thì Bến Tre vẫn giữ được nhịp sống chậm rãi, bình yên và nét hồn hậu của người dân nơi đây. 

* Ở đây, một ngày của bạn sẽ bắt đầu bằng buổi sáng trong veo giữa vườn dừa xanh mát. Ăn sáng xong, mời bạn đạp xe đi dạo vòng quanh. Có thể đạp đến vườn chôm chôm ngắm từng chùm quả đỏ vào mùa, hay sang lò kẹo xem các nghệ nhân chế biến. Buổi trưa du khách có thể nằm đọc sách nghỉ ngơi trong khu vườn yên tĩnh. Chiều đạp xe ra bờ sông ngắm hoàng hôn.

Buổi tối vẫn có những đứa bé rủ nhau đi bắt đom đóm rồi đựng trong những chiếc hộp nhỏ. Bến Tre còn giữ được khá nhiều làng nghề truyền thống. Về làng bánh tráng Mỹ Lồng, du khách ngoài xem người dân làm bánh, còn được mời ăn một bữa thật đã đời. Bánh tráng được phơi rồi mang đi nướng trên bếp than nên bánh đến tay du khách luôn nóng hổi và giòn rụm, béo ngậy nước cốt dừa.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại đoàn kết