Nội thất phong cách Zen không chỉ thể hiện ở kiểu dáng, vật liệu hay màu sắc hài hòa, không gói gọn trong không gian nội thất mà hiện hữu trong mọi hoạt động ăn, ngủ, làm vườn, trang trí nhà cửa... tạo thành một không gian sống mà con người sẽ đạt đến trạng thái bình an.
Thông thường, các không gian nội thất Nhật mang phong cách Zen là sự mở rộng đi cùng với sự nhẹ nhàng và linh hoạt. Kết cấu được phơi bày ra và tường là các vách trượt di động bằng giấy. Động tác trượt nhẹ các vách ngăn mang nét tinh tế hơn là mở cửa bản lề. Nó cho bạn chuyển tiếp nhìn vào không gian kế cận một cách nhịp nhàng mà không bị sự can thiệp sỗ sàng của kiến trúc.
Cửa trượt nhẹ, các vách ngăn tinh tế thể hiện phong cách Zen.
Sàn được che phủ bằng vật liệu thô mộc, thiên nhiên như gỗ có vân hoặc chiếu đệm. Vật dụng là tối thiểu nên sẽ không có ghế và tầm mắt nhìn sẽ thấp hơn nhiều so với căn nhà phương Tây. Một cách nào đó, nội thất Zen phản chiếu tinh thần của thiên nhiên bên ngoài, không chỉ qua vật liệu mà còn qua sự giao hưởng giữa ánh sáng và bóng tối. Trong không gian đó, ta có thể cảm nhận ánh sáng yếu ớt của mùa đông cũng như cái rực rỡ của mặt trời mùa hè. Và cũng trong đó, bóng đổ của cây cối xung quanh lên các mành ngăn bằng giấy thay đổi từ lúc xum xuê cành lá đến lúc chỉ còn thân trơ trụi đã gửi đến thông điệp xuân - hạ - thu - đông cho không gian nội thất.
Zen gồm các đường thẳng đơn giản, chi tiết hoa văn được tiết giảm tối thiểu và màu sắc sử dụng một cách kiềm chế. Tất cả các yếu tố đặc trưng đó của nội thất mang phong cách Zen có chung mục đích tạo một không gian sống thật đơn giản đến mức tối thiểu, trong đó tất cả những trang trí nặng nề, rườm rà đều bị lược bỏ. Sự chuyển tiếp nhịp nhàng giữa trong và ngoài nhà, cách sử dụng khéo léo ánh sáng gián tiếp, nhẹ nhàng và vật liệu thô mộc sẽ tạo ra một môi trường sống mang tính thiền định và gần gũi với thiên nhiên.
Phong cách Zen tối giản trong từng chi tiết.
Sự nhấn mạnh vào tính đơn giản đã làm các thiết kế mang phong cách Zen mang đậm hơi hướng hiện đại phương Tây, tương tự như phong cách tối giản (Minimalism). Tuy nhiên, không gian nội thất tối giản phương Tây thường thiên về "màu sắc của ánh sáng tự nhiên", trong khi nội thất Zen lại hướng về "màu sắc pha trộn của bóng tối". Nói cách khác, ánh sáng trong nội thất Zen được sử dụng gián tiếp hoặc dùng ánh sáng của đèn lồng...
Vật liệu trong không gian tối giản lại mang hơi hướng đơn giản, hi-tech, nhân tạo. Ngược lại ở Zen, vật liệu hướng đến sự thô mộc thiên nhiên. Hiện nay, cũng có khuynh hướng pha trộn giữa hiện đại phương Tây và Zen truyền thống để tạo nên phong cách Zen hiện đại, khác với khuynh hướng Zen truyền thống chỉ mang tính chất Á Đông.
Zen hiện hữu ở sự liên tưởng. Vì thế, sự ứng dụng của Zen vào không gian sống của chúng ta cũng rất linh hoạt. Không cần không gian mênh mông, không cần vị trí giữa một thiên nhiên hoang sơ lý tưởng, một lối đi nhỏ lát đá tự nhiên len lỏi giữa cây cỏ trong nhà phố, hay một phòng ngủ với đệm đặt trên phòng lát gỗ thô mộc cũng đủ gợi nhớ về Zen.
>>
Phong cách Zen trong nội thất (phần 1) Theo KT & ĐS